Phương pháp tiếp cận mới trong quy hoạch
Hà Tĩnh có thể phát triển vị thế hiện tại trở thành một nền kinh tế hiện đại, có vai trò, vị trí đặc biệt và là động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam và khu vực. |
Để xác định qui mô, hướng đi phù hợp với tầm nhìn chiến lược cho 40 năm sau, tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương thuê tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm, có tầm nhìn chiến lược để lập quy hoạch tổng thể. Chủ trương đó đã được các Bộ, ngành trung ương ủng hộ và Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Quy hoạch do UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tập đoàn Monitor (Mỹ) xây dựng. Monitor là Tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới, có uy tín và kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược phát triển cho hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với phương pháp truyền thống, Tập đoàn Monitor có những phương pháp và cách tiếp cận mới trong xây dựng quy hoạch, sử dụng “Mô hình Kim cương” của Giáo sư Michael Porter để phân tích khả năng cạnh tranh và triển vọng của các ngành kinh tế, dựa trên phân tích và dự báo vào 4 mảng chính là các điều kiện đầu vào yếu tố sản xuất; khả năng cạnh tranh; các ngành hỗ trợ phát triển; dự báo về cung cầu về thị trường của các nhóm ngành và các doanh nghiệp, đánh giá các tác động của môi tường đầu tư cấp tỉnh và hệ thống thể chế, chính sách của Quốc gia và xu thế của thế giới để xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển.
Đồng thời, nội dung Quy hoạch của Monitor cũng đề xuất khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện, thông qua việc chỉ rõ danh mục các dự án đầu tư và lộ trình triển khai thực hiện cụ thể. Xây dựng chiến lược đầu tư và huy động vốn cho tỉnh, trong đó Monitor sàng lọc và lựa chọn hàng trăm cơ hội đầu tư hàng đầu thế giới, khu vực, giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng và lộ trình thực hiện của các cơ hội đầu tư.
Quy hoạch không chỉ để gắn kết việc phát triển trong tương lai của Hà Tĩnh với các mục tiêu chung của quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn để áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất trong xây dựng quy hoạch phát triển bền vững nhằm giúp tỉnh tăng trưởng với tốc độ nhanh. Quy hoạch sẽ đưa ra định hướng phát triển nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp; thúc đẩy sự hội nhập của Hà Tĩnh với cả nước và khu vực.
Các kịch bản tăng trưởng
Tập đoàn Monitor đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng: tăng trưởng cao và bền vững; tăng trưởng vừa phải; tăng trưởng nhảy vọt.
Phát triển ngành sắt - thép, gồm cả nhà máy thép Formosa, mỏ Thạch Khê và các nhà máy thép sử dụng nguồn quặng này là 1 trong 3 thành tựu cụm ngành trọng điểm chính để Hà Tĩnh phát triển |
Trong kịch bản 1 (tăng trưởng cao và bền vững), Hà Tĩnh tận dụng thành công các nguồn tài nguyên, đa dạng hóa nền kinh tế và mở rộng sang sản xuất và dịch vụ chế biến. Hà Tĩnh sẽ trở thành một nền kinh tế công nghiệp, song vẫn có ngành nông nghiệp phát triển mạnh, năng suất cao cùng lĩnh vực dịch vụ ngày càng phát triển. Trong kịch bản này, Hà Tĩnh tăng trưởng cao nhờ bởi 3 thành tựu cụm ngành trọng điểm chính: hiện đại hóa thành công nền nông nghiệp; phát triển ngành sắt - thép, gồm cả nhà máy thép Formosa, mỏ Thạch Khê và nhà máy thép sử dụng nguồn quặng này, và xây dựng Hà Tĩnh là một trung tâm thương mại và hậu cần phục vụ khu vực, bao gồm cả Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Ngoài ra, vào năm 2020, bên cạnh các cụm ngành trọng điểm này, Hà Tĩnh cũng sẽ có được hiệu quả từ việc phát triển các cụm công nghiệp phụ trợ và chế biến như sản xuất các sản phẩm thép, dệt may, xây dựng, cũng như các cụm dịch vụ hỗ trợ như: giáo dục và đào tạo, thông tin liên lạc và BPO-ITO.
Trong kịch bản này, GDP sẽ tăng trưởng 18,4%/năm, đạt được mức GDP bình quân đầu người là 97,7 triệu đồng vào năm 2020. Nông nghiệp sẽ chiếm 13,1% GDP; công nghiệp dẫn đầu với 54,7% GDP; và dịch vụ 32,2%. Lượng vốn đầu tư được huy động theo kịch bản này là 539 nghìn tỉ, 80% là từ vốn ngoài ngân sách nhà nước (FDI, doanh nghiệp trong nước qua hợp tác công tư PPP, ODA).
Hà Tĩnh sẽ là trung tâm thương mại và hệ thống hậu cần cảng biển phục vụ khu vực, bao gồm cả Lào và Đông Bắc Thái Lan. |
Ở kịch bản 2 (tăng trưởng vừa phải), Hà Tĩnh sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong 10 năm tới. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hiện đại hóa nông nghiệp, song cũng hạn chế hơn ước tính trong kịch bản 1. Ngoài ra, giai đoạn 1 nhà máy thép Formosa sẽ bắt đầu và hoàn thành với công suất hàng năm 6 triệu tấn, hoàn toàn sử dụng quặng nhập khẩu.
Tỉnh cũng sẽ xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy thép thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh với công suất 0,5 triệu tấn. Tuy nhiên, Kịch bản này giả định mỏ sắt Thạch Khê phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị khai thác và đến năm 2020 vẫn chưa đưa vào vận hành được. Các nhà máy thép dùng quặng Thạch Khê cũng không thể vận hành trước năm 2020. Kịch bản này có thể xảy ra nếu tỉnh không có khả năng phát triển mỏ sắt Thạch Khê theo kế hoạch, chủ yếu do thiếu đầu tư, công nghệ, hoặc các yếu tố vĩ mô. Thương mại, vận tải, hậu cần và các cụm ngành phụ trợ cùng dịch vụ hỗ trợ cũng tăng, song đều chậm hơn trong kịch bản 1, do thiếu đầu tư (ví dụ tăng trưởng kinh tế cả nước và khu vực thấp hơn hoặc các yếu tố khác), hoặc do sản xuất tuyến trên trong tỉnh giảm xuống.
Trong kịch bản này, GDP sẽ tăng trưởng trung bình 11,1%/ năm, đạt mức 53,6 triệu đồng/người vào năm 2020. Nông nghiệp sẽ đóng góp 18,9% tổng GDP, ngành công nghiệp 49,2% và dịch vụ 31,9%.
Lĩnh vực du lịch, dịch vụ thương mại ngày càng phát triển, tạo điều kiện tăng trưởng bền vững |
Theo kịch bản 3 (Tăng trưởng nhảy vọt), Hà Tĩnh thậm chí còn phát triển nhanh hơn và có tăng trưởng GDP còn cao hơn kịch bản 1. Kịch bản này giả định tăng trưởng của Việt Nam và khu vực ở mức cao hơn, là động lực giúp các cụm ngành của Hà Tĩnh tăng trưởng nhanh hơn. Sản xuất thép sẽ đạt phát triển mạnh hơn với việc mở cửa nhà máy thép Formosa vào năm 2014, đạt công suất 2,5 triệu tấn/năm vào năm 2015. Sau đó, công suất thép sẽ đạt 13,5 triệu tấn vào năm 2020.
Theo kịch bản này, GDP sẽ tăng trưởng 21,1% hàng năm, đạt mức 114,1 triệu đồng/người vào năm 2020. Nông nghiệp chiếm 10,4% GDP, ngành công nghiệp dẫn đầu với 55,8% và dịch vụ
chiếm 33,8%.
Lựa chọn kịch bản tăng trưởng phù hợp
Trên cơ sở phân tích, tính toán, dự báo sự phát triển và đóng góp của các bộ, ngành, Monitor đã lựa chọn kịch bản 1 là con đường ngắn, khả thi nhất mà Hà Tĩnh có thể nhắm đến bởi ba lý do chủ yếu sau:
Hà Tĩnh sẽ trở thành một nền kinh tế công nghiệp, song vẫn có ngành nông nghiệp hiện đại, năng suất cao |
Thứ nhất, kịch bản này phù hợp với những lợi thế cạnh tranh vốn có và nguồn tài nguyên sẵn có của Hà Tĩnh.
Thứ hai, kịch bản 1 giúp tận dụng cơ hội cải thiện năng suất và sản lượng cũng như đa dạng hóa sản phẩm tốt hơn kịch bản 2 – kịch bản giả định mức độ phát triển thấp hơn.
Thứ ba, kịch bản 1 có tính khả thi hơn kịch bản 3, dựa trên điều kiện hiện tại về xuất phát điểm, mốc thời gian phát triển các tiềm năng thế mạnh quan trọng, năng lực của tỉnh trong thực hiện các kế hoạch nhằm đảm bảo đầu tự và nguồn nhân lực cần thiết cho chiến lược và kế hoạch có trong kịch bản này.
Do đó, trong thời gian từ 2011-2015, tỉnh chủ yếu sẽ triển khai: khởi đầu từ phát triển cụm ngành sắt – thép; tập trung hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nền tảng (ví dụ như phát triển cơ sở hạ tầng,môi trường kinh doanh, xây dựng năng lực con người) để phát triển thương mại, giao thông vận tải và hậu cần và hỗ trợ các cụm công nghiệp và dịch vụ phụ trợ. Trong giai đoạn 2016-20, tỉnh đầu tư nhiều hơn và tăng trưởng cao hơn về công nghiệp và dịch vụ, do đó phát triển kinh tế tổng thể của tỉnh cũng cao hơn, do tỉnh đã bắt đầu nhận được thành quả từ nền tảng mình đã xây dựng trong 5 năm trước đó.
Thanh Hoài
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã