Cần 2.870 tỷ đồng thực hiện tiêu chí ngành LĐ-TB&XH
Để xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, ngành LĐ-TB&XH có 3 nội dung liên quan gồm: tiêu chí hộ nghèo; tiêu chí lao động có việc làm; tiêu chí đảm bảo bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Xuân Thông báo cáo kế hoạch tổ chức thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM (dự thảo).
Về tiêu chí hộ nghèo (tiêu chí 11), hiện nay, Hà Tĩnh có 175/182 xã có tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn NTM. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt theo Bộ tiêu chí NTM áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025.
Để đạt được kết quả này, ngành LĐ&TBXH đề xuất, bên cạnh công tác tuyên truyền, sẽ tập trung hỗ trợ người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập bằng cách thực hiện các chính sách tín dụng, hỗ trợ vay vốn; thực hiện chương trình khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình hiệu quả; dạy nghề, tạo việc làm mới.
Ngoài ra, cần tập trung thực hiện tốt các chính sách xã hội (giáo dục đào tạo, y tế, hỗ trợ nhà ở, nước sạch và vệ sinh…).
Ngành LĐTB&XH dự kiến huy động nguồn lực Trung ương khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, nhu cầu đối ứng của địa phương khoảng 50 tỷ đồng/năm và nhiều nguồn lực khác.
Trưởng phòng Lao động việc làm Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Dũng: Cơ hội việc làm cho lao động ở Hà Tĩnh cần được nâng cao trong thời gian tới.
Về tiêu chí lao động có việc làm (tiêu chí 12), trong đó, tiêu chí tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng động (12.1) ở Hà Tĩnh hiện đã đạt 95 – 97% (vượt yêu cầu).
Riêng về tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo (12.2) phải đạt trên 50%, đến nay, Hà Tĩnh mới chỉ đạt 25%. Để hoàn thành đến năm 2025, tỉnh phải tổ chức đào tạo hoặc tiếp nhận lực lượng lao động được đào tạo tương đương với tăng 175.500 người qua đào tạo có bằng, chứng chỉ (nếu tính cả bù đắp cho lực lượng lao động nghỉ, về hưu thì cần tiếp nhận 190.000 người). Do đó, tiêu chí này cần sự cân nhắc, tính toán kỹ.
Kinh phí thực hiện tiêu chí này dự kiến cần 840 tỷ đồng (bao gồm kinh phí ngân sách và đóng góp của người học).
Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM Trần Huy Oánh: Phải đặc biệt quan tâm và có giải pháp đào tạo lao động ở Hà Tĩnh, cùng với đó có giải pháp tăng tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Về tiêu chí đảm bảo bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội (tiêu chí 18.5), qua rà soát Hà Tĩnh đã có 201/229 xã đạt chuẩn (số liệu trước khi sáp nhập xã).
Giải pháp để thực hiện tiêu chí 18.5 là cần tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng cho nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trong diện quy hoạch; nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới…
Tiêu chí 18.5 dự kiến cần 29,55 tỷ đồng để thực hiện.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển: Ngành LĐ-TB&XH nên tiếp cận đa chiều, tổng hợp để xây dựng các giải pháp thực hiện.
Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đạt thấp hơn mức trung bình cả nước
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, khu vực nông thôn Hà Tĩnh đã có rất nhiều khởi sắc nhờ chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 11,4% đến cuối năm 2020 dự kiến đạt dưới 3%.
Tuy nhiên, với chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn mới dự kiến sẽ có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, Đề án xây dựng tỉnh NTM có tầm quan trọng rất lớn. Là tỉnh đạt chuẩn NTM chắc chắn tình hình nông thôn sẽ cải thiện hơn nhiều lần, do đó, những chỉ tiêu đưa ra cần phải được hoàn thành, các giải pháp đưa ra phải cụ thể, chi tiết để đưa vào đề án và có căn cứ chỉ đạo, thực hiện. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đạt thấp hơn mức trung bình cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, ngành LĐ-TB&XH cần nhìn vào tình hình chung của khu vực, cả nước để đánh giá đúng thực chất và xây dựng giải pháp phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần tiên lượng các chỉ tiêu các chương trình, chính sách, dự án trong giai đoạn mới để có giải pháp phù hợp.
Về đào tạo nghề cho lao động, phải lực chọn các ngành nghề gắn với cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh và phục vụ cho công cuộc phát triển địa phương, sát thực với yêu cầu của địa phương.
Về tiêu chí liên quan đến bình đẳng giới và các đối tượng yếu thế, các giải pháp bắt buộc phải đảm tối thiểu chỉ tiêu, yêu cầu; có thể xây dựng phương án huy động xã hội hóa để thực hiện.
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã