Theo Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Trọng Đường, khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.
Quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau.
Tại Việt Nam, khái niệm “chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Về kinh tế số, theo Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Trọng Đường, hiện nay có nhiều khái niệm khác nhau. Theo định nghĩa của nhóm cộng tác kinh tế số của Oxford thì kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet”. Trong nền kinh tế số có 3 thành phần chính bao gồm: doanh nghiệp số, hạ tầng kinh doanh số và thương mại điện tử.
Nhiều mô hình trồng dưa trong nhà màng tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, điều khiển bằng smartphone.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, kinh tế số được định nghĩa là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và những mô hình kinh doanh mới được tạo ra từ việc áp dụng công nghệ số và dữ liệu số.
“Chuyển đổi số trước tiên chúng ta phải chuyển đổi nhận thức, cần phải có hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân hiểu sự cần thiết của chuyển đổi số. Trong đó, chúng ta cần triển khai các chương trình chuyển đổi số quốc gia, cần ban hành nghị quyết, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, đặc biệt là vấn đề chuyển số trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy việc tiêu thụ, tăng giá trị nông sản cho người dân” - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Trọng Đường nhấn mạnh.
Hà Tĩnh lấy chuyển đổi số làm đột phá thực hiện đề án tỉnh nông thôn mới
Trạm thời tiết thông minh công nghệ iMetos sử dụng năng lượng mặt trời để phục vụ sản xuất tại nhà vườn ông Đinh Phúc Tiến (thôn Đông Trà, xã Hương Trà, Hương Khê).
Để bắt nhịp công cuộc chuyển đổi số hiệu quả và chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 393/KH-UBND ngày 29/10/2020 về chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, ngành nông nghiệp là một trong 6 lĩnh vực được ưu tiên.
Hà Tĩnh sẽ tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Tập trung xây dựng dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ, chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
Chị Lê Thị Hiền (thôn Quan Nam, xã Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) sử dụng smartphone điều khiển hệ thống tưới trong vườn nhà.
Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.
Ông Trần Huy Oánh – Chánh Văn phòng NTM tỉnh cho biết, thời gian qua, Hà Tĩnh đã ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, thể hiện rõ nét như: truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, phát triển thương mại điện tử… Đây là một trong những nội dung, tiền đề hình thành chuyển đổi số, kinh tế số góp phần thực hiện thành công Đề án thí điểm tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế lớn, hạn chế tác động tiêu cực từ thời tiết.
Với quyết tâm chính trị cao, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Hà Tĩnh trở thành 1 trong 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chỉ số cao nhất về Chính phủ số, kinh tế số của cả nước; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Theo Bá Tân/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã