Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện
Bước vào triển khai kế hoạch nhiệm vụ 2021 trong điều kiện gặp một số khó khăn nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành và địa phương, Sở NN&PTNT đã nỗ lực tranh thủ thời tiết thuận lợi, bám sát cơ sở, chủ động trong công tác tham mưu, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, đề án, cơ chế, chính sách, thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và đạt kết quả khá toàn diện.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt báo cáo các nội dung liên quan tại buổi làm việc.
Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 6 tháng đầu năm đạt trên 2,13% (cùng kỳ năm 2020 là 1,5%); tổng giá trị sản xuất (giá so sánh) ước đạt trên 7.300 tỷ đồng (tăng 3,2% so với năm 2021); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số...
Năng suất và sản lượng lúa cả năm 2021 đạt cao nhất trong nhiều năm qua (năng suất trên 54,45 tạ/ha, sản lượng trên 54,7 vạn tấn).
8 tháng đầu năm 2021, mặc dù sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nhưng vụ đông xuân, hè thu đạt kết quả toàn diện. Theo đó, năng suất và sản lượng lúa cả năm 2021 đạt cao nhất trong nhiều năm qua (năng suất trên 54,45 tạ/ha, sản lượng trên 54,7 vạn tấn).
Cây ăn quả phát triển ổn định với tổng diện tích hiện đạt trên 10.888 ha, diện tích cho sản phẩm hơn 7.922 ha (chiếm 73%); dự kiến sản lượng cả năm đạt trên 86.000 tấn (tăng 17% so với năm 2020).
Công tác bảo vệ rừng tại gốc, kiểm tra, kiểm soát lâm sản được tập trung chỉ đạo, qua đó đã phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm về rừng. Sản xuất thủy sản duy trì mức phát triển ổn định, tổng sản lượng 8 tháng đầu năm trên 41.285 tấn (đạt trên 80% kế hoạch năm).
Trên lĩnh vực xây dựng NTM, Sở NN&PTNT đã ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Sở để tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung tiêu chí xã, huyện nông thôn mới thuộc ngành; xây dựng trình xin ý kiến của cục, đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT về kế hoạch thực hiện các nội dung, tiêu chí liên quan trọng của Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, đã có 94% số xã (171/182 xã) đạt các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc ngành trong Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đạt kết quả khá tích cực. Đến nay, có 159 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó 152 sản phẩm 3 sao, 7 sản phẩm 4 sao. Hầu hết các sản phẩm đều tăng về doanh số bán hàng (bình quân tăng gần 40%, cá biệt có những sản phẩm tăng tăng 2 - 4 lần)
Cần tiếp tục có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho nông nghiệp
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành nông nghiệp cũng còn những khó khăn, vướng mắc như: một số đơn vị sự nghiệp công lập (các ban quản lý rừng, ban quản lý cảng cá, …) biên chế giao ít, trong khi quy mô quản lý nhiều, phạm vi, địa bàn hoạt động rộng.
Một số chương trình, dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh quy mô lớn phát huy hiệu quả chưa cao, triển khai gặp khó khăn, vướng mắc. Việc tích tụ, tập trung ruộng đất, sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn hạn chế, nhất là lĩnh vực trồng trọt. Biến đổi khí hậu khó lường, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít (chiếm dưới 10%), quy mô sản xuất chủ yếu nông hộ nhỏ lẻ, phân tán đang là những tồn tại, thách thức lớn trong công tác quản lý và chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh và ngành NN&PTNT tháo gỡ.
Đại biểu cho rằng, hiện nay, vấn đề chăn nuôi nông hộ đang gây ô nhiễm môi trường; việc chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế; vấn đề chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Đề nghị ngành NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh về quy hoạch, thực hiện quy hoạch các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các giải pháp về bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất nông nghiệp. Đối với công tác xây dựng tỉnh NTM, Văn phòng NTM tỉnh thời gian qua đã làm rất tốt, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế cần phải được bổ cứu, khắc phục để đảm bảo kết quả bền vững hơn.
|
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh: Cần tiếp tục đổi mới trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện xây dựng NTM, đảm bảo thực hiện các nội dung, tiêu chí NTM một cách bền vững, thiết thực hơn; sản phẩm OCOP phải gắn với thị trường.
|
Đại biểu cũng cho rằng, việc phát triển sản xuất, huy động nguồn lực người dân trong xây dựng NTM còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp; việc xây dựng tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, sản phẩm OCOP cần thực chất, hiệu quả.
Ngành NN&PTNT cần nhìn nhận, xác định rõ những khó khăn, thuận lợi của Hà Tĩnh trên lĩnh vực nông nghiệp để từ đó tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chính sách sát thực tiễn, đảm bảo phát triển bền vững.
Hà Tĩnh có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như nhung hươu, cam, bưởi, hải sản… nhưng công tác quảng bá, giới thiệu còn hạn chế. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương cần có giải pháp tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá, đa dạng kênh xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng
Tiếp tục tham mưu những giải pháp phát triển hiệu quả
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải khẳng định, những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, toàn thể Nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, giành được những kết quả khá toàn diện trên lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng NTM; trong đó có sự đóng góp rất lớn của ngành NN&PTNT.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cũng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp cần nhìn nhận, đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, hạn chế để từ đó tham mưu những giải pháp phát triển hiệu quả hơn.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành NN&PTNT tập trung hoàn thành rà soát đánh giá thực hiện các cơ chế, chính sách giai đoạn 2017 - 2020 và xây dựng, trình nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu các nội dung liên quan đến thu hút đầu tư, đẩy nhanh cơ cấu lại, phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực.
Rà soát, kiểm tra, đánh giá chi tiết tiến độ thực hiện, hiệu quả các dự án phát triển sản xuất trên các lĩnh vực đã và đang đầu tư; kịp thời tham mưu giải pháp tổng thể về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh để phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Đặc biệt, đối với phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản phải đảm bảo yêu tố môi trường.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển sản xuất tập trung, quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến, thu mua, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Trên lĩnh vực xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tập trung cao chỉ đạo 10 xã thuộc 2 huyện Hương Khê (8 xã) và Kỳ Anh (2 xã) đạt chuẩn NTM trước năm 2023. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM và thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP.
Đặc biệt, cần tập trung nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo môi trường và an ninh nông thôn để từng bước xây dựng tỉnh NTM bền vững, thực chất.
Theo Thanh Hoài - Lê Tuấn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã