Đường về Xuân Mỹ hôm nay
Giờ đang là mùa hoa lau trắng nở bung trời mùa đông Xuân Mỹ như chiếc áo lông ngỗng khổng lồ choàng lên cả thung lũng rộng lớn dưới dãy núi Mồng Gà và dọc hai bên triền nước con rào Mỹ Dương. Cùng với lau trắng và muôn loài hoa hoang, cỏ dại khác đang mang đến cho xứ sở này những tín hiệu tốt lành trước thềm xuân năm mới 2018 là những miệt vườn mẫu nông thôn mới thẳng tắp bờ hàng rào xanh cây chè mận hảo; những con đường rải nhựa và bê tông hóa, dọc ngang như ô bàn cờ vuông vắn được đan kết bởi bàn tay con người với những dải hoa ngâu, hoa ngũ sắc chiều tím... đang dệt lên cả một bức tranh vô cùng sống động về quê hương, đất nước, con người Xuân Mỹ ngày mới hôm nay.
Vậy nhưng, bất chợt một cơn gió lạnh thổi vào từ phía biển như muốn tiếp sức cho các loài hoa lá ở xứ này tha hồ nhảy nhót, mà khoe hương sắc giữa đất trời Xuân Mỹ- một trong hai địa phương điển hình đầu tiên ở huyện Nghi Xuân- Hà Tĩnh hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới từ năm 2014, và đang tiếp tục phấn đấu xây dựng xã Nông thôn kiểu mẫu vào năm 2018 lại khiến cụ Phan Khắc Thìn - một người được cắt rốn chôn rau ở làng Đồng Bảng nay đã 80 tuổi bỗng cảm thấy hoang hoải nhớ về một loài cỏ cúc dại tự thủa ấu thơ!
Không hiểu sao cây cỏ cúc chỉ xuất hiện ở xứ sở này vào những năm hạn hán, mất mùa đói kém trước đây? Đặc biệt, vào năm (Ất Dậu) 1945 khi mà cái đói đã gặm nhấm tới tận từng củ chuối và ngọn rau má cuối cùng thì cỏ cúc vẫn âm thầm lặng lẽ mọc tràn khắp gò bãi, ruộng bờ và bất kể nơi đâu ở làng quê cụ, nghĩa rằng ở đó có hơi đất là cỏ cúc cứ chui lên!
Cây cỏ cúc có chùm hoa trắng muốt như những hạt sương li ti đậu trên đầu cọng gió ru buồn nép mình giữa thân lá, thì lá có hình dạng tựa hồ rau diếp nhưng ít và chỉ to bằng đốt tay út của trẻ con, có thể ăn sống tại chỗ khi cần thiết. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn, nếu nhổ cả rễ đem luộc chấm muối trắng mà bỏ vào miệng thì ròn tan và phảng phất mùi thơm hăng hăng như cải cay. Món luộc này có thể dùng để chống đói và duy trì sự sống cho con người hết tháng này qua tháng khác, mà không sợ mắc phải các chứng bệnh khác về sau.
Cũng chẳng hiểu vì sao đã hàng chục năm lại nay cây cỏ cúc dại không còn tồn tại trên đất Xuân Mỹ và những vùng lân cận nữa? Nhưng quay lại nạn đói năm Ất Dậu, lúc đó cụ Thìn chưa đầy bảy tuổi, cụ vẫn nhớ như in cái tháng ngày đen tối đó khi nạn đói ùa về Xuân Mỹ như một cơn bão táp chết chóc! Nó dày xéo khắp cùng làng, ngõ xóm như thể sắp xóa sổ hoàn toàn quê hương bản quán của cụ ra khỏi bản đồ dân cư huyện Nghi Xuân. Vậy mà không ngoài gì khác, chính loài cỏ cúc dại đã xuất hiện đúng lúc như một vị “thuốc thánh”, cứu gia đình cụ và nhiều người khác trong làng cụ vượt qua lưỡi hái chết chóc của thần đói!
Ngay thân sinh của cụ Thìn là cố Phan Chín- người duy nhất trong gia đình có 13 người con may mắn sống sót lại sau nạn đói ấy, bởi nhờ một lần trong lúc cố đang nằm hấp hối trên miệng hố, sau khi được người ta vất cố lên xe bò cùng với xác những người đã chết đói khác kéo ra ngoài hố chôn chung. Ai hay, trước cơn cào cấu dãy chết cuối cùng cố Chín vớ phải một nắm cỏ cúc dại! Và với bản năng sinh tồn cái đôi bàn tay co quắp của cố đã biết đưa nắm cỏ vào miệng mà nhai. Không ngờ, trong chốc lát thứ “thuốc thánh” đó đã ngấm qua dạ dày và nhanh chóng truyền đến các mạch máu trong cơ thể cố, làm cố ấm dần rồi tỉnh lại. Nhờ đó, cố đã dồn hết sức bình sinh tự bò được khỏi miệng hố trở về với trần gian.
Thứ “thuốc thánh” đó không những cứu người chết đói mà còn rất hiệu nghiệm trong việc cả cứu người chết no vì bội thực. Bởi nạn đói năm 1945 chỉ xuất hiện trong một thời gian không dài thì vào vụ chiêm năm đó Xuân Mỹ được mùa to; dưới biển thì không biết sao con mu, con nục cứ sôi lên như trời cho! Được mùa lúa và mùa cá, người dân Xuân Mỹ nhanh chóng chấm dứt nạn đói. Trớ trêu thay lúc này rất nhiều người ngỡ may mắn bước qua xác con “ma đói” lại phải chết oan uổng vì con “ma no”. Trước hoàn cảnh đó, cố Phan Chín vẫn đặt niềm tin trọn vẹn vào cây cỏ cúc dại, nên hàng ngày cố cho vợ con ra đào nó về đem luộc thay rau ăn kèm với cơm, cá đều đặn. Không ngờ nhờ món cỏ cúc dại này điều tiết tiêu hóa, giúp cả nhà cố bình thản đi qua cơn “tai biến dạ dày” một cách bình yên!
Làng Đồng Bảng ngày ấy có 19 hộ gia đình thì nhà nào cũng có người chết đói và chết no. Oái oăm hơn, có tới 6 hộ gia đình bị chết sạch không còn một ai! Mãi sau này, chính quyền xã Xuân Mỹ đã thống nhất đưa 6 ngôi nhà không đó vào làm của công, nhằm chia cho những người nghèo khác trong địa phương có chỗ đến tá túc. Thế nhưng, nghe đâu không một ai đến có thể chớp mắt ngủ lại được trong những ngôi nhà ấy bất cứ một đêm nào! Vì rằng, mỗi khi họ cứ chợp mắt lại là bỗng nhìn thấy những con ma đói hiện về khóc gào ai oán cùng với bao cảnh tưởng hết sức hãi hùng!
Có lần nhà nghiên cứu dân gian Trần Huy Tảo từng cung cấp cho tôi một thông tin khiến tôi rùng mình đến sởn cả gai ốc! Rằng, xã Xuân Mỹ năm 1945 có tên làng Phan Xá là địa phương có tỷ lệ người chết đói vào diện cao nhất nước. Ban đầu tôi không thể tin đó là sự thật, bởi Xuân Mỹ là một trong hai xã đầu tiên ở huyện Nghi Xuân đã cán đích nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo chỉ nằm ở mức thấp dưới 5%; trụ sở làm việc của xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóathôn và các khu dân cư, đường sá giao thông… rất khang trang đẹp đẽ.
Cụ Phan Khắc Lịch (phải)
Hơn thế nữa Xuân Mỹ còn là vùng đất hội tụ nhiều thế mạnh của rừng núi và vùng đồng bằng ven biển, với diện tích rộng tới gần 1.200 ha, trong đó có hơn 600 ha đất sản xuất nông nghiệp; là xã có quy mô dân số ổn định với 1.093 hộ dân, 3.830 nhân khẩu; có các tuyến giao thông quan trọng đi qua….Hiện tại, Xuân Mỹ đã phát triển được trên 40 mô hình sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Hơn ai hết cụ Phan Khắc Thìn là một thương binh từng chinh chiến nhiều năm trong chiến trường. Và đặc biệt, thủa nhỏ cụ từng trải qua nạn đói “thế kỷ”. Vì thế, hơn ai hết cụ hiểu thế nào là giá trị của phong trào xây dựng nông thôn mới ở quê hương cụ. Chính cụ là một trong những công dân của xã Xuân Mỹ đi đầu trong việc kêu gọi con cháu quyên góp ủng hộ tiền của, vật chất cũng như ngày công, đồng thời sẵn sàng hiến đất và tài sản trên đất để làm giao thông đường làng, ngõ xóm và các công trình phúc lợi công cộng khác… góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ở Xuân Mỹ tạo nên những bước đột phá mạnh mẽ, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt làng quê!
Và cũng nhờ có phong trào nông thôn mới gia đình cụ mới có cuộc sống ngày càng hoàn mãn hơn về vật chất lẫn tinh thần. Ngay như con trai của cụ là anh Phan Đình Phúc trước đây bươn chải làm ăn khắp nơi mà vẫn không tìm ra lối thoát, khó khăn vất vả cứ đè lên vất vả khó khăn. Vậy mà những năm gần đây, nhờ được hưởng lợi từ những chính sách của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, anh Phúc đã mạnh dạn đầu tư mua sắm xe ô tô tải, tổ chức làm ăn theo hình thức liên kết nên thu nhập khá và ổn định.
Qua cụ Phan Khắc Thìn, ta càng hiểu được vì sao diện mạo quê hương cụ lại khởi sắc mạnh mẽ đến ngỡ ngàng so với chưa đầy 10 năm trước đây chứ chưa nói đến cái thủa bần hàn đói rét năm nào! Bởi, từ cán bộ cho tới từng người dân nơi đây đều thấm nhuần được phong trào xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng về kinh tế xã hội… không phải từ đâu đến mà do dân làm chủ và trực tiếp hưởng lợi từ chính việc làm của mình. Và muốn xây dựng nôn thôn mới có hiệu quả trước hết phải có con người mới. Con người mới ở đây không phải tuổi tác, vị trí xã hội mà là ý thức mới, cách nhìn mới, và việc làm cụ thể mới.
Với vai trò như một “mạnh thường quân” ở địa phương. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng cụ Phan Khắc Thìn vẫn dành hết tâm huyết cho sự nghiệp nông thôn mới ở quê nhà. Dù cuộc sống bây giờ đã đổi thay quá nhiều, song trước cơn gió lạnh duềnh lên từ phía biển, cụ lại nhớ về loài cỏ cúc dại một thời từng mọc tràn dưới vạt đất cụ đang đứng đó mà bồi hồi! Vào những tháng ngày đen tối ấy, cụ còn quá nhỏ nhưng đã phải chống chọi với cảnh đói khát cùng đường!
Cụ Thìn có một người anh ruột bị chết đầy oan uổng trước khi thân sinh cụ chưa kịp phát hiện ra được “cây thuốc thánh” cỏ cúc dại bên mép hố chôn người. Một người anh ruột khác của cụ lúc đó đã lớn tuổi là cụ Phan Điền vừa mất chưa đầy ba tháng, trước khi qua đời cụ Điền cũng kịp nhắc lại cho cụ những lần đi bộ sang bên kia cầu Bến Thủy ăn cơm phát tại sở Van – Te của người Nhật, có người làng đi cùng cụ cầm nắm cơm lên chưa kịp ăn đã gục chết, còn cụ Điền thì mỗi lần đi ăn ăn cơm phát như thế cố nài nỉ xin một vài nắm cơm mang về cho đứa em trai nhưng người ta vẫn lạnh lùng tuyệt nhiên không cho.
Sau này cụ Điền bỏ làng ra Quỳnh Lưu đi làm nghề ở đậy để nuôi thân. Khi nạn đói tạm lắng xuống cụ Điền lại quay trở về quê nhìn thấy người em ruột của mình bụng ỏng, đít eo may mắn còn sống sót mà không cầm nổi nước mắt! Giờ thì cụ Thìn đang sống quây quần bên con cháu trên chính mảnh đất hương hỏa của tổ tiên từ bao đời để lại, nên trước khi trở về nơi ngàn lau chín suối cụ Điền cảm thấy vô cùng thanh thản, không còn gì để ân hận với đứa em ruột yêu quý của mình nữa!
Về Xuân Mỹ vào một ngày đông nắng muộn, nhưng vừa đủ để các loài hoa lá cỏ cây bừng lên sắc tươi, tôi may mắn được gặp cụ Phan Khắc Thìn- người đã đi dọc suốt cuộc đời mình trên vùng đất đầy khổ đau và hạnh phúc này. Có lẽ nạn đói thủa ấy, nhiều lúc cái dạ dày của cụ chỉ trông có được một bữa rau má hay củ chuối nấu lẫn với cám bột là đã quý lắm rồi! Thế nhưng, nếu không có cây cỏ cúc dại thì làm sao tôi lại có cơ duyên được chia sẻ buồn vui với cụ bây giờ!
Ngước lên dãy Mồng Gà và con rào Mỹ Dương ngập tràn lau trắng cùng những loài hoa hoang cỏ dại, thả hồn theo những lối bờ rào xanh và các loài hoa ngâu, hoa ngũ sắc chiều tím dọc hai bên đường làng ngập tràn niềm vui. Linh cảm mách bảo với tôi giờ này cụ Thìn đang da diết nhớ quá đi thôi về một loài cỏ dại!
Dẫu sao tôi cũng chỉ biết an ủi với cụ rằng, cây cỏ cúc dại ngày ấy đã làm trọn bổn phận của nó để trở về trời, nhường chỗ lại cho bao loài hoa trái khác làm nên một vùng đất Xuân Mỹ nổi tiếng trên bản đồ nông thôn mới của đất nước hôm nay.
Theo Báo Dân sinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã