Liên tiếp mất mùa
Trong quá khứ, bưởi Phúc Trạch từng được tặng thưởng "mề đay" trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương (1938) và được công nhận là một trong 7 loại trái cây quý hiếm của cả nước. Bưởi Phúc Trạch cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa năm 2004.
Từng có quá khứ oanh liệt như vậy nhưng điều đáng buồn là hiện nay, người trồng bưởi không còn tha thiết với giống cây đặc sản này. Diện tích trồng bưởi trên địa bàn xã Phúc Trạch giảm đáng kể, hàng trăm gốc bưởi bị đốn hạ không thương tiếc, nhường chỗ cho những cây khác.
Hỏi qua mới biết, căn nguyên của tình trạng này là do bưởi thường xuyên mất mùa, cây ra hoa và đậu quả kém, giá trị kinh tế không còn cao như trước. Người trồng bưởi nơi đây cho biết, bưởi cho năng suất thấp là do việc phá bỏ vườn tạp khiến cây không còn bóng mát, trong khi đó khí hậu ở đây lại chịu sự tác động mạnh của gió Lào, nắng nóng, khô hạn thường xuyên.
Ông Lê Hồng Mai (xóm 5, xã Phúc Trạch) cho biết: "Cách đây mấy năm, ai về vùng đất này cũng phải ngợi khen bưởi Phúc Trạch quê tôi. Cả xã, nhà nào cũng có vài trăm gốc bưởi, nhưng nay mỗi nhà chỉ giữ lại vài chục gốc, thậm chỉ vài ba gốc. Người ta chặt phá hết để trồng những loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn". Gia đình ông Mai là một trong những hộ có diện tích trồng bưởi lớn nhất nhì xã, trước đây, gia đình có tới 400 gốc bưởi, nhưng nay cố gắng lắm mới giữ lại được hơn 100 gốc.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương cũng như các ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực nhằm lấy lại vị thế cho giống bưởi quý hiếm này, tuy nhiên, tính khả thi vẫn chưa cao. Năm 2002, một trại giống bưởi Phúc Trạch của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hà Tĩnh được xây dựng nhằm mục đích bảo tồn nguồn gen bưởi Phúc Trạch. Hiện, Trung tâm này có 250 gốc bưởi cũng cho năng suất thấp. Qua kiểm tra thấy, bưởi cho quả rất ít, mặc dù việc chăm sóc luôn được nhân viên trung tâm đặc biệt chú trọng.
Tìm cách cứu bưởi
Trước nguy cơ trên, Ban Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương chủ trì thực hiện đề tài khoa học Nghiên cứu xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 3/2009 trên diện tích 6ha của 24 hộ dân thuộc các xã Phúc Trạch, Hương Trạch và Hương Đô.
Được biết, sau khi lựa chọn các vườn bưởi để làm thử nghiệm, các nhà khoa học đã triển khai áp dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp như: bổ sung dinh dưỡng; kỹ thuật tưới nước; cắt tỉa kết hợp với thụ phấn bổ sung đến công đoạn bao quả. Kết quả cho thấy, công đoạn thụ phấn bổ sung lúc bưởi ra hoa đã nâng tỷ lệ đậu quả đạt 100%; sau thời gian sinh trưởng đến công đoạn cắt tỉa chọn để lại từ 50-70 quả/cây, lúc đó cho quả vào bao để tránh các loài côn trùng, sâu bệnh gây hại.
Với cách áp dụng trên, đến kỳ thu hoạch, da bưởi trơn mịn, hương vị bưởi đặc trưng rất hấp dẫn. Đặc biệt, năng suất bưởi tăng rõ rệt, khi chưa thực hiện dự án, vườn bưởi chỉ cho năng suất 5-7 tấn/ha, nhưng khi áp dụng quy trình thâm canh và thụ phấn bổ sung, năng suất tăng lên trên 20 tấn/ha. Tuy nhiên, so với các cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế từ bưởi vẫn thấp nên bà con không ngần ngại chặt bỏ để trồng cây khác, thậm chí còn mang cây dó bầu vào trồng xen trong vườn bưởi và chỉ chăm sóc cây "phụ" mà quên cây "chính". Theo số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, diện tích bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê chỉ còn 844,52ha, đa phần bị nhiễm bệnh, cho năng suất thấp, trong khi diện tích cây dó bầu tạo trầm đang ngày càng bành trướng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Hữu Tân, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: "Chúng tôi luôn tìm mọi cách, tạo điều kiện và vận động người dân mở rộng diện tích, áp dụng kỹ thuật để tăng năng suất bưởi. Thực trạng suy giảm của giống bưởi này đang khiến chúng tôi hết sức băn khoăn. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan, đơn vị khác trong việc nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân để lấy lại vị thế cho giống bưởi đặc biệt này. Huyện sẽ rà soát, quy hoạch toàn bộ diện tích trồng bưởi trên địa bàn; từ đó tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển, phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện có từ 1.500-1.700ha bưởi".
Thiết nghĩ, nếu không có những giải pháp căn cơ để tìm hướng phát triển cho cây bưởi Phúc Trạch thì có thể nay mai giống bưởi nổi tiếng này sẽ bị mai một và thương hiệu bưởi Phúc Trạch sẽ không còn trên thị trường.
Theo Kinhtenongthon
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã