Cách làm hay trong xây dựng NTM
Ông Nguyễn Văn Lễ, xóm Miếu 1, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) rất phấn khởi với thông tin huyện mình được vinh dự là địa phương đầu tiên của Thủ đô đón nhận danh hiệu huyện NTM. Ông Lễ cho biết, ý thức được việc đầu tư xây dựng NTM nên ông không ngần ngại hiến hàng chục mét đất để con đường làng trở nên rộng rãi, thoáng đãng hơn. “Việc này vừa là đầu tư cho mình, vừa thuận lợi giao thương lại vừa để lại cho con cháu mai sau có đường sá đi lại thuận lợi hơn thì mình chịu thiệt chút ban đầu cũng được”, ông Lễ nói. Cùng với gia đình ông Lễ, hàng trăm hộ gia đình ở huyện Đan Phượng cũng đã hiến hơn 2.000 mét vuông đất thổ cư để làm đường giao thông nông thôn.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội thì sẽ thực hiện đầu tư sau cho các địa phương xây dựng NTM, tuy nhiên xác định cơ sở hạ tầng là động lực cho sự phát triển, lãnh đạo huyện Đan Phượng đã quyết định vận động các doanh nghiệp cung ứng vật liệu theo hình thức trả chậm để xây dựng đường xóm, ngõ. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện kiểm tra thực tế và duyệt thiết kế từng tuyến đường, các doanh nghiệp tư vấn xây dựng cũng chỉ lấy tiền giấy bút, nhiều đơn vị xây dựng ủng hộ bằng giá trị nhân công, máy móc, người dân đóng góp ngày công và hiến đất làm đường nhờ đó đã xây dựng được 136 km đường xóm ngõ, hơn 80 km đường trục chính nội đồng… Số tiền tiết kiệm được là hơn 234 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Trở về Đan Phượng trong những ngày này có thể nhận thấy được sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất ven đô này. Không chỉ hệ thống đường giao thông được đầu tư xây dựng thoáng đãng mà còn có sự đổi thay nhanh chóng ngay trong phương thức làm ăn của người dân nơi đây. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị cao được 951 ha với thu nhập trung bình khoảng 160 triệu đồng/ha/năm, chuyển dịch chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, phát triển theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Huyện đã quy hoạch và xây dựng 6 cụm công nghiệp làng nghề, phát triển được 534 doanh nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt hơn 94%. Đan Phượng là huyện đầu tiên của thành phố có 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Công tác văn hóa xã hội, môi trường có những tiến bộ vượt bậc, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của huyện những năm 2010 chỉ có 35% thì hiện nay đạt hơn 61%. Việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới việc tang, mừng thọ… được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Hiện đã có 45 làng đạt danh hiệu văn hóa, 90% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, 100% người dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch. Sau 4 năm xây dựng NTM, hiện Đan Phượng có 13/15 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã nữa đang hoàn thiện hồ sơ trình thành phố Hà Nội công nhận NTM trong năm nay.
Xây dựng NTM bền vững
Ngày 28/10, huyện Đan Phượng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới (NTM). Đây là huyện đầu tiên của Thủ đô và là huyện thứ 10 trong cả nước đạt được tiêu chí này.
Trước đó, ngày 23/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội đạt tiêu chuẩn huyện NTM. “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây chỉ là thành công bước đầu bởi vì phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ xuyên suốt nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Hữu Hoàng nói.
Phát biểu tại buổi lễ đón nhận danh hiệu huyện NTM của Đan Phượng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào của huyện Đan Phượng nói riêng và người dân Thủ đô nói chung. Huyện Đan Phượng phải tiếp tục duy trì, phát triển, bảo đảm xây dựng NTM bền vững. Phó Thủ tướng đề nghị thành phố Hà Nội cần tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong xây dựng NTM. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nhân rộng những mô hình hợp tác, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Gắn kết chương trình xây dựng NTM với những chương trình khác. Phấn đấu đến năm 2020 Hà Nội có 70% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM.
Theo Nguyễn Trường/tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã