Phát biểu thảo luận, các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và Thẩm tra của các cơ quan Quốc hội; những tháng đầu năm 2020 tình hình KT-XH Việt Nam cũng như quốc tế gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Nhưng với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt kịp thời hành động của Chính phủ, sự đồng lòng của toàn dân, đến nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, các chính sách hỗ trợ tác động nhanh, KT-XH từng bước phục hồi...
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng: Thời gian qua 3 nhóm đối tượng Người có công, Bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo đã được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên đối với đối tượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, đề nghị Chính phủ xem xét toàn diện hơn. Đối với chính sách vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động quy định quá chặt chẽ nên người sử dụng lao động không có cơ hội tiếp cận. Về mốc thời gian để xem xét, giải quyết các chính sách hỗ trợ đối với lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được áp dụng từ ngày 01/4/2020 đến ngày 01/6/2020 là chưa hợp lý vì thực tế có nhiều lĩnh vực, người lao động đã tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ cuối tháng 2 và tháng 3/2020, nhất là đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, xuất khẩu lao động.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn giải đáp thắc mắc, khó khăn để các địa phương tổ chức thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cũng đề nghị Chính phủ kịp thời báo cáo Bộ Chính trị cho dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (nội dung đã được kiến nghị nhiều lần tại nhiều kỳ họp trước) để tỉnh kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung, tập trung phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, khai thác phát huy tiềm năng của khu vực, sớm khắc phục những ảnh hưởng nặng nề về đời sống dân sinh của nhân dân tại khu vực.
Đại biểu Trần Đình Gia – đoàn Hà Tĩnh đề nghị cần chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sau sáp nhập. Đối với cơ sở hạ tầng dôi dư sau sáp nhập, cần khai thác, sử dụng và quản lý một cách hiệu quả tránh để xuống cấp, hư hỏng, lãng phí. Bên cạnh đó, Đại biểu Trần Đình Gia cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí công tác, giải quyết chế độ chính sách đối với lực lượng Công an chính quy được điều chuyển về làm công an xã.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu một số bất cập trong việc lập dự toán NSNN (ngân sách Nhà nước); vấn đề chi NSNN cho ngành giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, dạy nghề bị cắt giảm; công tác đào tạo nghề ở các địa phương còn mang tính hình thức, trong danh mục đào tạo nghề có những ngành quá đơn giản, không cần thiết./.
Nhóm phóng viên Thời sự HTTV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã