Vì vậy, sau gần 2 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, cả 235 xã trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều tiêu chí quan trọng đã đạt được, một số xã phấn đấu hết năm nay sẽ “cán đích”, trong đó có Tùng Ảnh.
Không “cán đích” trước bằng mọi cách!
Rảo bước trên con đường liên thôn được trải bằng bê tông kiên cố, thoáng đãng, sạch sẽ, chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Doãn Sơn, năm nay 50 tuổi thôn Thung Tự, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh,) người đã không ngần ngại hiến hàng trăm mét đất nhà ở để làm đường. Nhìn “cơ ngơi” gia đình khang trang, thiết bị nội thất đầy đủ, giá trị lớn; thóc đầy nhà, lợn đàn đầy chuồng…mới thấy đời sống nông thôn bây giờ khởi sắc quá. Khi được hỏi những việc ông đã đóng góp cho Chương trình xây dựng NTM ở xã, ông cười khiêm tốn: “Việc tôi làm thì có chi đáng nói đâu, bây giờ khắp nơi trên cả nước, những người hiến đất nhiều lắm, huống chi xã mình lại là xã điểm xây dựng NTM của toàn quốc. Cái gì đúng, hợp lòng dân thì những người nông dân chúng tôi hết lòng ủng hộ thôi. Tôi già rồi, nghe cán bộ xã nói về xây dựng NTM, lại thấy sau khi thực hiện, đời sống của bà con khá lên trông thấy, đường xá được mở rộng xanh, sạch, đẹp thì càng vui lắm”.
Trong khi nhiều xã khác trong tỉnh mới chỉ xây dựng được 7- 8/19 tiêu chí thì xã Tùng Ảnh đã có “thâm niên” 12 năm làm NTM, do đó đã tích lũy đươc khá nhiều kinh nghiệm. Trong đó, giai đoạn 2000 - 2005, Tùng Ảnh là một trong 7 xã “cán đích” đầu tiên hoàn thành 19 tiêu chí NTM do tỉnh Hà Tĩnh đề ra; giai đoạn 2 từ 2006 - 2010, xã Tùng Ảnh đã rút ngắn được thời gian 2 năm để trở thành đơn vị duy nhất hoàn thành 33 tiêu chí NTM của tỉnh khi đến đích vào cuối năm 2008. Xã đã “ẵm” trọn số tiền 500 triệu đồng bởi thành tích này khiến nhiều địa phương …ngẩn ngơ.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2012, đã có 24 công trình do dân tự bàn và tự tổ chức thực hiện. Trong đó nhân dân đóng góp được gần 2 tỷ đồng; huy động được 1.328 ngày công; hiến được 6.314 m2 đất, gồm 256m2 đất ở, 2.552m2 đất vườn và 3.506m2 đất sản xuất nông nghiệp. Tình nguyện hiến vật kiến trúc trên đất: tường rào, cổng 417m; hiến 715 cây có giá thành xấp xỉ 2 tỷ đồng; vận động hàng trăm hộ dân chỉnh trang nhà cửa vườn tược và làm mới các công trình vệ sinh với số tiền 1,3 tỷ đồng. Riêng 183 hộ dân xây dựng công trình vệ sinh đã lên đến 33 tỷ đồng.
Hiện nay, còn 2 tiêu chí là thi công 5,7 km giao thông nội đồng, 3,5 km GTNT (tiêu chí số 2) và tiêu chí số 13 là hình thức tổ chức sản xuất thì nhìn vào năng lực và sự quyết liệt trong công tác triển khai, lãnh đạo cấp tỉnh, sở, ban ngành đều đánh giá Tùng Ảnh sẽ trở thành xã đầu tiên trong cả nước “cán đích”.
Để thực hiện cuộc chạy đua về đích vào cuối năm 2012, xã Tùng Ảnh hiện đang tập trung quy hoạch, cơ cấu lại các vùng quy hoạch cánh đồng mẫu lớn, đưa giống RVT chất lượng cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã tiếp tục quan tâm đến các hoạt động của các gia trại và các hộ gia đình, đẩy mạnh chăn nuôi gắn với xây dựng bể khí biogas, tận dụng nhiên liệu sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường .
Hiện Tùng Ảnh có 55 hộ tham gia chăn nuôi đàn lợn tập trung quy mô từ 350 - 370 con. Trước đây, mùi chất thải từ những hộ chăn nuôi trong xã đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt tiêu chí 13, xã đã hỗ trợ mỗi hộ số tiền 3 triệu đồng để xây dựng bể biogas, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hộ vay 15 triệu đồng để đầu tư xây dựng với lãi suất vay thấp.
Gia đình ông Sơn, chăn nuôi lợn với quy mô lớn, mỗi năm xuất chuồng được 3-4 tấn lợn, từ ngày được xã hỗ trợ xây dựng bể biogas, gia đình ông không những đã tiết kiệm được chi phí đầu tư cho củi, gas mà đã không còn phải sống chung với mùi hôi thối bốc ra từ những chuồng lợn kia.
“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Ông Phan Tiến Dũng - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ cho rằng: “NTM là đi vào lòng dân, là mong muốn của dân và để dân thụ hưởng thành quả. Muốn xây dựng NTM phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Khi dân đã thông và đồng tình ủng hộ chủ trương thì coi như đã thắng lợi rồi. “ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” mà! Chính quyền địa phương chỉ định hướng cho các xóm về mặt chủ trương, còn xây dựng phương án và tổ chức thực hiện là do bà con tự thực hiện, có giám sát chặt chẽ các công trình cụ thể. Những hộ tự nguyện hiến đất, xóm sẽ đóng góp và bù lại những công trình được xây dựng trên phần đất đã hiến. Đất Tùng Ảnh có giá trị cao nhưng nếu không có sự đồng thuận từ dưới thì chính quyền cũng bó tay”.
Vì vậy, nét nổi bật của Tùng Ảnh là phong trào hiến đất làm GTNT (gần 300 hộ hiến đất với diện tích 19.546 m2), cùng đó, các phong trào xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường và phát triển sản xuất kinh tế vườn hộ ...theo các tiêu chí đã được nhân dân tự nguyện tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ, cho nên mọi khó khăn cũng được “hóa giải” nhanh chóng như lời Chủ tịch UBND xã Phan Tiến Dũng nói khi chúng tôi về làm việc tại xã dịp vừa qua.
Thành công trong việc xây dựng NTM ở Tùng Ảnh cũng có phần không nhỏ từ sự đóng góp, hỗ trợ từ con em xa quê với 18 tỷ đồng. Đó là tấm lòng của những người xa quê nhưng vẫn luôn hướng về quê hương, muốn góp sức mình xây dựng quê hương giàu đẹp. Có thể coi đó là một lợi thế của Tùng Ảnh. Điều quan trọng là đảng bộ, chính quyền xã đã làm tốt việc kết nối thành công những tấm lòng và huy động được nguồn lực đó lại thành hiệu quả thiết thực, “ ra tấm ra món” mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.
Có thể nói, với đội ngũ cán bộ chỉ đao sâu sát từ tỉnh, huyện, cán bộ xã và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng từng thôn xóm rất năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và biết phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, đồng thời biết đề cao vai trò chủ thể của mỗi người dân, xem dân là gốc, Tùng Ảnh đã và đang trở thành điểm sáng xây dựng NTM để nhiều địa phương khác ở cả nước học tập và làm theo. Điều mà lãnh đạo xã Tùng Ảnh xác định rõ là, muốn cho Chương trình xây dựng NTM đi vào cuộc sống người dân nông thôn luôn thiết thực, bền vững thì, ngay từ mỗi tiêu chí, phải xây dựng và có cách đi thật vững chắc, tôn trọng dân chủ, công khai, lấy đó làm nền tảng để nhân dân có thể sáng tạo thêm trong quá trình sử dụng, thụ hưởng và để giữ gìn nó bền vững cho các thế hệ mai sau/.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã