Đầu tư dàn trải
Với 432.788 tỷ đồng, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 2006 - 2011 bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân, cải thiện diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thiếu so với nhu cầu. Trong khi đó, việc đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả đồng vốn chưa cao và cơ cấu đầu tư chưa hợp lý đã dẫn đến việc đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.Còn có sự chưa hợp lý giữa đầu tư cho cơ sở hạ tầng với đầu tư cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển đào tạo nguồn nhân lực, chế biến bảo quản sau thu hoạch, khoa học - công nghệ và kỹ thuật. Trong 5 năm, đầu tư cho thủy lợi đã chiếm tới 80% tổng vốn thực hiện các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Cơ cấu đầu tư công trực tiếp cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân cả nước đạt 35,48% trên tổng vốn đầu tư. Cá biệt theo báo cáo của các tỉnh, thành, có tỉnh tỷ lệ này dưới 10%. Điều này lý giải tại sao chưa có bước chuyển mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang), chính vì đầu tư khoa học - kỹ thuật chưa tương xứng nên ở nước ta trong sản xuất nông nghiệp tổn thất sau thu hoạch rất lớn. Ở vùng miền núi phía Bắc tổn thất sau thu hoạch với cây ngô đến 35%, cây đỗ tương trên 50% và ở đồng bằng sông Cửu Long tổn thất sau thu hoạch cây lúa 15%.
Đây là sự lãng phí lớn không những làm tụt năng suất mà làm giảm thu nhập của nông dân. Trong khi đầu tư vào hạ tầng, cụ thể là các công trình thủy lợi, phần lớn nguồn tiền chỉ tập trung vào xây mới các công trình chưa chú trọng đến nâng cấp đồng bộ hóa hệ thống. Chính việc đầu tư còn dàn trải, kéo dài chất lượng một số công trình hạ tầng cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Bên cạnh đó thiếu vắng những chính sách mang tính đột phá cho sự phát triển như chính sách khoa học - công nghệ thúc đẩy thị trường chế biến nông sản để tăng hiệu quả và tính cạnh tranh. Điều này đã dẫn đến chỗ sự phát triển nông nghiệp giai đoạn vừa qua mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng chưa thực sự vững chắc, tính cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, chưa có chính sách để thu hút đầu tư mạnh vào nông nghiệp, một số chính sách còn mang tính dàn đều, thiếu thực tế tạo sự chuyển biến về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Có lẽ bởi vậy nên nguồn vốn ODA, nguồn FDI đầu tư vào nông nghiệp nông thôn còn thấp. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1,63% trên tổng vốn đầu tư và có xu hướng giảm. Vốn ODA đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 14,25% trên tổng vốn của toàn giai đoạn 2006 - 2011.
Tái cơ cấu để thu hút đầu tư
Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, để nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trước hết phải nâng cao chất lượng lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, phải có chính sách cân đối, phân bổ vốn theo định hướng khung kế hoạch hoặc kế hoạch 3-5 năm và giao quyền chủ động cho địa phương. Bên cạnh đó, cần một số cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như chính sách tín dụng và thuế, phát triển thị trường, khoa học - công nghệ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, trong tái cấu trúc đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng luồng vốn cho đầu tư trực tiếp phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, nhất là ưu tiên đầu tư, nâng cao năng lực, hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, nhằm tạo ra những đột phá mới về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Trong chuyển dịch cơ cấu đầu tư cần quan tâm cơ giới hóa, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giảm thất thoát và gia tăng giá trị của sản phẩm. Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa gắn với việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, cây công nghiệp, hạ tầng thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản tập trung, nhất là những vùng trọng điểm. Bên cạnh nguồn đầu tư công, cần có giải pháp, cơ chế để tăng vốn ODA và thu hút vốn FDI vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, xây dựng nông thôn mới đang mở ra cơ hội cho nhiều địa phương quy hoạch, thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Với tính chất và tầm quan trọng của nó, cần ưu tiên tăng nguồn vốn đầu tư cho chương trình này. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chọn sản phẩm chủ lực, mô hình kinh tế và đã phát huy tác dụng và chăm lo cho nông dân. Sau khi chọn sản phẩm chủ lực của địa phương, của vùng, của tỉnh thì cần tập trung đầu tư giống, công nghệ, chế biến, lo đầu ra cho sản phẩm. Từng bước như vậy gắn với công nghiệp, là một yếu tố tạo chủ động dưới cơ sở lồng ghép các nguồn lực. Những chương trình mục tiêu sẽ là động lực rất lớn để phát huy nguồn lực dưới cơ sở như giao thông nông thôn.
Cùng với việc tái cơ cấu nền kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần tạo được bước chuyển mạnh mẽ trong thu hút nguồn lực đầu tư. Tăng đầu tư và đầu tư có hiệu quả cho nông nghiệp là giải pháp quan trọng thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, là tiền đề bảo đảm chuyển đổi thành mô hình tăng trưởng hiệu quả và bền vững
Theo Tamnhin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã