Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì hội nghị
Dự báo năm nay nắng nóng, nguy cơ bão lớn cuối vụ
Vụ hè thu 2019 ghi nhận những khó khăn điển hình, nắng nóng kéo dài suốt gần 2 tháng, nền nhiệt cao. Thời tiết nhạy cảm, toàn tỉnh có 100 điểm rừng bắt lửa với 21 điểm/9 huyện (tăng 11 vụ so với năm 2018) xảy ra cháy. Diện tích có rừng bị ảnh hưởng cháy 462,9 ha; diện tích rừng bị cháy không có khả năng phục hồi 302,95 ha.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn: Năm 2019 là năm có diện tích cháy rừng lớn nhất trong 10 năm qua
Đối với sản xuất nông nghiệp, nắng nóng khiến 1.035 ha diện tích lúa hè thu; 1.343 ha cây trồng cạn; 916,5 ha cây ăn quả và 17 ha chè thiếu nước. Vào cuối vụ, bão số 4 và áp thấp nhiệt đới đúng vào thời điểm thu hoạch làm 7.333 ha lúa bị ngập; 864 ha bưởi bị thiệt hại; 816 ha rau, hoa màu hư hỏng nặng.
Hệ lụy khiến cho các loại cây trồng tụt giảm, đặc biệt là lúa, chỉ đạt 40 tạ/ha thấp hơn 6,48 tạ/ha so với vụ hè thu 2018.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh: Các địa phương cần tuân thủ thời vụ, cơ cấu giống để sản xuất vụ hè thu an toàn, ứng phó với diễn biến thời tiết.
Vụ hè thu 2020, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời tiết sẽ xảy ra nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ trung bình sẽ tăng 0,5 - 1 độ C so với mức bình quân nhiều năm. Nắng nóng sẽ tập trung cao từ tháng 5 đến tháng 8 với nhiệt độ nơi cao nhất vượt 40 độ C, đe dọa tình hình hạn hán ở diện tích trồng lúa và các cây trồng cạn; nguy cơ cháy rừng tiếp tục tăng cao.
Cùng với đó, sản xuất hè thu còn phải đối mặt với nguy cơ bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động mạnh vào cuối vụ, gây thiệt hại năng suất các loại cây trồng chủ lực.
Trên cơ sở cân đối thời vụ, nguồn nước tưới nhằm ứng phó với thời tiết trong vụ hè thu 2020, Sở NN&PTNT bố trí sản xuất 44.514 ha lúa hè thu; 445 ha lúa mùa; 4.865 ha đậu; gần 2.000 ha ngô lấy hạt; gần 1.100 ha ngô sinh khối; rau các loại khoảng trên 2.500 ha... Đặc biệt, phải sử dụng các loại giống ngắn ngày đối với lúa (nhóm giống có thời gian sinh trưởng dưới 115 ngày), gieo cấy kết thúc 10/6; tiếp tục mở rộng các cánh đồng lớn, xây dựng mô hình liên kết với doanh nghiệp. Cây trồng cạn phấn đấu gieo trỉa trước 30/6.
Liên quan đến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy - chữa cháy rừng, tiếp tục phát triển bền vững rừng với tỷ lệ che phủ cuối 2020 đạt 52,5%, đồng thời triển khai lực lượng, phân vùng chỉ đạo theo phương án cụ thể, sẵn sàng phối hợp ứng cứu trong BVR & PCCCR.
Đại tá Hoàng Viết Dũng, Phó Chỉ huy trưởng,Tham mưu trưởng BĐBP Hà Tĩnh: Ngành nông nghiệp cần rà soát lại quy hoạch, quy định về giao khoán rừng nhằm đảm bảo thực hiện sản xuất lâm nghiệp đúng quy định.
Tại hội nghị, Sở NN&PTNT cũng triển khai bổ cứu sản xuất vụ xuân. Trong điều kiện lượng tích ôn cao (cao hơn năm 2019 cùng kỳ 61 độ C, cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm 355 độ C) cùng với việc thực trạng không tuân thủ thời vụ gieo cấy ở một số địa phương đã khiến cho lúa xuân 2020 trổ bông trước lịch 10 - 15 ngày.
Cũng theo Sở NN&PTNT, hiện nay, một số giống lúa đã nhiễm đạo ôn cổ bông, tập trung ở các giống P6, TBR225, KDĐB, DQ11, BT09. Dự kiến, có khoảng 3.000 ha sẽ nhiễm đạo ôn cổ bông trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, xuất hiện một số dịch bệnh khác như: rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn...
Lên kịch bản sản xuất, phòng chống cháy rừng, kiểm soát tốt mọi tình huống
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đánh giá cao tinh thần chỉ đạo quyết liệt, liên tục trong phòng chống dịch bệnh, thiên tai. Nhờ vậy, thông tin chuyển tải kịp thời, tạo sự ứng phó chủ động, hiệu quả cao.
Hiện nay, lúa xuân cơ bản sinh trưởng tốt, kiểm soát được các dịch bệnh mặc dù trong điều kiện hình thái thời tiết phức tạp.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở NN&PTNT đánh giá lại một cách tổng thể, có rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo trong sản xuất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mặc dù thời tiết phức tạp nhưng sản xuất hè thu vẫn mở ra những cơ hội cho Hà Tĩnh. Theo đó, đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cập nhật, dự báo tình hình thời tiết sát sao để bà con nông dân chủ động cập nhật trong sản xuất và xử lý dịch bệnh.
Đặc biệt, cần xây dựng kịch bản sản xuất sát với từng địa phương, từng nguồn nước tưới, đặc biệt là những vùng cuối kênh, vùng khó khăn về nguồn nước; căn cơ về thời vụ, cơ cấu giống, đảm bảo tranh thủ được thời gian thuận lợi nhất của thời tiết.
Cùng với đó, tăng cường hơn nữa xây dựng mô hình sản xuất liên kết với doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa.
Liên quan đến công tác BVR& PCCCR cháy rừng, Phó chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn: Phương án phòng chống cháy rừng vẫn còn thiếu chủ động, nhất là đối với những vụ có nảy sinh tình huống phức tạp. Một số chủ rừng chưa quan tâm đến công tác bảo vệ rừng tận gốc. Phương tiện PCCCR còn thiếu, yếu; khó khăn trong việc huy động lực lượng ứng cứu; chỉ huy PCCCR còn lúng túng.
Thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành kiểm lâm cần tăng cao công tác tuyên truyền, giáo dục và răn đe những hành vi vi phạm nhằm tăng cao công tác bảo vệ rừng trong toàn dân. Những trọng điểm cháy rừng phải có giải pháp quyết liệt ngay từ đầu vụ. Tiến hành mua sắm thiết bị, phương tiện phòng chống cháy rừng; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất công tác BVR&PCCCR.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: đối với những “điểm nóng” nếu để xảy ra cháy rừng ngoài kiểm soát thì phải xử lý nghiêm theo Luật Lâm nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã