Máy gặt đập liên hợp trên đồng ruộng Lương Tài (Bắc Ninh). Ảnh: ÐĂNG HỒNG |
Thực trạng còn nhiều khó khăn
Dưới tác động của hoạt động khoa học và công nghệ, nông nghiệp Việt Nam đã bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng. Kinh tế nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ ngành nghề. Ðời sống nông dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, phát triển nông thôn còn hạn chế và nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với công việc này. Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là điều kiện tự nhiên, địa lý. Các vùng sản xuất nông nghiệp có sự khác nhau tương đối lớn về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình. Nếu ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long có độ đồng nhất cao, việc chuyển giao công nghệ có nhiều thuận lợi, thì vùng núi phía bắc, Tây Nguyên và trung du có địa hình phức tạp, sản xuất phân tán, dân cư thưa thớt nên việc chuyển giao gặp rất nhiều khó khăn.
Tiếp đến là khó khăn về cơ sở hạ tầng ở nông thôn và vùng sản xuất chưa phát triển. Hệ thống giao thông ở những vùng này mới đáp ứng được nhu cầu đi lại và chuyển chở vật tư kỹ thuật đến tụ điểm dân cư, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển vật tư, sản phẩm đến các vùng sản xuất nông nghiệp. Ðây là yếu tố hạn chế lớn trong việc chuyển giao công nghệ vào những vùng này. Bên cạnh đó, những điều kiện khách quan như điện, thủy lợi, cơ sở kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp chưa phát triển đồng bộ, làm cho hiệu quả chuyển giao vẫn ở mức thấp.
Nhưng khó khăn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi tham gia chuyển giao công nghệ cho những vùng này là, nền nông nghiệp nước ta phần lớn vẫn là nông nghiệp tiểu nông, sản xuất nhỏ, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.
Vai trò của doanh nghiệp và chính sách thu hút đầu tư
Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học tham gia vào việc chuyển giao công nghệ là rất cần thiết. Bởi lẽ, doanh nghiệp có đội ngũ cán bộ đủ khả năng thẩm định, lựa chọn được những công nghệ phù hợp điều kiện cho từng vùng sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có tiềm năng về tài chính, nguồn vốn, tư cách pháp nhân huy động vốn để ứng vốn hỗ trợ nông dân cung cấp giống, vật tư, đầu tư thiết bị, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của việc tiếp nhận những công nghệ mới đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt mới chuyển giao thành công được. Các doanh nghiệp còn có khả năng đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông sản, hạn chế tiêu thụ (xuất khẩu) sản phẩm thô, nâng cao giá trị sản phẩm của quá trình chuyển giao.
Hiện tại, đã có nhiều địa phương đã và đang thực hiện tốt những ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp do Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư. Ðiển hình như tỉnh Thái Bình, đã tập trung gieo trồng những cánh đồng mẫu lớn, cho sản lượng lúa cao, tỉnh Hưng Yên liên tục đưa nhiều giống lúa có chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt vào sản xuất. Còn tại tỉnh Hậu Giang, hiện có 88 máy gặt đập liên hợp và 31 máy gặt lúa. Khi nông dân thu hoạch lúa bằng máy, chi phí thu hoạch sẽ giảm 1/3 so với thu hoạch thủ công.
Ðể quá trình đưa khoa học công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp nhanh, cần nhiều chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp. Về phía Nhà nước, trước hết phải đổi mới cơ chế hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo hướng hình thành cơ chế đặc thù cho chuyển giao công nghệ của ngành sản xuất nông nghiệp; xây dựng các định hướng chuyển giao công nghệ nông nghiệp trọng điểm; xây dựng cơ sở hạ tầng chuyển giao công nghệ nông nghiệp (các khu nông nghiệp công nghệ cao, trạm ươm tạo và thử nghiệm công nghệ mới,...); đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào hoạt động chuyển giao công nghệ. Tới đây, việc tập trung dồn điền đổi thửa cũng là một trong những bước đi quan trọng trong việc khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, không ngừng xây dựng và phát triển thị trường công nghệ; tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp - tổ chức khoa học và công nghệ - người dân, nhằm huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Về phía doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược kinh doanh khoa học, công nghệ khả thi và thích hợp làm cơ sở để xác định phương thức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ trong sản xuất. Ðể có được như vậy, doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Tăng cường biện pháp thu hút tài chính và các nguồn vốn trong xã hội; tăng cường các hoạt động nghiên cứu thị trường, đặc biệt là thị trường công nghệ; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học và công nghệ, viện, trường đại học, đặc biệt là với nông dân. Mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước, nhất là các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia.
Nguồn nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã