Xác định lợi thế cạnh tranh
Nếu nông dân nhiều nơi luôn phải cay đắng với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nông dân làm ra sản phẩm rồi phải “tự bơi” tìm thị trường, thì tại Hà Tĩnh, lĩnh vực sản xuất rau, củ, quả đã hình thành các HTX liên kết sản xuất, thu mua, tiêu thụ rau, củ, quả thực phẩm tại các siêu thị, chợ đầu mối. Đơn cử như HTX Hoàng Hà hàng năm tiêu thụ 1.000 tấn bí xanh, dưa chuột; HTX Quyết Tiến hàng năm tiêu thụ 300-400 tấn bí, dưa hấu.
“Chúng tôi đã thành lập mới 15 HTX, 14 tổ hợp tác là các chủ đầu mối ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, bước đầu cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm; thu nhập của thành viên khá ổn định từ 2,5-4 triệu đồng/tháng”- Bí thư tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho biết. Có lẽ nhờ vậy, người dân cả nước chưa phải “giải cứu” nông sản của Hà Tĩnh như đã phải giải cứu cho nông dân ở một số nơi.
Theo ông Võ Kim Cự, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Tĩnh đã xác định các sản phẩm có lợi thế lớn của mình như lợn, bò, tôm, hươu, rau củ quả công nghệ cao, cam, bưởi Phúc Trạch. Cùng với việc xác định các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giai đoạn từ năm 2011 đến nay đã có nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có các hình thức liên kết 1 khâu, một số khâu hoặc tất cả các khâu trong chuỗi giá trị. Các HTX nông nghiêp thực sự là một trong những mắt xích quan trọng, cầu nối liên kết hữu hiệu giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Đến nay, toàn tỉnh có 54 HTX, 25 tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn; trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên cát hoang hóa; nuôi tôm công nghệ cao; chế biến nông sản, thủy sản. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, có 16 HTX liên kết theo chuỗi với các doanh nghiệp; lĩnh vực trồng trọt, sản xuất rau củ quả công nghệ cao có 15 HTX thực hiện liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp, hình thành các HTX liên kết thu mua, tiêu thụ rau củ quả, thực phẩm tại các siêu thị, chợ đầu mối, trong đó chủ yếu là liên kết với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, CTCP Miền Trung...
Ngoài ra, có 10 HTX đã kết nối tiêu thụ sản phẩm vào siêu thị Coopmart Hà Tĩnh với trên 50 sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh; 10 HTX được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng thương hiệu... Nhiều HTX đã thực hiện tốt các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả, điển hình như: HTX Rượu Đức Lâm được thành lập từ tổ hợp tác của làng rượu truyền thống Văn Lâm (Đức Thọ), đầu tư xây dựng nhà máy với dây chuyền công nghệ hiện đại, với sản phẩm, thương hiệu rượu BS.
Đây là mô hình HTX kết hợp hài hòa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông). HTX Thiên Phú (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) liên doanh, liên kết với các khách hàng Trung Quốc, thuê chuyên gia kỹ thuật nước ngoài, đầu tư dây chuyền công nghệ, thu mua, chế biến bột cá xuất khẩu giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng.
Vai trò bà đỡ của Nhà nước
Ông Võ Kim Cự chia sẻ, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã cảnh báo cần có ngay giải pháp để chặn đà suy giảm của nông nghiệp, nếu không rất có thể cuối năm Quốc hội sẽ phải nghe báo cáo về tăng trưởng khó khăn. “Từ vấn đề mang tính vĩ mô này, áp dụng vào địa phương, chúng tôi cho rằng chỉ có liên kết với doanh nghiệp nông dân mới đưa được công nghệ vào trong trồng trọt, chăn nuôi cũng như bớt lo lắng về vấn đề tiêu thụ sản phẩm” - ông Võ Kim Cự nói.
Và thực tế đã chứng minh những mô hình hợp tác làm ăn này của Hà Tĩnh đã góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Và trong chuyến thăm và khảo sát mô hình HTX nông nghiệp tại Hà Tĩnh vào cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: “Không thể mãi phát triển nhỏ lẻ, phải hợp tác, chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất tập trung có quy hoạch, chế biến sâu. Cần tìm được nhiều mô hình HTX làm ăn tốt để tự tin phát động phong trào phát triển HTX kiểu mới trên cả nước, bởi HTX nông nghiệp kiểu mới sẽ tạo động lực để phát triển ngành nông nghiệp, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới”.
Khảo sát mô hình trồng rau củ quả trên cát hoang hóa ven biển ở huyện Cẩm Xuyên. |
Dĩ nhiên, để cuộc hôn nhân giữa doanh nghiệp và người nông dân tốt đẹp, Nhà nước phải làm vai trò bà đỡ. Đến nay, Hà Tĩnh là địa phương đã ban hành hệ thống cơ chế, chính sách với số lượng nhiều, đồng bộ, toàn diện nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước về kinh tế hợp tác, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu hàng hóa.
Từ năm 2010, tỉnh Hà Tĩnh đã có nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2010-2015, theo đó hỗ trợ thành lập mới 20-25 triệu đồng/HTX; hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; hỗ trợ 100% học phí cho các khóa đào tạo dài hạn; hỗ trợ 150 triệu đồng mua xe ô tô chở rác của HTX vệ sinh môi trường; hỗ trợ cho vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX và một số chính sách khác...
“Hà Tĩnh đang phấn đấu không còn là tỉnh nghèo. Chúng tôi xác định đi lên bằng 2 chân: công nghiệp và nông nghiệp” - ông Cự cho biết. Cùng với Khu kinh tế Vũng Áng đang góp phần thay da đổi thịt mảnh đất miền Trung nắng gió này, những HTX kiểu mới ở Hà Tĩnh đang thực sự làm hồi sinh những vùng đất cát cằn khô. Khi mảnh đất này ngày càng giàu lên, đồng bào cả nước sẽ đỡ xót xa về “Hà Tĩnh mình thương” trong mỗi mùa bão lụt.
Phan Thảo
Theo saigondautu.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã