Bấy lâu nay, các giáo viên đã quen dạy học bám sát nội dung sách giáo khoa. Tuy nhiên, điều này sẽ hoàn toàn thay đổi trong năm học này. Sách giáo khoa thay vì được coi như "pháp lệnh" đối với giáo viên thì nay chỉ là phương tiện, cung cấp các chất liệu dạy học. Vai trò chủ động của các thầy cô giáo trong việc biên soạn giáo án, tổ chức kế hoạch dạy học được đề cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Được Bộ GDĐT phê duyệt và đưa vào sử dụng từ năm học này, bộ sách giáo khoa Cánh diều thể hiện đầy đủ tinh thần đổi mới Nghị quyết số 29; Nghị quyết số 88 và các quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp thông qua quan điểm biên soạn thống nhất xuyên suốt “mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”.
Xác định giáo viên là lực lượng quan trọng quyết định thành công trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường trên địa bàn đã bố trí, sắp xếp giáo viên đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng. Ngay sau khi tham gia tập huấn, các thầy cô giáo tập trung sinh hoạt chuyên môn theo hướng đổi mới, bằng việc nghiên cứu tất cả các bộ sách giáo khoa, sách giáo viên; dạy thể nghiệm, qua đó, nắm vững quan điểm đổi mới cũng như thống nhất cách thiết kế, và tổ chức hoạt động của mỗi bài học. Cùng với đó là công tác đầu tư cơ sở vật chất cũng được triển khai tích cực
Để đảm bảo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ ngày. Số tiết học trong 1 năm cũng sẽ tăng lên, hướng tới mục tiêu tăng cường giáo dục toàn diện, các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, đáp ứng nhu cầu quản lý học sinh của gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, từ thực tế của những trường học ở một số địa bàn thì các điều kiện đảm bảo vẫn còn có những khó khăn. Chưa kể đến những thiết bị cần thiết để khai thác sách giáo khoa điện tử cũng như nguồn học liệu vô cùng phong phú và cần thiết trên mạng internet.
So với chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành, chương trình mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Theo đó, Tiếng Anh trở thành môn học tự chọn và được đưa vào dạy ngay từ lớp 1. Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới, nhiều địa phương đã kịp thời bổ sung vị trí việc làm đối với những môn học này.
Không chỉ dừng lại ở khối lớp 1 mà tinh thần cởi mở và linh hoạt của chương trình giáo dục phổ thông mới đã và đang được vận dụng hiệu quả ở tất cả các khối còn lại. Đối với một chương trình đổi mới căn bản và tương đối toàn diện triệt để như vậy thì khối lượng chuẩn bị để thực hiện lộ trình đề ra trong những năm học tiếp theo còn rất lớn, đòi hỏi quyết tâm rất cao để cả người học và người dạy thích ứng và bắt kịp với chương trình mới cũng như phát huy hiệu quả của nó.
Thu Hoài/HTTV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc kiện toàn BCĐ các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch Thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh năm 2025
Báo cáo kết quả công tác tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025