Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) đã nêu đầy đủ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới. Về các nhiệm vụ, nghị quyết lần này nêu rõ 6 nhiệm vụ, đó là: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Các nhiệm vụ trên đều rất quan trọng, cần thiết và gắn bó hữu cơ với nhau, nhưng xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế được tập trung ưu tiên vì nó vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài của Đảng ta.
Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, trước hết phải chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy soái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể.
Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Quốc Vinh chia sẻ niềm vui về đích nông thôn mới với bà con nhân dân xã Xuân Viên (Nghi Xuân). Ảnh: Ngô Tuấn |
Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên phải giữ tư cách người cán bộ cách mạng. Người lên án thói quan liêu, hách dịch của một số cán bộ, gọi họ là quan cách mạng, thích đè đầu, cưỡi cổ nhân dân, đó là nguy cơ lớn đối với Đảng. Nguy cơ đó, theo Bác là bắt đầu từ chủ nghĩa cá nhân: “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, ngày càng xa xỉ, càng lãng mạn, thử hỏi, tiền bạc đó lấy đâu ra. Thậm chí, lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức…”.
Để khắc phục những sai lầm và khuyết điểm mà các cán bộ, đảng viên thường mắc phải, theo Bác, trước hết, phải xác định cho được quan điểm và thái độ đúng đắn với nhân dân, vì nhân dân là lẽ sống, là mục tiêu của Đảng. Sự tha hóa của một đảng cách mạng cũng như của một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng thường bắt đầu từ xa dân.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đòi hỏi cán bộ phải xác định thật đúng quan điểm và thái độ với nhân dân; khi đã là Đảng cầm quyền, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải ghi vào đầu óc cái chân lý: nhân dân rất tốt, rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Người chỉ ra rằng: “Dân chúng biết cách giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những bậc tài giỏi, những đoàn thể lớn nghĩ không ra”. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải học dân chúng, hỏi dân chúng, hiểu dân chúng. Bác căn dặn chúng ta phải luôn luôn dựa vào dân để hoàn thiện nghị quyết, hoàn thiện cán bộ và tổ chức.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Quốc Vinh, lãnh đạo huyện Nghi Xuân về mô hình trồng hoa ly của anh Lê Anh Đức tại Xuân Mỹ (Nghi Xuân) |
Nếu tất cả cán bộ, đảng viên hiện nay đều có quan điểm về nhân dân như vậy thì nhất định không có chỗ cho những kẻ cơ hội, tham ô, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, vô trách nhiệm trước nhân dân… mà suy cho cùng là những người thiếu văn hóa.
Xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước thực chất là nâng cao văn hóa lãnh đạo quản lý - xây dựng Đảng thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm của dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển tiến bộ của thời đại.
Cùng với xây dựng văn hóa trong chính trị phải thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Bác Hồ từng nói: “Văn hóa không đứng ngoài mà phải trong kinh tế và chính trị”. Phải coi con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển KT-XH, tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, xây dựng doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Không phát triển kinh tế bằng mọi giá, luôn tạo sự cân bằng trong lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho kinh tế và văn hóa, phát huy tinh thần dân tộc, xây dựng và phát triển các thương hiệu hàng hóa có uy tín trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
Những năm gần đây, Hà Tĩnh đã có bước đột phá trong phát triển kinh tế, nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án lớn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, nhưng trên lĩnh vực văn hóa và xây dựng văn hóa trong chính trị, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều điều băn khoăn, trăn trở.
Phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng của quê hương Hà Tĩnh, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần ra sức chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.
Đặng Quốc Vinh
UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã