Nhờ quyết liệt, sáng tạo nên 5 năm liền, TP Hà Tĩnh luôn giữ vững vị trí thứ nhất trong công tác CCHC (trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hà Tĩnh tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân).
Là địa bàn trung tâm nên đến nay, UBND thành phố Hà Tĩnh đã niêm yết công khai đầy đủ 295 thủ tục hành chính (TTHC) do UBND tỉnh công bố thuộc thẩm quyền thành phố và chỉ đạo 15 phường, xã niêm yết đầy đủ 188 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã. Ngoài ra, tại UBND thành phố còn niêm yết 51 TTHC của các ngành dọc và các cơ quan cấp tỉnh.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), BTV Thành ủy Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 05 về đẩy mạnh CCHC thành phố giai đoạn 2017-2021, với mục tiêu nâng cao chất lượng các chỉ số thành phần, giữ vững vị trí xếp hạng hằng năm về CCHC trong khối các địa phương. Trên cơ sở nghị quyết của Thành ủy, UBND thành phố Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với các giải pháp cụ thể cho từng năm để thực hiện.
Theo bà Lê Thị Thanh Vân – Trưởng phòng Nội vụ TP Hà Tĩnh, trong chương trình CCHC, TP Hà Tĩnh đã tập trung mạnh mẽ trên tất cả 6 lĩnh vực mà Chính phủ quy định (cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy; đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính).
Hằng năm, ở mỗi lĩnh vực, TP Hà Tĩnh đều chọn ra được một nội dung trọng tâm để thực hiện hiệu quả, nhờ đó, 6/6 lĩnh vực trong công tác CCHC được phát triển đồng đều. Đặc biệt, trong công tác cải cách TTHC - được coi là “xương sống” và điểm nhấn trong công tác CCHC, thành phố Hà Tĩnh đã xây dựng nhiều mô hình giải quyết TTHC hiệu quả.
Cán bộ trong “Tổ dịch vụ công lưu động” phường Trần Phú hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính tại nhà (ảnh chụp tháng 11/2020).
Trong đó phải kể đến mô hình “Tổ hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến lưu động” tại các phường, xã. Cho đến nay, tất cả các phường, xã trên địa bàn đã thành lập tổ tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến để thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến lưu động đến từng hộ dân, doanh nghiệp. Thông qua các buổi sinh hoạt, họp thôn, tổ dân phố, tổ lưu động đã tuyên truyền, giới thiệu về dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức từ thuyết trình, chiếu video hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phát tờ rơi…
TP Hà Tĩnh cũng là địa phương tiên phong trong thực hiện thí điểm mô hình “Tổ dân phố điện tử” tại 3 phường: Trần Phú, Nam Hà, Tân Giang. Các phường sử dụng nhà văn hóa các tổ dân phố để hướng dẫn cho người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận các TTHC. Tại mỗi điểm đều được trang bị hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, với đầy đủ: máy tính, máy in, máy scan... để người dân in ấn các giấy tờ cần thiết khi làm thủ tục hành chính.
Với việc thí điểm mô hình này, TP Hà Tĩnh hướng đến mục tiêu đưa bộ phận một cửa của cấp phường, xã về tận khu dân cư, người dân sẽ đến nhà văn hóa tổ dân phố làm thủ tục, khi có kết quả mới phải đến UBND phường, xã để lấy.
Mô hình “Tổ dân phố điện tử” đang được TP Hà Tĩnh triển khai thí điểm tại 3 phường: Trần Phú, Nam Hà, Tân Giang.
Ngoài ra, UBND thành phố đã triển khai mô hình “Phòng họp không giấy” và ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”. Đối với ứng dụng công nghệ thông tin “Phòng họp không giấy tờ - VNPT eCabinet”, bao gồm: hệ thống văn bản điện tử - ký số điện tử, hệ thống văn bản điện tử - theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ và hệ thống phiên họp không giấy tờ, được VNPT xây dựng chuyên nghiệp, bài bản, đảm bảo phục vụ trước, trong và sau phiên họp. Việc triển khai mô hình này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí và góp phần xây dựng chính quyền điện tử.
Đến nay, tại UBND thành phố Hà Tĩnh đã công bố 80 TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, ở phường, xã có 41 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Tỷ lệ hồ sơ TTHC nộp trực tuyến thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt trên 36,9%. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục đúng hạn đạt 99,98%.
TP Hà Tĩnh đang tiếp tục hướng đến mục tiêu giữ vững vị trí thứ nhất về CCHC, nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân.
Theo bà Nguyễn Lê Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công TP Hà Tĩnh, mặc dù đến nay công tác CCHC của thành phố đã đạt được nhiều kết quả lớn, song với vai trò là địa bàn trung tâm, hằng ngày phát sinh lượng hồ sơ, thủ tục lớn nên trong quá trình phục vụ có những khi có thể người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng. Chính vì vậy, để nâng cao hơn nữa sự hài lòng, minh bạch trong giải quyết TTHC, mục tiêu mà thành phố đang hướng đến là tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động CCHC, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 bằng việc gắn trách nhiệm, chỉ tiêu cho người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị trong việc tuyên truyền người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Trong năm 2021, TP Hà Tĩnh sẽ hướng đến việc khuyến khích người dân thanh toán lệ phí giải quyết TTHC qua thẻ bằng việc lắp đặt máy quét thẻ tự động. Tiến hành trả lời người dân bằng hình thức trực truyến qua zalo. Triển khai việc quét mã QR để người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin về tiến độ xử lý hồ sơ thủ tục mình. Đặc biệt, TP Hà Tĩnh đang hướng đến mục tiêu sẽ cấp giấy phép xây dựng và chứng thực qua điện tử.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã