Trên những triền đồi xanh thẳm, thấp thoáng những vườn cam ở Thượng Lộc đã được “mắc màn”
Mùa thu hoạch cam ở Thượng Lộc đã bắt đầu khởi động từ hơn 1 tuần nay, niềm vui cũng đã đến với người trồng cam khi mức giá tăng đáng kể so với năm trước.
Chị Trần Thị Phương ở thôn Thanh Mỹ cho biết: “Năm nay cam thưa quả hơn so với mọi năm nhưng bù lại giá cả nhích hơn trước. Dù mới cắt tỉa bán từ 1 tuần nay nhưng giá cam bình quân tại vườn 15 ngàn đồng/1kg, tăng 5 ngàn đồng so với năm trước. Với diễn biến đáng phấn khởi của giá cả, năm nay 1 ha cam của tôi dự kiến mang về nguồn thu khoảng 200 triệu đồng”.
Năm nay năng suất cam của trang trại gia đình chị Phương không bằng năm trước, nhưng giá cả nhích hơn
Khởi động mùa thu hoạch sớm hơn so với những người trồng cam trên địa bàn khoảng 1 tuần, đến nay vườn cam Mai Trạch ở thôn Anh Hùng - sản phẩm được công nhận OCOP năm 2019 đã bán tỉa được hơn 1 tấn.
Dù mới đầu mùa vụ, nhưng chất lượng sản phẩm đã thu hút thương lái đến tận vườn để hái. Giá cam bán tại vườn là 20 ngàn đồng/kg.
Những quả cam chín sớm đã được người dân cắt tỉa bán từ đầu vụ
Chị Nguyễn Thị Mai cho biết: “Năm trước đưa cam ra chợ bán cũng chỉ được 10 ngàn đến 15 ngàn đồng/1kg, nhưng đầu vụ năm nay giá cả tăng lên trông thấy. Người trồng cam chúng tôi phấn khởi lắm...”.
Từ 2 tuần nay, thương lái đã đến tận vườn chị Mai để mua cam
Bên cạnh niềm vui được giá, nhiều hộ trồng cam ở Thượng Lộc phải đối mặt với nỗi lo nạn ruồi vàng tấn công cây ăn quả. Dù người dân đã sử dụng nhiều biện pháp như: chế phẩm sinh học, keo dán để bắt côn trùng nhưng hiệu quả chẳng đáng là bao.
Anh Nguyễn Văn Trạch, thôn Anh Hùng cho biết: “Sử dụng các chế phẩm sinh học không hiệu quả, phương án bọc từng quả như những năm trước mất thời gian và đầu tư cũng lớn, nên năm nay tôi mạnh dạn bỏ vốn “mắc màn” cho cam”.
Người dân Thượng Lộc lựa chọn những cây sai quả, có chất lượng, phẩm cấp tốt để “mắc màn” cho cam
Cũng theo anh Trạch, với diện tích hơn 4 ha cam cho thu hoạch, nhưng gia đình chỉ lựa chọn “mắc màn” hơn 1 ha (nguồn kinh phí đầu tư khoảng hơn 50 triệu đồng) cho những cây sai quả có phẩm cấp, chất lượng tốt, trong đó phần lớn là cam giòn.
Từ sự mạnh dạn đi đầu của anh Trạch, đến nay tại xã Thượng Lộc đã có hơn 20 hộ triển khai biện pháp này. Đây là năm đầu tiên Can Lộc thực hiện mô hình này, và cũng là cách làm hiệu quả, thiết thực để người dân cải thiện năng suất trong một mùa thu hoạch đầy hứa hẹn.
Việc sử dụng phương pháp “mắc màn” đã giúp cho vườn cam của gia đình chị Nguyễn Thị Mai đảm bảo sản lượng
Ông Nguyễn Xuân Lục - Trưởng ban Nông nghiệp và Môi trường xã Thượng Lộc cho biết: “Qua khảo sát thực tế cho thấy, năm nay năng suất cam ở nhiều vườn giảm so với năm trước, nhưng bù lại giá cả khả quan hơn và sản lượng không giảm. Toàn xã có khoảng 230 ha cho thu hoạch nguồn thu gần 30 tỷ đồng”.
Nguồn tin: Anh Thư-Anh Tấn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã