Những doanh nghiệp tiên phong
Từ thực tế xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong thời gian qua cho thấy, để tăng giá trị lao động, giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn rất cần bàn tay của doanh nghiệp. Vấn đề cốt lõi ở chỗ là cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân như thế nào?
Theo báo cáo của 11 xã thực hiện thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới của Trung ương trong hơn 3 năm qua cho thấy, nơi nào thu hút được doanh nghiệp về thì nơi đó kinh tế phát triển nhanh, thu nhập của người dân được nâng cao. Tại xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư tại địa phương, xây dựng vùng sản xuất rau quả nguyên liệu, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tại xã Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đầu tư vùng sản xuất nguyện liệu thuốc lá, hợp đồng thu mua sản phẩm cho nông dân, xây dựng mối liên kết doanh nghiệp - nông dân trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, xã tạo dựng được vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đưa nhà máy may về nông thôn góp phần giải quyết hàng trăm lao động tại chỗ (Ảnh: HH) |
Với những địa phương có lợi thế phát triển các khu công nghiệp, đưa doanh nghiệp về đầu tư xây dựng khu công nghiệp, phát triển ngành nghề công nghiệp như: May mặc, chế biến, gia công sản xuất... cũng là hướng phát triển vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Tại xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, (Nam Định), Công ty cổ phần đầu tư Hải Ðường cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp, tạo việc làm cho 500 lao động tại địa phương và các vùng lân cận.
Theo thống kê, tại Nam Định đã có hơn 50 doanh nghiệp dệt may trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư xây dựng nhà xưởng, gắn bó lâu dài với địa bàn nông thôn. Doanh nghiệp nhỏ cũng thu hút từ 300 đến 500 lao động, còn phát triển quy mô lớn như Công ty cổ phần may Sông Hồng đang tạo việc làm cho gần 2.000 lao động nông thôn huyện Xuân Trường. Trong năm 2012, Công ty này sẽ đưa vào hoạt động khu sản xuất mới tại cụm công nghiệp xã Hải Phương (Hải Hậu) dự kiến thu hút thêm 2.000 lao động nông thôn nữa.
Giải thích vì sao lại đầu tư về địa bàn nông thôn, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Đưa nhà máy về nông thôn có nhiều lợi thế cho người lao động, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ có con nhỏ. Họ không phải chi trả các khoản chi phí như thuê nhà, thuê trông con, các khoản dịch vụ khác của thành phố, chi phí đi lại... Những khoản chi đó khiến cho các lao động khi lên thành phố không có nhiều tích lũy, thậm chí không có tích lũy. Do vậy, nếu đưa nhà máy về nông thôn với mức thu nhập tương tự thì chắc chắn các lao động sẽ trở về làm việc tại các nhà máy gần nhà, bước đầu giải quyết được bài toán thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn và sẽ giải quyết được bài toán “ly nông không ly hương” của lao động nông thôn.
Ðối với các địa phương có cơ sở công nghiệp dệt may đứng chân, chắc chắn sẽ giải quyết triệt để việc làm cho lao động nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương và đồng thời thay đổi diện mạo cả một vùng quê. Suy cho cùng, người dân nông thôn được hưởng lợi nhiều nhất vì được làm gần nhà, có thêm thu nhập và cái được lớn hơn là không thiếu thốn tình cảm gia đình. Với đặc điểm là cần nhiều lao động, nhất là lao động nữ, nên chủ trương đưa các nhà máy may về vùng nông thôn đã được Tập đoàn Dệt may triển khai bước đầu có hiệu quả trong những năm qua và tiếp tục xây dựng trong những năm tiếp theo.
Vẫn còn nhiều vấn đề bất cập
Tuy nhiên, mục tiêu hướng về nông thôn, nông dân của các doanh nghiệp đôi khi cũng gặp phải những rào cản đáng kể khiến cho một số doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà, thậm chí còn phải tìm phương án khác.
Với mục đích hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua vốn mua phân đạm, đầu năm 2011, Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCoo) đã áp dụng giá bán đạm Phú Mỹ thấp hơn giá thị trường từ 10-15%. Tuy nhiên, trên thực tế, mục đích này lại không được như ý muốn khi người nông dân không được hưởng lợi từ mức giá này. Theo khảo sát tại các điểm bán lẻ, giá bán đạm Phú Mỹ bị nâng lên gần bằng hoặc bằng mức giá bán các loại đạm khác, do đó, phần lợi nhuận rơi vào túi của các khâu trung gian. Hơn nữa, do có sự chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới, nên các doanh nghiệp kinh doanh phân bón khó triển khai nhập khẩu, dẫn đến tình trạng thiếu hàng, đầu cơ hàng, trong khi đến 50% lượng phân đạm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trước tình hình đó, bắt đầu từ quý II-2011, PVFCCo đã triển khai áp dụng chính sách bán Đạm Phú Mỹ theo sát với giá thị trường, đăng ký và công bố giá rộng rãi, tăng giá có lộ trình nhằm tránh việc gây sốt giá, đầu cơ, tích trữ tại các đại lý trung gian và kích thích các doanh nghiệp khác nhập khẩu hàng bổ sung nguồn cung cho thị trường. Ngược lại, Tổng Công ty sẽ trích lợi nhuận để làm các công tác xã hội và hỗ trợ nông dân theo các cách khác.
Về đầu tư vốn cho nông nghiệp, trên thực tế, khoảng một năm gần đây, nhiều ngân hàng như: Techcombank, VIB, SHB... đã tiên phong cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, các ngân hàng này mới dừng ở việc cung cấp các gói dịch vụ tài trợ cho xuất khẩu cà phê, thức ăn chăn nuôi, lương thực, thực phẩm. Đó mới chỉ là hỗ trợ vốn cho “đầu ra” của sản phẩm, còn chưa có những sản phẩm tín dụng chuyên biệt dành cho người dân trồng cà phê, chè hay chăn nuôi. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), điều băn khoăn của các tổ chức tín dụng khi cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là món vay nhỏ, chi phí cao nhưng mức độ rủi ro lại khó lường. Rủi ro mà khu vực này gặp phải thường là thiên tai, dịch bệnh. Nếu Nhà nước có những chính sách hỗ trợ tốt hơn sẽ thu hút thêm nhiều tổ chức tín dụng đưa vốn về nông thôn.
Khẳng định những mặt tích cực khi đưa các nhà máy may về nông thôn, xong ông Lê Tiến Trường cũng băn khoăn khi còn những rào cản đáng kể khiến các doanh nghiệp e ngại. Thứ nhất, chính sách cấp đất cho công nghiệp nhìn chung chưa rõ. Nhiều khu công nghiệp vẫn còn đất trống nhưng giá thuê đất quá cao, lại tập trung ngay ở thành phố, thị xã cho nên lao động không dồi dào như nhu cầu của ngành dùng nhiều lao động như dệt may. Thứ hai, nhận thức của nhiều địa phương về quy hoạch chiến lược phát triển công nghiệp không rõ ràng. Gần như ở đâu cũng ưu chuộng công nghệ cao, siêu thị, nhà máy điện, xi măng, bất động sản... Trong khi thực tế không thu hút được vì dòng vốn hạn chế. Trong khi lại không mấy mặn mà với ngành công nghiệp nhẹ dùng nhiều lao động như dệt may. Thứ ba, lãnh đạo tỉnh nhiều khi quan tâm nhiều đến thu ngân sách hơn là thu nhập về cho người dân của tỉnh.Thứ tư, tuy lao động vùng nông thôn dồi dào nhưng ý thức công nghiệp chưa cao, mất nhiều thời gian đào tạo và tuyên truyền vận động. Hơn nữa, sự gắn kết giữa lao động nông thôn với các doanh nghiệp cũng chưa được mặn mà. Vấn đề nữa là hạ tầng: Đường giao thông, vấn đề điện nước, điện thoại, đường truyền Internet ... vùng nông thôn còn yếu, cho nên đưa doanh nghiệp về nông thôn thì chi phí vận chuyển tăng cao. Một số các nhà máy sau khi chuyển đi về vùng nông thôn, khách hàng chán nản vì khó khăn trong việc đi lại cử người về nhà máy kiểm tra hàng, cũng như thông tin liên lạc không thông suốt.
Có thể nói, đưa doanh nghiệp về với nông thôn là “chìa khóa” để giải quyết nhiều tiêu chí kinh tế của nông thôn trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho nông thôn còn hạn chế. Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp về địa bàn này, từng địa phương cần có những cơ chế, chính sách cụ thể về đất đai, nguồn lực, vốn đầu tư... Bên cạnh đó, việc giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ với thị trường lớn và mâu thuẫn giữa hiệu quả thấp với rủi ro cao cần được nhanh chóng xử lý. Đó là cách tốt nhất để huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới và là cầu nối nông dân - doanh nghiệp - thị trường. Mặt khác, đưa doanh nghiệp về nông thôn cũng tạo cơ hội và môi trường tốt để nông dân thích nghi với lối tư duy công nghiệp. Có như vậy, kinh tế nông nghiệp mới phát triển, đời sống nông dân được cải thiện và lộ trình xây dựng nông thôn mới mới rộng mở theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Theo cpv.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã