Con đường rộng 5 m của thôn Lộng Khê |
Về An Khê hôm nay, những người con xa quê lâu ngày sẽ bất ngờ và vui mừng trước sự đổi thay của một vùng quê thuần nông với những cánh đồng lúa xanh mướt, các bãi bồi trải rộng một màu xanh non của ngô, lạc; đường giao thông nông thôn được đổ bê tông; những ngôi nhà kiên cố, cao tầng đua nhau mọc lên. Vui mừng hơn cả là sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây trong quá trình xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới, ấm no, hạnh phúc.
Trao đổi với đồng chí Lê Đắc Vụ, Chủ tịch UBND xã về tiến độ xây dựng NTM, được biết: An Khê là một trong 8 xã điểm của huyện Quỳnh Phụ. Thuận lợi của xã là trước đó đã có tới 7 tiêu chí đạt. Tuy nhiên, những tiêu chí chưa đạt lại là những tiêu chí khó khăn khi thực hiện do cần vốn, như: Hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng, trường học… Trước những khó khăn đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã họp bàn và xác định: Để xây dựng NTM, tất yếu phải có sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Chỉ có dựa vào sức dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thì mới thành công. Do đó, xã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, lấy cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu đi đầu, luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời giải quyết những khúc mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Vì vậy, mọi người dân đều coi xây dựng NTM là trách nhiệm của chính mình, không trông chờ, ỷ lại.
Sau hơn 2 năm thực hiện, diện mạo nông thôn ở An Khê đang thay da, đổi thịt từng ngày. Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí NTM; thu nhập của người dân năm 2010 đạt 15 triệu đồng/người/năm thì năm 2012 đạt trên 22 triệu đồng. Tiêu chí môi trường - một trong những tiêu chí khó đạt nhất thì An Khê cũng đã đạt nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền và người dân. Xã đã quy hoạch dành quỹ đất gần 1 ha để chôn lấp rác từ năm 2002, thành lập 3 tổ vệ sinh môi trường gồm 12 người đảm nhận công tác thu gom, vận chuyển rác thải ra khu xử lý tập trung. Hiện nay, bãi rác này đã lấp gần đầy, bằng nguồn kinh phí 850 triệu đồng hỗ trợ xây dựng NTM của tỉnh xã tiếp tục quy hoạch bãi rác rộng hơn 1 ha nằm cách đó không xa. Vì vậy, đến An Khê những ngày này, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Trên các cánh đồng, nông dân sau khi bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây trồng đều bỏ bao bì, chai lọ đúng nơi quy định. Trong khi hầu hết các xã xây dựng NTM đều lo ngại với nội dung quy hoạch nghĩa trang nhân dân nhưng ở An Khê việc này lại được thực hiện tương đối thuận lợi. Xã đã dành quỹ đất quy hoạch 3 khu cát táng, 4 khu hung tán nằm xa khu dân cư, bình quân rộng trên 6.000 m2, bảo đảm theo tiêu chí. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn, An Khê đã xây dựng trạm cấp nước sạch với tổng nguồn kinh phí 15,7 tỷ đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ 60% còn lại là nhân dân đóng góp. Đến nay, 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch, trong đó trên 50% hộ sử dụng nước máy.
Theo Chủ tịch UBND xã thì: Những khó khăn nhất hiện nay với An Khê là cơ sở vật chất văn hóa, trường học, giao thông ra đồng, bê tông hóa mương máng, hệ thống giao thông trong thôn xóm. Mặc dù đến nay, 100% các tuyến đường liên thôn, liên ngõ, đường ngách đã được bê tông hóa bằng nguồn đóng góp trong dân, mỗi khẩu từ 250.000 - 530.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ khoảng 70% các tuyến đường đạt tiêu chí rộng từ 3 - 3,5 m. Khó khăn của An Khê là do đất chật, trung bình mỗi hộ chỉ có từ 180 - 200 m2 đất ở. Do đó, các hộ tận dụng tối đa diện tích để xây dựng nhà kiên cố, ngay sát đường giao thôn. Hơn nữa, việc tuyên truyền, vận động nhân dân làm đường tại An Khê thực hiện từ năm 2002, trước khi có chủ trương xây dựng NTM. Vì vậy, việc vận động nhân dân phá bỏ những công trình nhà ở kiên cố để hiến đất mở đường rộng từ 3 - 3,5 m là một bài toán rất khó.
Năm 2013, An Khê phấn đấu hoàn thành các tiêu chí: Hộ nghèo, giao thông, thủy lợi nội đồng, các tiêu chí còn lại đạt từ 50 - 80%; phấn đấu đến năm 2015 cơ bản đạt xã nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, An Khê cần tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương gắn với quy hoạch hình thành các trang trại và tổ hợp sản xuất ở nông thôn, đào tạo gắn với chuyển đổi nghề nhằm nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.
Bài, ảnh: Minh Nguyệt
(baothaibinh.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã