Năng suất vụ hè thu 2020 dự kiến cao hơn cùng kỳ
Nông dân thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường (Can Lộc) ra đồng thu hoạch lúa hè thu
Sáng sớm 19/8, trên xứ đồng Ma Cao, thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường (Can Lộc) đã rộn rã tiếng máy gặt và những người nông dân tất bật vận chuyển những bao lúa nặng trĩu nhập cho thương lái đang ghé xe tận chân ruộng. Đây là xứ đồng đầu tiên trên địa bàn xã Kim Song Trường có diện tích lúa hè thu 2020 cho thu hoạch.
Đặt bao lúa nặng trĩu lên bàn cân, bà Lê Thị Hòa - thôn Kim Thịnh không giấu được niềm vui: “Năm ni rứa là chắc thắng vụ hè thu chú à. Nhà tôi làm 8 sào ruộng, giống lúa BT09, cho thu hoạch gần 2,8 tấn lúa tươi. Thương lái đến mua tận chân ruộng với giá 5.200 đồng/kg”.
Năng suất lúa tại xã Kim Song Trường đạt 56 tạ/ha
Theo chia sẻ của bà Hòa, đây là năm “đặc biệt”, hầu như không có sâu bệnh nên người nông dân không phải vất vả, mất công chăm bón nhiều. Vì vậy, vụ hè thu này sẽ có “lãi” hơn mọi năm vì không chỉ năng suất lúa đạt cao mà suốt cả vụ không phải mất một đồng chi phí phun thuốc trừ sâu.
Vụ hè thu 2020, xã Kim Song Trường gieo cấy 889 ha với các loại giống PT09, Bắc Hương 9, nếp 97,98…
Người dân thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường nhập lúa tươi cho thương lái ngay tại chận ruộng
Ông Nguyễn Quốc Việt – Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường cho biết, quan điểm chỉ đạo của xã từ đầu vụ là đẩy nhanh tối đa tiến độ, đảm bảo “chạy lụt” và gặt xong trước 10/9. Đến thời điểm này, 100% diện tích lúa hè thu của địa phương đã trổ và một số diện tích đã chín, cho thu hoạch. Về năng suất, qua số diện tích đã thu hoạch cũng như số diện tích đã gần thu hoạch cho thấy, đây là năm được mùa, bình quân lúa tươi đạt 330 - 350 kg/sào. Đặc biệt, vụ hè thu năm nay sâu bệnh rất ít, hầu như không có.
Theo ông Việt, ngoài yếu tố khách quan, thì yếu tố chủ quan rất quan trọng. Đó là địa phương đã chỉ đạo tốt vệ sinh đồng ruộng, dọn bờ vùng bờ thửa sạch sẽ, làm giảm mầm bệnh.
Đến thời điểm này, 100% diện tích lúa hè thu của xã Kim Song Trường đã trổ và một số diện tích đã chín, cho thu hoạch.
Tại huyện Đức Thọ, đến ngày 19/8, các xã vùng ngoài đê như: Quang Vĩnh, Bùi La Nhân, bà con nông dân cũng đã ra đồng gặt 1 số diện tích lúa chín sớm.
“Vụ hè thu năm nay, từ đầu đến cuối vụ hầu như không có dịch bệnh. Về năng suất dự kiến đạt khoảng 55 - 56 tạ/ha. Đức Thọ đang chỉ đạo bà con các xã vùng ngoài đê thấp lụt khẩn trương thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” – ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết.
Nông dân xã Thạch Đài (Thạch Hà) thu hoạch diện tích lúa hè thu chín sớm
Theo ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sản xuất hè thu 2020 rất đảm bảo lịch thời vụ. Đến ngày 19/8, 100% diện tích lúa đã trổ, trong đó một số diện tích đã chín. Một số địa phương như: Đức Thọ, Can Lộc, Kỳ Anh đã tiến hành gặt với tổng diện tích khoảng trên 400 ha (chiếm 1% trên tổng diện tích vụ hè thu 2020). Dự kiến, 10 ngày tới sẽ thu hoạch đại trà. Nếu thời tiết không có biến động lớn thì đây sẽ là năm được mùa, năng suất cao hơn vụ hè thu 2019.
Vụ sản xuất an toàn
Các loại giống đều nằm trong khung thời gian sinh trưởng “an toàn” 115 ngày, đảm bảo thích ứng với điều kiện sản xuất trên đồng đất Hà Tĩnh
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ hè thu 2020, Hà Tĩnh gieo cấy 44.250 ha, cơ cấu 14 loại giống, gồm: Khang dân 18, Khang dân đột biến, Thiên ưu 8, BQ, VTNA2, HT1, Nếp 98, Nếp 87, PC6, TH3-3, TH3-5, Xuân Mai và BT09.
Tất cả các loại giống đều nằm trong khung thời gian sinh trưởng “an toàn” 115 ngày, đảm bảo thích ứng với điều kiện sản xuất “đầu vụ xảy ra hạn hán, cuối vụ gặp mưa bão” trong vụ hè thu ở Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh (người bên phải) kiểm tra độ chín của lúa hè thu.
“Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa tuy gặp thời tiết nắng nóng gay gắt (tháng 6, tháng 7) nhưng diện tích lúa trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đủ nước nên lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Vụ hè thu này rất ít sâu bệnh. Từ đầu đến cuối vụ, các đối tượng sâu bệnh như: Cuốn lá, đục thân, khô vằn, bạc lá… xuất hiện rất ít. Nhiều diện tích không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phải nói đây là vụ sản xuất khá an toàn” - ông Nguyễn Trí Hà cho hay.
Trước diễn biến khó lường của thời tiết, các địa phương cần gấp rút triển khai các phương án nhằm thu hoạch nhanh lúa hè thu để bảo toàn năng suất và sản lượng.
Về nguyên nhân ít sâu bệnh hơn so với mọi năm, theo ông Hà, do ngay từ đầu vụ, cơ quan chuyên môn đã bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ, từ khâu chọn giống, bón phân cân đối, gieo cấy mật độ phù hợp... Bên cạnh đó, do thời tiết tháng 6, tháng 7 nắng nóng, độ ẩm thấp, không thuận lợi cho các đối tượng dịch hại như: sâu cuốn lá, bạc lá, khô vằn... phát triển. Mặt khác, thời gian vụ hè thu ngắn nên việc tích lũy đối tượng gây hại chưa đủ thời gian. Đặc biệt, bà con rất bám sát đồng ruộng nên khi xuất hiện sâu bệnh là kịp thời xử lý ngay.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trước diễn biến khó lường của thời tiết, các địa phương cần gấp rút triển khai các phương án nhằm thu hoạch nhanh lúa hè thu để phòng tránh mưa lũ, bảo toàn năng suất và sản lượng.
Nguồn tin: Thanh Hoài-Lê Tuấn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã