Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Làm thật, phản ánh thật
Hà Tĩnh đã trở thành địa phương được nhắc đến nhiều nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ vào con đường từng là niềm mơ ước trong nhiều năm của hơn 200 hộ dân thôn Trung Phú, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, anh Nguyễn Quang Thắng khẳng định: Nông thôn mới đã tạo ra sức lực và tiền của, điều mà trước đây người dân thôn Trung Phú không nghĩ có thể làm được. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi như Trung Phú, bởi vì từ đây người dân có thể tự tạo cho mình việc làm, đổi mới cách làm ăn, góp phần nâng cao thu nhập của chính bản thân cũng như gia đình mình. Vườn cam cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm của gia đình anh Thắng cũng chính là thành quả mà nông thôn mới đem lại.
Từ một xã miền núi vừa thoát khỏi diện 135, Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên đã quyết tâm vươn lên xây dựng nông thôn mới. Mặc dù xuất phát điểm thấp hơn so với nhiều địa phương khác trong huyện nhưng với ý chí, nỗ lực của chính quyền cùng toàn thể cộng đồng và người dân, xã Cẩm Minh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí đề ra.
Ông Trần Văn Khiên, chủ tịch UBND xã Cẩm Minh cho rằng, xã đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với một quyết tâm rất cao, nhờ có sự đồng lòng, hỗ trợ của bà con mà Cẩm Minh đã từng bước hoàn thiện các tiêu chí. Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, một trong những tiêu chí quan trọng mà Hà Tĩnh đề ra cho các địa phương là nâng cao đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.Với định hướng này nên khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Cẩm Minh luôn nhận được sự đồng hành của cộng đồng và người dân.
“Cho đến nay, việc xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào máu thịt của nhiều cán bộ và người dân, có những vùng quê như “lột xác”, thay đổi một cách diệu kỳ. Chính quan điểm chỉ đạo làm thật, công nhận thật với sự thẩm định khách quan, chính xác của các đơn vị cùng sự giám sát, bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn chặt chẽ, thận trọng, công tâm của các thành viên Ban chỉ đạo đã giúp phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững”, ông Khiên cho hay.
Đánh giá thành tích bằng thang điểm
Với những cách làm sáng tạo, đột phá, sau 7 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay Hà Tĩnh đã có 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50% tổng số xã trên toàn tỉnh, đặc biệt không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Xây dựng nông thôn mới phải bắt nguồn từ chính gia đình rồi mới đến cộng đồng dân cư, thôn, xóm. Đây chính là bí quyết thành công để tạo ra diện mạo nông thôn mới hoàn chỉnh của Hà Tĩnh ngày hôm nay.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, khi triển khai thực hiện, tỉnh có trách nhiệm định hướng, huyện đôn đốc, xã thực hiện. Song song với công tác lãnh đạo, chỉ đạo là việc ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách bảo đảm vai trò dẫn dắt, kích hoạt, tạo động lực mạnh mẽ cho cả người dân và doanh nghiệp. Chưa bao giờ người dân Hà Tĩnh lại có được cơ hội lớn về chính sách kích cầu đồng bộ như hiện nay. Từ hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ lãi suất cho đến việc quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cùng vào cuộc để đưa các chính sách đến tận người dân.
Ngoài 19 tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đã sáng tạo thêm tiêu chí thứ 20, đó là “khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu”. Theo đó, mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có ít nhất một khu dân cư kiểu mẫu. Tất cả các thôn còn lại phải đạt tối thiểu 50%, mỗi xã để đạt nông thôn mới kiểu mẫu phải có 100% thôn đạt kiểu mẫu. Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí nông thôn mới, là mẫu hình chuẩn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp làng quê Việt. Đặc biệt, sau quá trình xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, tình làng nghĩa xóm được gắn bó bền chặt hơn, ý thức của mỗi người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, nhiều khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đã trở thành điểm du lịch về miền quê nông thôn mới, cũng là điểm đến tham quan học tập kinh nghiệm của các địa phương.
“Một trong những bước đột phá khi xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh đó là xây dựng mô hình du lịch nông thôn mới. Khi tham gia các tour, tuyến du lịch chiêm ngưỡng, trải nghiệm làng quê nông thôn mới, du khách được tìm hiểu nền văn hóa lúa nước mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Tại đây, du khách còn được tham quan các nhà văn hóa thôn, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu với hệ thống hàng rào xanh được thiết kế, đầu tư xây dựng quy mô theo chuẩn nông thôn mới. Du khách sẽ có thời gian trải nghiệm cuộc sống thực tế sản xuất nông nghiệp của nông dân xưa và nay như: đánh bắt cá, ném cổ vịt, bắt lươn trong chum, xay lúa, giã gạo theo phương thức truyền thống; nghe và thực hành lẩy Kiều, xẩm Kiều, trò Kiều, ngâm Kiều; nghe ca trù; tham quan các điểm du lịch tâm linh….”, bà Thủy khẳng định.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương Nếu giai đoạn một thành công lớn nhất là cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng thì ở giai đoạn 2, quá trình xây dựng nông thôn mới đã đi vào cốt lõi đó là làm thế nào để người dân sử dụng cơ sở hạ tầng cho cuộc sống của họ, làm thế nào thu nhập của nông dân tăng lên, môi trường sống tốt hơn…nông thôn mới đã không chỉ là hạ tầng mà còn là các mối quan hệ xã hội. Từ kinh nghiệm của một số địa phương như Quảng Ninh, Hà Tĩnh…thì phát huy chủ thể của người dân là quan trọng, làm sao để nông thôn mới như một khát vọng sống, một đam mê, trước là vì gia đình mình, nhưng ở giai đoạn này là vì cái chung, vì cộng đồng… |
Theo Tuệ Phương/ Đại đoàn kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã