Thuận lợi cơ bản
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc Nguyễn Ðạm, khi triển khai xây dựng NTM, Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi, đó là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thuộc quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. Tổng diện tích tự nhiên 123.176 ha, trong đó đất nông nghiệp 85.035 ha (chiếm 69%); dân số 1.008.047 người (nông thôn 778.163 người, chiếm 77,6%). Tỉnh có chín đơn vị hành chính (trong đó có một thành phố là Vĩnh Yên, một thị xã là Phúc Yên và bảy huyện) với 137 xã, phường, thị trấn. Khu vực nông thôn có 112 xã (75 xã đồng bằng, trung du, 37 xã miền núi).
Vĩnh Phúc có truyền thống đổi mới trong công tác phát triển kinh tế nông nghiệp như: Khoán hộ, Khoán quản lý đồi rừng, Khoán cây màu, Khoán 10, Chính sách "Tam nông". Vĩnh Phúc được biết đến như một tỉnh có những bước đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sau 15 năm kể từ khi tách tỉnh (tháng 1-1997), Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông, có điểm xuất phát kinh tế thấp với tỷ trọng ngành công nghiệp chỉ chiếm 12,2% trong cơ cấu kinh tế, tổng thu ngân sách của tỉnh chưa đạt 100 tỷ đồng, nay đã vươn lên thành một trong mười tỉnh dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp lên tới 56% cơ cấu kinh tế, tổng thu ngân sách năm 2011 đạt 16.484 tỷ đồng. Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản giảm từ 44,04% năm 1997 xuống 13,74% năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,9 triệu đồng/người/năm, gấp 15 lần thời điểm tái lập tỉnh.
Ðây là những thuận lợi cơ bản để tỉnh Vĩnh Phúc có điều kiện đầu tư, hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (giai đoạn 2006-2011, Vĩnh Phúc đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng (bình quân 960 tỷ đồng/năm) cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân).
Ðể làm nền tảng lập dự án và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nâng cao đời sống tinh thần vật chất nhân dân, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Ðến hết tháng 12-2011, toàn tỉnh đã có 112/112 xã đã được phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết NTM và đến hết tháng 4-2012, có 112/112 xã đã thực hiện xong việc công bố công khai quy hoạch bằng bản đồ tấm lớn tại UBND xã và nhà văn hóa thôn, kinh phí thực hiện quy hoạch cho 112 xã là 13,6 tỷ đồng. Nhiệm vụ quy hoạch xã NTM (toàn xã), trung tâm xã chung cho toàn tỉnh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1890/QÐ-UBND ngày 26-7-2011, sau đó bổ sung 11,15 tỷ đồng cho công tác khảo sát địa hình và lập biển công bố quy hoạch. Tổng kinh phí cho công tác lập quy hoạch xây dựng NTM trên địa bàn là 24,75 tỷ đồng.
Khó khăn cần tháo gỡ
Bên cạnh những thuận lợi, Giám đốc Nguyễn Ðạm cũng cho chúng tôi biết, trong quá trình lập quy hoạch xây dựng NTM ở Vĩnh Phúc thời gian qua cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế, như đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quy hoạch chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa hiểu sâu về lĩnh vực NTM; kinh phí cho công tác quy hoạch ít... Hơn nữa, chương trình xây dựng NTM bao trùm nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực, liên quan đến các cấp, các ngành, trên phạm vi toàn tỉnh, và nhất là sự bất cập giữa các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương chưa cụ thể, và không phù hợp với thực tiễn, ban hành lại không kịp thời cụ thể.
Thông tư liên tịch số 26/TTLT-BNNPTNT-BKHÐT-BTC ngày 13-4-2011 của các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Ðầu tư,Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện theo Quyết định số 800/QÐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình Mục tiêu quốc gia về NTM giai đoạn 2010 -2020, có những điều rất khó hiểu và rất khó thực hiện. Thí dụ, tại Ðiều 7, Quy hoạch chung toàn xã (hay còn gọi là quy hoạch tổng thể) sản phẩm quy hoạch một bản vẽ quy hoạch chung, tỷ lệ 1/5.000 và bản thuyết minh quy hoạch. Nội dung này hướng dẫn không thực tiễn vì trong xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch với ba nhiệm vụ: quy hoạch sản xuất, quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch đất đai (quy hoạch ba trong một) do vậy để thể hiện các nội dung quy hoạch theo các tiêu chí nông thôn mới trên vào một bản vẽ theo hướng dẫn tại thời điểm đó không thực hiện được.
Về trình tự lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch: theo Ðiều 7, mục 4 Thông tư liên tịch số 26, đối với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết sử dụng đất và bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật thực hiện theo Thông tư 09/2010/TT-BXD ngày 4-8-2012 của Bộ Xây dựng, còn đối với sản xuất nông nghiệp thực hiện theo Thông tư 07/2010/TT-BNNPTNT ngày 8-2-2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do vậy, trong quá trình lập quy hoạch xây dựng NTM còn vướng mắc vì các chuyên gia tư vấn lập quy hoạch chủ yếu là kiến trúc sư và kỹ sư hạ tầng không có chuyên môn về nông nghiệp, thủy lợi...
Việc cắm mốc giới quy hoạch theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 26 hiện nay cũng không phù hợp. Thời điểm hiện nay tại Vĩnh Phúc, dự toán cắm mốc của hai xã thuộc thành phố Vĩnh Yên do đơn vị tư vấn lập và trình duyệt với kinh phí thực hiện khoảng ba tỷ đồng/xã. Như vậy, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 112 xã, kinh phí cho cắm mốc giới quy hoạch là 336 tỷ đồng, trong khi kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi còn ít ỏi, chưa phù hợp với thực tiễn, việc này chỉ nên triển khai cắm mốc các công trình hạ tầng kỹ thuật và các khu chức năng chưa thực hiện đầu tư xây dựng.
Cũng theo Thông tư liên tịch số 26 Quy hoạch NTM do xã làm chủ đầu tư có thể tự làm một số việc như: khảo sát, đo đạc vẽ bản đồ, viết thuyết minh... Nội dung hướng dẫn này không thực tiễn vì thực tế cán bộ cấp xã không có chuyên môn quy hoạch, do vậy không thể đảm nhận được khối lượng công việc theo 19 tiêu chí đề ra.
Trong khi đó việc ban hành Hướng dẫn số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTNMT của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 28-10-2011 hướng dẫn về lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM ra đời có hiệu lực tháng 12-2011. Tuy nhiên, trước thời gian này, Vĩnh Phúc đã hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng NTM.
Mặc dù các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, Trung ương còn chưa thống nhất và còn nhiều bất cập, song trước nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã tổ chức thực hiện hướng dẫn cho 17 đơn vị tư vấn trong và ngoài tỉnh thống nhất về nội dung thể hiện và trình tự thẩm định, phê duyệt thuyết minh, đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng các tiêu chí quốc gia về NTM. Ðồng thời bảo đảm tuân thủ theo đúng trình tự của Nhà nước hiện hành, cũng như Sổ tay hướng dẫn của Bộ Xây dựng về quy hoạch xây dựng NTM, từ bước lập quy hoạch, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và lấy ý kiến của nhân dân đến nay cơ bản đã hoàn thành. Bước đầu định hướng phát triển xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh được đồng bộ về kết cấu hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu vệ sinh môi trường, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản trên thị trường, xây dựng được lối sống văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy thuần phong mỹ tục trong nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn và làm thay đổi diện mạo của NTM Vĩnh Phúc hôm nay.
Sau khi các đồ án quy hoạch được duyệt và công bố công khai theo quy định, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối xây dựng chương trình nông thôn mới tiếp tục giám sát việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã