Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định về cơ chế khuyến khích thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn (giai đoạn 2011 - 2015). Thị xã Điện Bàn (lúc đó là huyện Điện Bàn) đã nhanh chóng chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng phương án DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp.
Nhờ làm tốt dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương ở Điện Bàn đã có những cánh đồng sản xuất lúa giống cho giá trị gấp 2 lần so với lúa thường. Ảnh: Đoàn Hồng
Sau khi có chủ trương, các địa phương trên địa bàn đã nhanh chóng thành lập đề án và triển khai nhiều giải pháp thực hiện như huy động cả hệ thống chính trị các cấp cùng vào cuộc, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Nhờ đó việc chỉnh trang, sắp xếp đồng ruộng và DĐĐT đã được triển khai nhanh chóng. “Chỉ trong thời gian ngắn, địa phương đã hoàn thành quy hoạch hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, giúp bà con thuận lợi trong áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế” - ông Dũng chia sẻ.
Theo UBND thị xã Điện Bàn, địa phương đang tiếp tục DĐĐT trên diện tích 3.560ha, với kinh phí thực hiện khoảng 1.500 tỷ đồng, kết hợp với việc chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng cánh đồng lớn nhằm tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. |
Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, công tác triển khai DĐĐT của địa phương ban đầu gặp không ít khó khăn, lúng túng, song nhờ sự quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân nên đến nay, toàn thị xã Điện Bàn đã có 6 địa phương thực hiện xong DĐĐT (gồm các xã Điện Phước, Điện Quang, Điện Minh, Điện Thọ, Điện Hồng và phường Điện An), với diện tích thực hiện gần 400ha, tổng kinh phí hỗ trợ lên đến gần 2,7 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành công tác DĐĐT, các địa phương đã bắt tay ngay vào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, trong đó Điện Phước là một trong những xã đi đầu. “Ngay khi có chủ trương, Điện Phước đã nhanh chóng lập phương án DĐĐT trên diện tích gần 157ha. Từ một xã có diện tích đất sản xuất khá manh mún (bình quân 6,3 thửa/hộ và gần 500m2/thửa), đến nay đã đạt bình quân 2,2 thửa/hộ và diện tích gần 1.300m2/thửa. Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được nhiều cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu sản xuất lúa hiệu quả” - ông Trần Văn Định - Chủ tịch UBND xã Điện Phước cho hay.
Thu nhập cao gấp đôi
Theo ông Định, thực tế mấy năm nay, nhờ thực hiện tốt công tác DĐĐT gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn mà thu nhập của người nông dân đã được cải thiện rõ rệt, bà con rất phấn khởi. Đến nay, xã Điện Phước đã xây dựng được gần 300ha lúa giống, lúa chất lượng, trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Nam về sản xuất lúa giống với giá trị thu nhập bình quân đạt 95 - 100 triệu đồng/ha/năm, cao gấp đôi so với sản xuất lúa thường. Nhờ đó, đời sống của nông dân thay đổi đáng kể, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu…
Ông Thái Đình Trúc - Trưởng thôn La Hòa (Điện Phước) chia sẻ, trước đây hơn 66ha đất nông nghiệp của thôn rất khó canh tác vì có nơi cao quá, nơi lại thấp quá, không đưa được máy móc vào sản xuất. Từ năm 2012, thôn đã tổ chức DĐĐT và đến nay đã xây dựng được cánh đồng mẫu 65ha, rất thuận lợi cho việc sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, máy cày, máy gặt chạy trên đồng ruộng dễ dàng. Đặc biệt, nhờ triển khai cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa giống, lúa chất lượng mà giá trị thu nhập của nông dân đạt trên 100 triệu đồng/ha, gấp 2 lần so với sản xuất ruộng nhỏ bằng lúa thường.
Theo Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã