Đời sống khó khăn nên năm nay, tổ dân phố Khánh Yên, thị trấn Lộc Hà chỉ huy động 500 ngàn đồng/hộ để chỉnh trang hội quán và mua sắm trang thiết bị.
Dù thôn Khánh Yên đã được “nâng tầm” lên tổ dân phố (TDP) cách đây gần 2 năm, nhưng đến thời điểm này, nơi đây vẫn là một vùng quê nghèo khó. Thu nhập bình quân đầu người của TDP thấp nhất thị trấn Lộc Hà, năm 2020 chỉ mới đạt 27 triệu đồng/người và năm nay phấn đấu cũng chỉ khiêm tốn ở mức 30 triệu đồng/người.
Gần 100% sinh kế của người dân nơi đây chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, đời sống khó khăn nên việc huy động kinh phí để thực hiện công cuộc kiến thiết cơ bản, xây dựng bộ mặt TDP theo chuẩn đô thị văn minh gặp rất nhiều khó khăn.
Tuyến đường chính ở TDP Khánh Yên đã xuống cấp.
Tổ trưởng TDP Khánh Yên Phan Đình Thanh cho biết thêm: “Hiện nay, khuôn viên hội quán chưa đảm bảo, trang thiết bị thiếu, đường sá đã mở rộng nhưng cơ bản đã cũ và xuống cấp nghiêm trọng... Đời sống của bà con còn khó khăn nên chúng tôi không dám huy động nhiều, riêng năm nay chỉ mới có kế hoạch thu 500 ngàn đồng/hộ để chỉnh trang khuôn viên hội quán (dự kiến khoảng 500 triệu đồng). Còn các hạng mục khác phải làm từ từ và chủ yếu đang trông chờ vào nguồn hỗ trợ của cấp trên”.
Bức tranh ở TDP Khánh Yên cũng là tình trạng chung của công cuộc xây dựng đô thị văn minh ở thị trấn Lộc Hà hiện nay. Căn cứ Quyết định số 18/2020/QĐ-UBND ngày 07/08/2020 của UBND tỉnh về quy định tạm thời Bộ tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này, thị trấn Lộc Hà mới đạt chuẩn 1/18 tiêu chí. Đó là tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật (tiêu chí 17), còn lại 17 tiêu chí đều chưa đạt.
Để di dời cụm trường mầm non này đến vị trí mới để đạt chuẩn cần khoảng 50 tỷ đồng.
Đặc biệt, để đạt chuẩn đô thị văn minh, thị trấn Lộc Hà phải huy động nguồn lực để xây dựng mới và nâng cấp nhiều công trình quan trọng, chi phí lớn như: di dời trường mầm non khoảng 50 tỷ đồng, mở rộng khuôn viên trường tiểu học 15 tỷ đồng, nhựa hóa tối thiểu 17 km đường bê tông trục thôn gắn với lắp hệ thống đèn trang trí và trồng cây xanh (khoảng 2 tỷ đồng/km), chỉnh trang hội quán 10 TDP khoảng 40 tỷ đồng…
Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà Văn Thành Đô chia sẻ: “Để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đạt chuẩn tối thiểu của đô thị văn minh, thị trấn cần khoảng 200 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này quá lớn, ngoài sức lo liệu của địa phương. Trong khi đó, trên địa bàn hiện chưa có chương trình, dự án nào tầm cỡ đầu tư để tạo điểm nhấn cho bức tranh đô thị”.
Khu vực đẹp nhất ở thị trấn Lộc Hà có được là nhờ hưởng lợi từ các chương trình, dự án trước đây (trong ảnh: trung tâm hành chính huyện).
Cũng theo ông Văn Thành Đô, công cuộc xây dựng đô thị văn minh ở thị trấn Lộc Hà còn gặp khó bởi điểm xuất phát thấp và tư duy nếp sống văn minh đô thị của bà con Nhân dân chưa hình thành. Sau gần 2 năm lên thị trấn nhưng đời sống, thói quen, sinh hoạt, sinh kế của đại đa số người dân vẫn quẩn quanh với ruộng, đánh bắt vùng lộng, nuôi trồng thủy sản và buôn bán nhỏ.
Toàn huyện vẫn còn 2,74% hộ nghèo, thu nhập bình quân mới 39 triệu đồng/người/năm… nên việc huy động nguồn lực, khơi dậy tinh thần vào cuộc của Nhân dân chưa như mong đợi.
Thị trấn Lộc Hà được thành lập theo Nghị quyết 158/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII. Thị trấn mới trên cơ sở xã Thạch Bằng cũ, có 10 TDP, dân số 9.624 người... Hiện nay, thị trấn Lộc Hà đang là đô thị loại V và đang phấn đấu 4-5 năm tới sẽ đạt đô thị loại IV... Theo Tiến Dũng/baohatinh.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã