Toàn dân cùng khởi động
Thời điểm bước vào XDNTM, Hà Tĩnh mới đạt 5,1 tiêu chí/xã, có 69/231 xã đạt dưới 5 tiêu chí, thậm chí còn 20 xã chưa đạt tiêu chí nào, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 8,47 triệu đồng/người/năm thì nay đạt gần 9 tiêu chí/xã.
Với tinh thần Đảng chỉ đạo, chính quyền thực hiện, toàn dân cùng khởi động, tất cả các nội dung trong 19 tiêu chí đều có chuyển biến rõ nét, nhiều khu dân cư kiểu mẫu được xây dựng. Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 7 xã đạt 19 tiêu chí; 10 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí. Đến tháng 3/2014, có 4 xã được huyện thẩm định đề nghị tỉnh công nhận; dự kiến tháng 9/2014 Hà Tĩnh có 19 xã đưa vào thẩm định. Như vậy, tỉnh chỉ còn 19 xã đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 50 xã so với năm 2011); tổng số tiêu chí trong 3 năm thực hiện chương trình là 570 tiêu chí; dự kiến năm 2014 sẽ có 20 xã đạt chuẩn.
Nếu chia 19 tiêu chí thành 5 nhóm (quy hoạch và thực hiện quy hoạch; hạ tầng kinh tế-xã hội; kinh tế và hình thức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường; hệ thống chính trị) thì Hà Tĩnh đã đạt kết quả khá khả quan. Theo đó, 231/231 xã có quyết định phê duyệt điều chỉnh, cắm mốc quy hoạch và tuân thủ quy hoạch cơ bản hoàn thành. Những địa phương làm tốt tiêu chí này là Đức Thọ, Lộc Hà, Hương Sơn... Kết cấu hạ tầng không ngừng được củng cố, nhất là giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn. Đã có 20 xã đạt tiêu chí giao thông; 40 xã đạt tiêu chí thủy lợi; 195 xã đạt tiêu chí điện; 97 xã đạt tiêu chí trường học; 86 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư. Tiêu biểu trong nhóm này là Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ.
Ở nhóm kinh tế và hình thức sản xuất, Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất; đẩy mạnh các loại hình tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX); kinh tế hộ được hỗ trợ và tạo điều kiện; thực hiện một bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với XDNTM. Nhờ đó, sản xuất đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được chuyển giao, ứng dụng.
Nhóm văn hóa, xã hội, môi trường cũng dành được khá nhiều thành công. Hiện, toàn tỉnh đã có 56 xã đạt tiêu chí văn hóa; 144 xã đạt tiêu chí giáo dục. Chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên, toàn tỉnh có 69,8% trạm y tế có bác sỹ. Ý thức bảo vệ môi trường và công tác vệ sinh môi trường của người dân có chuyển biến tích cực. Đến nay đã có 18 xã đạt tiêu chí môi trường. Các địa phương tiêu biểu thực hiện tốt nhóm này là Hương Sơn, Thạch Hà, Hương Khê, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh.
Về tiêu chí hệ thống chính trị, tình hình an ninh trật tự nông thôn cơ bản ổn định, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và tăng cường. Đến nay, tổng số cán bộ công chức cấp xã là 5.499 người, trong đó, số cán bộ đạt chuẩn chiếm 74,3%. Các tổ chức trong hệ thống chính trị được giữ vững và ngày càng hoàn thiện về tổ chức và nâng cao về chất lượng. Tiêu chí này nằm ở vị trí cuối cùng trong bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM, tuy nhiên, lãnh đạo Hà Tĩnh lại có ý kiến, đây là tiêu chí về con người, chủ thể XDNTM, vì vậy, nên xếp vào vị trí thứ 2 (sau quy hoạch). Có lẽ cũng bởi nhờ yếu tố này nên khi bắt tay XDNTM, các địa phương ở Hà Tĩnh đã nhanh chóng thu được thành công như mong đợi.
Gắn với thực hiện “3 hóa”
Từ định hướng của Đảng, triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với XDNTM, trọng tâm hướng vào tổ chức lại sản xuất theo phương châm “3 hóa” (doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư), sau 3 năm, Hà Tĩnh đã đạt được kết quả khá toàn diện, để lại nhiều dấu ấn.
Dựa trên lợi thế so sánh, Hà Tĩnh lựa chọn 13 loại sản phẩm hàng hóa chủ lực có giá trị gia tăng cao: lợn, bò, hươu, tôm, rau, củ quả các loại,... với phương châm, xây dựng mô hình trước khi nhân rộng ở cả 3 loại quy mô: lớn, vừa, nhỏ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2.357 mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, doanh thu từ 100 triệu đồng đến 60 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, đang hình thành 381 mô hình mới, chưa có sản phẩm nhưng dự kiến cho doanh thu trên 100 triệu đồng/năm; thành lập mới 109 HTX, nâng tổng số HTX lên 686 đơn vị.
Đặc biệt, mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp ngày càng phát triển, sau 3 năm đã có trên 500 mô hình. Trong đó, có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sử dụng giống mới du nhập từ nước ngoài như: lợn Thái Lan, rau, củ, quả Israel, Hàn Quốc, Thái Lan, bò C-harolais – Pháp. Nổi bật là mô hình trồng rau, củ, quả trên đất cát hoang hóa ven biển cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh việc đầu tư cho mô hình trên đất liền, Hà Tĩnh còn chú trọng tổ chức lại sản xuất trên biển, hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu có công suất lớn và mua sắm ngư cụ đánh bắt xa bờ. Theo đó, hỗ trợ 400 triệu đồng cho đóng mới tàu trên 250CV, hỗ trợ lãi suất vốn vay lưu động, đào tạo thông tin liên lạc. Ngoài ngân sách tỉnh, các huyện còn hỗ trợ thêm như Lộc Hà hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu (2012-2013), 300 triệu đồng/tàu (năm 2014). Nếu như đầu năm 2011, mới có 39 tàu công suất từ 90CV trở lên thì nay đã có 130 tàu, đa số công suất từ 150 - 250CV, tổng số ngư dân bám biển hiện có 12.323 người (trong đó có 1.000 người tham gia trên các tàu đánh bắt xa bờ). Chỉ tính riêng năm 2013, tổng vốn huy động XDNTM của tỉnh là 7.585 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 1.633 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 536 tỷ đồng, nguồn đỡ đầu tài trợ 163 tỷ đồng, hiến đất quy ra tiền 127 tỷ đồng; ngày công lao động và giá trị tài sản hiến tặng gần 200 tỷ đồng.
Ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chánh văn phòng Thường trực XDNTM Hà Tĩnh, cho hay: “XDNTM ở Hà Tĩnh xác định rõ trách nhiệm, yêu cầu cao của cả Hệ thống chính trị, Tiêu chí Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh là một tiêu chí quan trọng hàng đầu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tỉnh quan tâm cao. Chúng tôi XDNTM đồng thời tiến hành thực hiện tất cả các nội dung trong 19 tiêu chí ở tất cả các xã - đây không phải là dàn trải, mà chú trọng cả chiều sâu lẫn chiều rộng; trong đó, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả quá trình. Trong phát triển kinh tế, coi trọng nhất là phát triển sản xuất, trong phát triển sản xuất chú trọng áp dụng nhanh tiến bộ KHCN mới, vấn đề liên kết tạo ra chuỗi giá trị, nâng cao nhanh giá trị gia tăng, đột phá nhưng bền vững”.
Kinh nghiệm cho cả nước
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM của Trung ương, tham luận của ông Lê Đình Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chương trình XDNTM Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá là địa phương có nhiều cách làm hay, có sự chủ động và sáng tạo, các địa phương trong cả nước có thể học tập, rút kinh nghiệm.
Trước hết, tham luận khẳng định, đây chính là cuộc cách mạng sâu rộng trong nông thôn, hướng đích chính là nông dân và chắc chắn sẽ thành công. Tuy nhiên, công việc hệ trọng này phải trải qua một quá trình lâu dài, liên tục và phải xác định rõ ngay từ đầu: chủ thể là người dân, xã quyết định, huyện đóng vai trò quan trọng, tỉnh định hướng. Vừa chỉ đạo điểm rút kinh nghiệm, vừa tổ chức đồng bộ tại các xã trên địa bàn toàn tỉnh; xác định rõ công việc trong từng giai đoạn, có sự hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, sát thực. Trong công tác tuyên truyền phải nêu bật quan điểm: Đảng và Nhà nước dựa vào dân để lo cho dân, vai trò chủ thể của người dân phải thực sự được thể hiện trong thực tế. Chính vì vậy, XDNTM ở Hà Tĩnh đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, mạnh mẽ, thi đua ngay từ trong gia đình, từng thôn, từng xã, vì vậy, Đảng và dân gần nhau hơn. Dân tin Đảng, tin cán bộ và Đảng dựa vào dân để thực hiện cuộc cách mạng này.
Chủ động ban hành chính sách, đặc biệt là ưu tiên phát triển kinh tế (nhất là phát triển sản xuất), ưu tiên cho khoa học công nghệ mới; thu hút doanh nghiệp về nông thôn (Hà Tĩnh đã có trên 10% doanh nghiệp nông thôn). Ban hành cơ chế để người dân huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Mạnh dạn trao quyền cao hơn cho cơ sở. Kêu gọi đỡ đầu, tài trợ bằng cả giao và vận động, đến nay đã có 106 xã có đơn vị đỡ đầu toàn diện trong XDNTM với tổng vốn tài trợ trên 1.000 tỷ đồng. Điều quan trọng hơn cả là đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, dân tin Đảng hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo quyết liệt cuộc cách mạng XDNTM để người dân sớm được hưởng lợi từ Chương trình. XDNTM phải đem lại cuộc sống khá giả cho người dân, quan tâm cao xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu (gồm 10 tiêu chí). Xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu chính là đem lại lợi ích sát thực cho mọi nhà, xây dựng gia đình hạnh phúc, êm ấm; đảm bảo an sinh xã hội; phát triển kinh tế không phá vỡ môi trường mà còn làm giàu thêm cho môi trường sinh thái, đây chính là mục tiêu của chúng tôi và cũng là công việc trọng tâm trong thực hiện 19 tiêu chí trong Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM của Chính phủ”.
Dương Thu Hiên
Nguồn kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã