Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 04-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 800/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Sau hơn 5 năm thực hiện, ngày 16-8-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng được triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc. Mục tiêu đặt ra là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới); đến năm 2020 có: 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới; khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình giao cho các bộ, ngành, chính quyền địa phương những nhiệm vụ cụ thể trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện và hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai. Đồng thời, huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và huy động các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân.
Những kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới
Về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 3.289 xã (đạt 36,84%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu là 31%); có 50 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cả nước còn 121 xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 136 xã (vượt mục tiêu năm 2017 giảm số xã dưới 5 tiêu chí xuống dưới 150 xã). Bình quân tiêu chí/xã đạt 14,25 tiêu chí, vượt mục tiêu đạt 14 tiêu chí. Cả nước đã huy động được khoảng 269.561 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Trong đó, vốn ngân sách trung ương: 8.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương: 33.887 tỷ đồng, trong đó, 51 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã bố trí được khoảng 19.528 tỷ đồng. Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là: 38.076 tỷ đồng. Vốn tín dụng: 158.420 tỷ đồng. Vốn doanh nghiệp đóng góp là 12.218 tỷ đồng. Nhân dân và cộng đồng đóng góp 18.959 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ năm 2011 - 2017, cả nước đã hoàn thành một khối lượng đường giao thông gấp hơn 5 lần của giai đoạn 2001 - 2010, có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã, đặc biệt có nhiều xã ở những địa bàn vùng núi cao, địa hình phức tạp (Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An...) cũng đạt được tiêu chí này.
Tính chung về tiêu chí giao thông, 4.850 xã đã đạt (54,3%), 7.611 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt 85,3%), 4.983 xã đạt tiêu chí trường học (đạt 55,8%), 4.681 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 52,4%), 6.330 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (đạt 70,9%)...
Một trong những hạn chế, bất cập của xây dựng nông thôn mới thời gian qua là vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Do nóng vội, chạy theo thành tích, tiến độ, một số địa phương huy động quá mức sự đóng góp của người dân hoặc đầu tư, triển khai các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng trong khi chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản tăng cao, năm 2016, nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới cả nước lên đến 15.000 tỷ đồng. Trong hai năm qua, vấn đề này đã được chấn chỉnh, khắc phục từng bước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ mức 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2016 thì tới nay, số này đã giảm 70%, chỉ còn khoảng hơn 4.900 tỷ đồng. Đến hết tháng 01-2018, toàn quốc có 26/63 tỉnh, thành phố không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, năm 2017 có thêm 11 địa phương báo cáo đã xử lý hết nợ. Đến nay, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản còn khoảng 4.943 tỷ đồng (giảm 10.284 tỷ đồng so với thời điểm 31-01-2016; giảm 4.872 tỷ so với thời điểm cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, nhưng kết quả xử lý còn chậm, nhất là các địa phương tự cân đối ngân sách, như Vĩnh Phúc, Hải Phòng,...
Kinh tế nông thôn có nhiều khởi sắc
Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, bên cạnh việc cải thiện điều kiện sinh sống, sản xuất còn góp phần thúc đẩy giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống kinh tế khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc và đây là một trong những kết quả rõ nét của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo tín hiệu của thị trường; đầu tư cho cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn. Trong tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, các địa phương đã tập trung đầu tư và đã phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trong đó, đã có 744 chuỗi nông sản an toàn. Mô hình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng cũng đang được tích cực triển khai, mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, cả nước có khoảng 4.823 sản phẩm đặc sản cấp xã, huyện có lợi thế, trong đó mới có 1.086 sản phẩm (khoảng 22,52%) có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng; có 695 (14,4%) sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Kinh tế phát triển, góp phần giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Tính tới hết năm 2017, cả nước có 62,3% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 58,5% số xã đạt chuẩn tiêu chí giảm hộ nghèo, 94,8% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm. Riêng tiêu chí tổ chức sản xuất, cả nước có 71,2% số xã đạt do rà soát lại theo yêu cầu mới của bộ tiêu chí quốc gia. Cả nước đã có 4.795 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (đạt 53,7%); 76,7% số xã đạt tiêu chí văn hóa so với cuối năm 2016.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục, chấn chỉnh trong thời gian tới. Trước hết, đó là vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Thời gian qua, tuy đã khắc phục, xử lý được phần lớn số nợ đọng xây dựng cơ bản tuy nhiên, phần còn lại là hơn 4.900 tỷ đồng là phần khó xử lý nhất, đã qua một thời gian nhưng vẫn chưa xử lý được. Vì vậy, thời gian tới các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản phải có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giải quyết triệt để vấn đề này.
Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn, cụ thể: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 63,33% số xã đạt chuẩn, Đông Nam Bộ là 63,22%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 15,53%, Tây Nguyên 22,5%, Đồng bằng sông Cửu Long 29,43%, Duyên hải Nam Trung Bộ 30,87%. Đây cũng là vấn đề cần khắc phục.
Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, nhất là ở một số làng nghề. Rác thải sinh hoạt nông thôn ngày càng trở thành một vấn đề phức tạp, chưa có biện pháp quản lý, giải quyết hiệu quả. Tình hình ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn nông thôn ngày càng phức tạp, khó xử lý, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương. Chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước tuy có tiến bộ nhưng sự chuyển biến chưa rõ nét, vẫn đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm.
Để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả
Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu tới hết năm 2018, cả nước có khoảng 39% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5% so với năm 2017, có ít nhất có 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 60 xã.
Để đạt được mục tiêu trên, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tập trung vào một số nhóm giải pháp sau đây:
- Tập trung truyền thông về ý nghĩa, tác động của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Các cơ quan thông tin, truyền thông và các ban, ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về nông thôn mới gắn với tuyên truyền kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang mạng xã hội, nhằm triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phản ánh kịp thời thực tiễn xây dựng nông thôn mới của cả nước... Tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc thi Báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tổ chức cho các phóng viên đi tìm hiểu thực tế tại các vùng, miền trên cả nước để phản ánh kết quả và đánh giá tác động của 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW; nghiên cứu tổ chức Giải báo chí viết về đề tài “Nông nghiệp, nông thôn”.
Rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn; nhanh chóng tổ chức triển khai Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tập trung vào hình thành hệ thống quản lý, điều hành Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm; chủ động lựa chọn ít nhất 1 huyện để chỉ đạo thí điểm...).
- Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nông thôn, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững; chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống xanh - sạch - đẹp; nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự: Gắn xây dựng nông thôn mới với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; khuyến khích và thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội, thu hút số lượng lớn người dân tham gia; tổ chức các hoạt động phát triển cộng đồng ở các thôn, bản, ấp nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp; xây dựng và thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy và nhân rộng các mô hình cụm liên kết về an ninh trật tự hoạt động thường xuyên, hiệu quả như “tổ tự quản về an toàn giao thông”, “tổ phòng chống tội phạm”, “tổ an ninh, hoà giải” góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để thực sự tạo ra nông thôn mới bình yên.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, từng địa phương phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hoá và an ninh trật tự. Đối với các xã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Đối với các xã khó khăn, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên tập trung đầu tư ở cấp thôn, bản.
- Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình, bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước trung ương, chính quyền địa phương, vốn từ trong dân, vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, xã hội,.../.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã