Đến nay, thành phố Hà Nội có bốn huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), gồm Ðan Phượng, Ðông Anh, Thanh Trì và Hoài Ðức. Các huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất và Quốc Oai đang phấn đấu đạt huyện NTM trong năm nay. 255 xã, chiếm 66% số xã, đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM và Hội đồng thẩm định thành phố vừa công nhận thêm 39 xã đạt chuẩn năm 2017, trình Chủ tịch UBND thành phố công nhận. Trong số 92 xã còn lại, có 53 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 39 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Sản xuất nông nghiệp phát triển, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực và đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có hiệu quả kinh tế cao như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, với giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống từ 25 đến 30%; vùng sản xuất rau an toàn giá trị đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả giá trị từ 500 triệu đến một tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh giá trị từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Toàn thành phố đã xây dựng được 120 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 95 mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Ðời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến cuối năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm. Trong đó người dân một số huyện có thu nhập cao như Thạch Thất đạt 52 triệu đồng/người/năm, Ðông Anh đạt 47 triệu đồng/người/năm, Hoài Ðức 42,5 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm 41 triệu đồng/người/năm... Nhiều huyện như Ðan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên thực hiện hiệu quả mô hình đường có hoa, nhà có số, phố có tên, góp phần tạo diện mạo mới cho nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, thành phố ưu tiên dành nguồn kinh phí hơn 25 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng ba tháng đầu năm nay hơn 7.800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình số 02. Ngoài ra, các doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp gần 2.250 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ thừa nhận, công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế. Năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả chưa cao; việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thu hút được các hộ dân, các doanh nghiệp đầu tư. Ðầu ra các sản phẩm nông sản chưa ổn định, giá cả bấp bênh. Nguồn lực đầu tư chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước; công tác đấu giá đất ở một số địa phương còn gặp khó khăn. Hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nông thôn giữa các địa phương chưa đồng đều và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường còn hạn chế. Ðời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định. Việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi, đất chuyển mục đích sử dụng còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Ðể khắc phục hạn chế nêu trên, đại diện các địa phương đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng tâm, huyện tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và thực hiện cuộc vận động ba sạch, gồm nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Tại các buổi sinh hoạt cộng đồng tổ chức ở 180 khu dân cư vừa qua, với phương châm xây dựng NTM thực chất, bền vững, theo phương châm dân biết, dân bàn và dân thụ hưởng, huyện tập trung tuyên truyền, làm rõ hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để người dân biết được cách thức chuyển đổi và mong muốn chuyển đổi. Năm nay, huyện ưu tiên dành gần 20 tỷ đồng, tăng gấp năm lần so với năm 2017, để phát triển sản xuất nông nghiệp. Mỗi xã xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để huyện hỗ trợ xây dựng mô hình có tính lan tỏa trong thời gian tới. Ðại diện Ban Chỉ đạo huyện Thạch Thất cũng cho biết, năm 2017, huyện có thêm sáu xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã về đích lên 21 trên tổng số 22 xã. Còn tiêu chí nhà văn hóa thể thao và trường học chưa đạt chuẩn, huyện phấn đấu hoàn thành trong năm nay.
Mới đây, phát biểu tại hội nghị giao ban quý I của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chỉ đạo các địa phương cần tổ chức sơ kết bảo đảm thực chất, tránh hình thức, đánh giá kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình giữa nhiệm kỳ, trên cơ sở đó xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai trong những năm tiếp theo. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền xây dựng NTM, phấn đấu có thêm bốn huyện về đích; duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các địa phương đạt chuẩn.
Theo Nhân dân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã