Từ diện tích 70m2 nhà xưởng trồng nấm ban đầu, đến nay trại nấm của ông Lê Trọng Hải đã mở rộng lên đến hơn 2.000m2 như hiện nay.
Cãi lời vợ
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất ven biển Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh), sau khi cưới vợ, ông Hải vẫn gắn bó với việc sản xuất nông nghiệp. Nhưng, ruộng ít, năng suất bấp bênh, sau bao trằn trọc suy nghĩ ông đã quyết định trồng nấm để phát triển kinh tế gia đình.
Nhớ lại thời điểm bắt tay vào trồng nấm, ông Hải chia sẻ: "Sau khi được học tập kỹ thuật từ Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ huyện Thạch Hà, tôi đi chặt tre, tranh về để làm nhà trồng nấm. Sau đó, mua phôi nấm tại trung tâm về chăm sóc, mới đầu tôi chỉ làm khoảng 70m2...".
Nhưng ngay từ vụ nấm đầu tiên, do ông Hải chưa có kinh nghiệm, phôi nấm bị mốc, nấm bị bệnh không phát triển được và gần như phải vứt toàn bộ phôi trong vụ đầu tiên.
Dù thất bại nhưng ông Hải vẫn không nản chí, ông lại tiếp tục mua phôi nấm về vừa chăm sóc, vừa tìm đến các mô hình đã trồng nấm trong và ngoài tỉnh để học tập thêm kinh nghiệm.
Khi chăm sóc thành công thì thời gian đó, sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ, ông Hải phải đi các chợ ở Nghệ An, Hà Tĩnh để giới thiệu và bán nấm.
"Lúc này, vợ, anh em, bạn bè khuyên tôi nên bỏ cây nấm đi để làm cái khác. Nhưng tôi nghĩ, ở vùng quê này, đất vườn rộng, đất đai lại cằn cỗi không biết trồng cây gì, trồng nấm cũng không vất vả mà mỗi năm cũng có thêm 10 triệu đồng thì cũng tạm được. Tôi lại mượn sổ đỏ của bố để vay thêm tiền để duy trì và mở rộng mô hình. Chặt tre nứa về vợ không cho làm, bị vợ giận nhưng tôi vẫn kiên trì trồng nấm" - ông Hải chia sẻ.
Đặc biệt, sau khi được tham gia học lớp tập huấn tại viện nghiên cứu Trung ương thì ông Hải đã tự nhân được giống và phát triển mô hình quy mô như hiện nay.
Hiện nay, diện tích trồng nấm của ông Hải đã lên tới 2000m2, với các loại nấm như Nấm Rơm, nấm Mộc nhĩ, nấm Sò, nấm Linh chi... mô hình của ông Hải đã mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.
Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Hải còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 thành viên trong HTX sản xuất nấm Quang Trung và nhiều lao động thời vụ tại địa phương.
Cho thu nhập khá
Những năm đầu mới bắt tay vào trồng nấm, dù thu nhập từ trồng nấm không nhiều nhưng ông Hải vẫn duy trì. Đến năm 2016 lại nay, thị trường tiêu thụ khá, nấm tại cơ sở của ông làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Có những thời điểm như dịp lễ Giáng sinh, lễ, tết... cơ sở của ông không đủ hàng để cung ứng cho khách.
Vừa dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN tham quan mô hình, ông Hải vừa bật mí: "Để nấm phát triển tốt, cho năng suất cao phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó quan trọng nhất là quy trình xử lý phôi. Nếu xử lý phôi nấm tốt sẽ cho chất lượng nấm cao, ít bệnh".
Ông Hải cho biết: Từ khi bắt đầu ủ bịch nấm, cấy phôi đến khi có nấm thu hoạch mất khoảng 60 ngày. Hiện tại, cơ sở trồng nấm của ông vận hành khá ổn định. Nhưng khó nhất vẫn là trồng nấm Linh Chi, mỗi phôi nấm như vậy cho thu hoạch 3 lần. Dù giá thành khá cao, nhưng quá trình ủ cấy phôi dù làm đúng kỹ thuật cũng bị hỏng khoảng 50%.
Tại cơ sở của ông Hải không bị lãng phí bất cứ thứ gì. Túi nilon bọc bịch nấm sau khi loại bỏ được bán cho cửa hàng đồng nát để tái sử dụng, bã nấm thì những cơ sở trồng cây cảnh thu mua về để trồng cây...
Bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất nấm sạch của ông Hải cung cấp ra thị trường trên 400kg nấm Linh với giá bán 1,2 triệu đồng/kg; gần 10 tấn nấm Mộc nhĩ với giá 120 ngàn đồng/kg và 20 - 30 tấn nấm sò với giá bán 30 ngàn/kg.
Bên cạnh bán nấm, ông Hải còn cung cấp phôi nấm cho nhiều hộ dân về chăm sóc. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình ông Hải thu về trên 300 triệu đồng.
Được biết, trong thời gian tới, gia đình ông Hải sẽ xin thuê thêm đất để mở rộng mô hình, trồng thêm một số loại nấm mới như nấm Kim phúc, nấm Chân dài …
Trại nấm của ông Hải hiện là cơ sở để các hộ dân trồng nấm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến để học tập kỹ thuật để trồng nấm. Ông cũng thường đi đến các cơ sở trồng nấm để hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho các hộ trồng nấm.
Để chủ động và giảm bớt chi phí sản xuất, ông Hải thuê lại ruộng của bà con tại địa phương để sản xuất lúa. Đến nay, mỗi vụ ông làm hơn 2 mẫu ruộng, để lấy rơm và hạt lúa để làm nấm.
Hiện nay, sản phẩm của gia đình ông Hải được các nhà hàng, khách sạn đặt mua, nhập tại các chợ trên địa bàn.
Hiện tại, sản phẩm nấm Sò của gia đình ông Hải đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Chia sẻ về dự định của mình với Báo điện tử DANVIET.VN, ông Hải nói: "Năm tới, tôi sẽ xây dựng thêm sản phẩm nấm Linh Chi thành sản phẩm OCOP và thuê thêm đất để mở rộng mô hình".
Mỗi vụ nấm được bắt đầu từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 năm sau. Sau tháng 4 hằng năm, gia đình ông Hải lại vệ sinh môi trường nhà trồng nấm để bắt đầu một vụ mới.
Trao đổi với Báo điện tử DANVIET.VN, ông Đặng Hồng Thuẩn - Chủ tịch UBND xã Bình An (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Đây là mô hình mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với việc trồng cây nông nghiệp truyền thống tại địa phương. Đặc biệt, đây là mô hình nông nghiệp tốn ít thời gian chăm sóc, ít vốn đầu tư nhưng lại có đầu ra ổn định. Tới đây, địa phương cũng sẽ tạo điều kiện để ông Hải thuê lại đất mở rộng mô hình.
Nguyễn Duyên/Danviet.vnNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã