Lãnh đạo Bộ GTVT, tỉnh Hà Tĩnh cùng các đơn vị liên quan chứng kiến lễ đón chuyến tàu container đầu tiên của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cập cảng Vũng Áng ngày 11/4/2021. Ảnh: Thanh Hoài.
Đứng đầu về tăng trưởng trong xuất khẩu là sản phẩm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Những tháng đầu năm, doanh nghiệp (DN) tiếp tục hoạt động ổn định, duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với hoạt động xuất khẩu thép, phôi thép và sản phẩm phụ. Theo đó, sản lượng xuất khẩu từ Formosa đạt 528,14 triệu USD, chiếm tỷ trọng 92,1% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Sản lượng xuất khẩu từ Formosa Hà Tĩnh 4 tháng đầu năm đạt 528,14 triệu USD
Bên cạnh đó, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản, dệt may, dăm gỗ… cũng ghi nhận tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thủy hải sản đạt 1,55 triệu USD, tăng 16,5%; xơ, sợi dệt các loại đạt 2,51 triệu USD, tăng 35,7%; hàng dệt và may mặc 2,93 triệu USD, tăng 74,4%; dăm gỗ 15,54 triệu USD, tăng 27,8%.
Ông Bùi Tất Thắng - Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu MTV (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) cho biết: “Thời điểm này, 160 công nhân của đơn vị đang tập trung hoàn thiện đơn hàng 25.000 sản phẩm xuất đi Nhật Bản, trị giá khoảng 70.000 USD. Công nhân có tay nghề nên sản phẩm chất lượng, được đối tác đánh giá cao. Chúng tôi đã ký kết hợp đồng cho những tháng tiếp theo. Hiện nay, công ty đã tính toán các phương án để tăng quy mô sản xuất lên 5 dây chuyền với 320 máy. Tới đây, chúng tôi sẽ tuyển dụng thêm 80 lao động. Theo đó, trong năm 2021, đơn vị phấn đấu xuất 250.000 sản phẩm, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng”.
Công nhân Công ty CP Sao Mai sản xuất bao bì xuất khẩu.
Những kết quả tăng trưởng khả quan là tín hiệu tích cực đối với lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh, cũng là minh chứng cho sự nỗ lực của các DN tham gia hoạt động xuất khẩu.
Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá: Với những diễn biến tích cực của thị trường nước ngoài, các DN đang tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh các hoạt động SXKD. Nhiều đơn vị đã chủ động, linh hoạt hơn trong khai thác thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Nhờ đó, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục có nhiều điểm sáng.
Được đà đi lên, các DN xuất khẩu phấn khởi và tiếp tục tranh thủ nhiều cơ hội mở rộng thêm thị trường, tìm những hướng đi mới phù hợp.
Ông Huỳnh Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt - Nhật (Khu kinh tế Vũng Áng) cho biết: “Không chỉ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gỗ trong tỉnh, chúng tôi còn nhập thêm dăm gỗ từ các tỉnh khác để xuất đi Nhật Bản. 4 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã xuất 2 tàu hàng với khối lượng 90.000 tấn dăm gỗ, trị giá 4,5 triệu USD, trong khi cả năm 2020 chỉ xuất được 4 tàu hàng. Chúng tôi đặt mục tiêu năm nay sẽ xuất 8 tàu với khoảng 300.000 tấn dăm gỗ. Nếu không có tác động đột biến thì kế hoạch này rất khả quan”.
4 tháng đầu năm nay, Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt - Nhật đã xuất 2 tàu hàng với khối lượng 90.000 tấn dăm gỗ, trị giá 4,5 triệu USD
Những tín hiệu tích cực từ đầu năm tới nay đang là “đòn bẩy” để các DN và ngành công thương nỗ lực thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD trong năm 2021, tạo đà hướng đích 2 tỷ USD vào năm 2025 theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Ông Võ Tá Nghĩa cho biết thêm, sở luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia hoạt động xuất khẩu, xuất nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị phục vụ sản xuất, hàng hóa; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường…
Về những giải pháp “dài hơi” thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ, cần ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện chính sách đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics; phát triển dịch vụ logistics trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế, khai thác hiệu quả Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương. Cùng đó là triển khai hiệu quả các chính sách phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa và khả năng đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn, đặc biệt là các nước thành viên trong Hiệp định thương mại tự do EVFTA, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); có chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình SXKD.
Theo Ngọc Hà/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã