Nguồn lực lớn cho những vùng khó khăn
Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất các xã đặc biệt khó khăn, ngoài đối tượng là các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, từ năm 2005 đến nay, Hà Tĩnh được bổ sung thêm các xã vùng bãi ngang khó khăn theo Quyết định 106 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn lực mới này đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 206 công trình lớn nhỏ với kinh phí 201 tỷ đồng và hơn 296 ngàn người ở 32 xã đặc biệt khó khăn.
Bức tranh nông thôn có nhiều khởi sắc nhưng vẫn bảo tồn được những nét đẹp văn hóa làng quê. Ảnh: Bá Tân |
Quyết định số 615/QĐ-TTg của Chính phủ về hỗ trợ các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao đã đến với 2 huyện khó khăn Hương Khê và Vũ Quang với số vốn được phân bổ 116,3 tỷ đồng. Từ các chương trình hỗ trợ cụ thể: phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, GD-ĐT, huyện Vũ Quang đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 45,85% (năm 2011) xuống còn 22,3% (năm 2012) và Hương Khê giảm từ 44% (năm 2011) xuống còn 18,68% (năm 2012).
Chính sách cho hộ nghèo và mới đây là hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập, vay làm nhà ở... được triển khai có hiệu quả thông qua kênh vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực sự mang đến những cơ hội mới cho người dân nghèo. 5 năm qua, đã có trên 234 ngàn lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất với số tiền 1.774 tỷ đồng; 44.810 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 10.116 hộ vay vốn làm nhà ở. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở; trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo... với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng đã góp phần san sẻ khó khăn, hỗ trợ người nghèo vượt qua những thời điểm thách thức nhất.
Cùng với ưu tiên, bố trí nguồn lực lớn cho các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, Hà Tĩnh đã trở thành điểm sáng cả nước trong việc huy động nguồn vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) với những dự án, hướng đi thoát nghèo bền vững cho người dân ở những địa phương nghèo. 5 năm qua, các dự án của IFAD (Quỹ Nông nghiệp quốc tế) và dự án của các tổ chức phi chính phủ khác đã đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường lao động, tập huấn nâng cao năng lực cho người nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 850 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chương trình an sinh xã hội do các doanh nghiệp lớn, nhỏ đầu tư cho các xã nghèo những năm qua cũng đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho người nghèo Hà Tĩnh.
Môi trường rộng cho những khát vọng vươn lên
Để nâng cao đời sống nhân dân, Hà Tĩnh không chỉ tập trung cho việc làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn mà còn mở con đường rộng để người dân tự chủ tìm cơ hội vươn lên. Đó là con đường về hướng đi mới cho nền kinh tế tỉnh nhà, không chỉ đi lên bằng nền nông nghiệp hàng hóa mà còn bứt phá mạnh mẽ bằng phát triển công nghiệp, TM-DV. Hai khu kinh tế trọng điểm quốc gia: Vũng Áng và Cầu Treo đang trên đà phát triển, trong đó, Khu kinh tế Vũng Áng đang vươn mình với tầm vóc của một trung tâm công nghiệp nặng không chỉ của quốc gia mà cả khu vực Đông Nam Á. Gắn với đó là một thị trường lao động rộng lớn, mở ra cơ hội việc làm cho hàng vạn con em Hà Tĩnh trong tương lai không xa. Gắn với đó là sự phát triển mạnh mẽ của TM-DV hậu cần, tạo thị trường lớn và bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tỉnh nhà.
Cơ sở chế biến nước mắm Thu Thủy - Tam Hải, Kỳ Ninh (Kỳ Anh) tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động. Ảnh: Sỹ Ngọ |
Trọng tâm của nỗ lực nâng cao đời sống nhân dân phải nói đến những kết quả đầy ấn tượng mà Hà Tĩnh đã đạt được trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chương trình được sự chỉ đạo toàn diện, tập trung và đầy tâm huyết của cấp ủy, chính quyền tỉnh, từ đó thu hút sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và lan tỏa đến mỗi người dân.
Qua 3 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM đã huy động được hơn 23 ngàn tỷ đồng từ Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân để thực hiện toàn diện các tiêu chí NTM ở các địa phương trong toàn tỉnh. Đặc biệt, chương trình ưu tiên nguồn lực lớn và sự chỉ đạo trọng tâm đối với việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã dành ngày thứ bảy hàng tuần cho các xã, bền bỉ chia sẻ, chỉ đạo, hướng cấp ủy, chính quyền cơ sở và mỗi người dân tới mục tiêu phát triển sản xuất với các mô hình kinh tế gia đình, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp.
Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, hỗ trợ lãi suất cho phát triển sản xuất được UBND tỉnh ban hành nhiều năm nay đã đưa hàng trăm tỷ đồng vốn hỗ trợ đến với người dân, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên bằng các mô hình kinh tế hiệu quả. Tập trung cao cho việc thực hiện phát triển sản xuất, tỉnh đặt quyết tâm đưa thu nhập bình quân của người nông dân Hà Tĩnh lên mức cao hơn yêu cầu của tiêu chí thu nhập 17 triệu đồng/năm mà chương trình xây dựng NTM đề ra.
Cũng trong lộ trình xây dựng NTM đầy bền bỉ, quyết tâm trong từng bước đi, đời sống văn hóa, xã hội, tinh thần của người dân đã được quan tâm đến tận gốc rễ, được xây dựng từ mỗi thôn xóm, gia đình. Đó là nét văn minh, văn hóa trong mỗi nếp nhà, những khu dân cư kiểu mẫu chan hòa tình đoàn kết, khang trang về hạ tầng mà vẫn giữ cốt cách văn hóa truyền thống của dân tộc, là những thư viện điện tử với cách tiếp cận tri thức mới, những nhà văn hóa, sân luyện tập thể thao ở từng thôn xóm; những gia đình, dòng họ khuyến học nuôi dưỡng ước mơ của con em... Cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần phát triển KT-XH tỉnh nhà.
NGỌC HÀ
theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã