- Thưa ông, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những điểm sáng về thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM trong toàn quốc với những cách làm chủ động, sáng tạo. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
Xây dựng NTM trên địa bàn Hà Tĩnh chính là thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của BCH T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo và huy động tốt nội lực của nhân dân, Hà Tĩnh sẽ quyết tâm thực hiện thành công chương trình MTQG xây dựng NTM |
Điểm thuận lợi của Hà Tĩnh là đã kịp thời ban hành Nghị quyết 08 về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 7 và bám sát thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh nhà. Chương trình xây dựng NTM của tỉnh ta được kế thừa kinh nghiệm và kết quả của phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2001-2010. Điều thuận lợi nữa là Hà Tĩnh được chọn là một trong 5 tỉnh làm điểm của T.Ư và xã Gia Phố (Hương Khê) nằm trong 11 xã điểm được Ban Bí thư T.Ư chỉ đạo. Đội ngũ BCĐ chương trình từ tỉnh đến cơ sở phần lớn xuất thân từ nông dân và trải qua hoạt động công tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên hiểu rõ và dễ nắm bắt các yêu cầu đặt ra trong chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM.
Với những thuận lợi đó, chúng ta đặt quyết tâm cao và chủ động triển khai chương trình bằng việc phát động tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; huy động các nguồn lực; ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân chủ động tham gia; hình thành các tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp tỉnh đến thôn xóm (riêng Hà Tĩnh có UB MTTQ là phó ban chỉ đạo và tất cả các ban ngành đều tham gia BCĐ nhằm huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân)...
Tại hội nghị của BCĐ xây dựng NTM Trung ương gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đánh giá cao việc thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM ở Hà Tĩnh bởi ngoài sự chủ động trong các bước triển khai đã nói ở trên, chúng ta đã có nhiều sáng tạo, như trong công tác quy hoạch đã có 3 quy hoạch trong 1 đồ án (quy hoạch chung và 3 quy hoạch thành phần tiến hành trong một thời gian); tiến hành xây dựng đề án NTM đồng thời với xây dựng đề án sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.
Quá trình tổ chức thực hiện trong 2 năm qua, chúng ta đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm hết sức quan trọng để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình MTQG xây dựng NTM thời gian tới, đó là: công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo được bước chuyển về nhận thức; việc ban hành được hệ thống cơ chế, chính sách sát đúng, kịp thời, có vai trò khuyến khích, khơi dậy được nghị lực của người dân và thức dậy tiềm năng...; cần coi trọng việc xây dựng, nâng cao trình độ và tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ cơ sở; phải lấy tinh thần thi đua, cạnh tranh làm phương châm chủ đạo; quan tâm hàng đầu đến xây dựng mô hình, đồng thời tiến hành tổng kết và nhân ra diện rộng.
- Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đề ra mục tiêu: đến năm 2015 có trên 20% số xã (48 xã) đạt chuẩn 19 tiêu chí và các xã còn lại đạt 7 tiêu chí. Vậy những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu lớn này là gì, thưa ông?
Kết quả bước đầu đạt được là rất quan trọng, đã tạo nền tảng và động lực cho lộ trình thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn nhiều điều trăn trở: Hà Tĩnh vẫn là tỉnh nghèo, thu nhập của người dân còn thấp nên việc huy động nguồn lực trong dân là hết sức khó khăn. Cùng với đó là sự tàn phá thường xuyên do thiên tai khắc nghiệt làm cho nguy cơ tái nghèo cao; các công trình hạ tầng dễ bị xuống cấp; những tiêu chí đã đạt được sẽ khó bền vững. Nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho chương trình chưa tập trung, khiến lộ trình thực hiện phải kéo dài. Các cơ chế chính sách về tài chính, xây dựng cơ bản còn chưa thực sự trao quyền cho người dân. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm NTM còn bất cập; nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực còn đạt thấp…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình trồng ớt cay xuất khẩu ở xã Kỳ Giang - Kỳ Anh |
Từ thực tế này, chúng ta có thể thấy rằng, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đặt ra với những chỉ tiêu như đã nói ở trên là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo và huy động được nội lực của nhân dân, Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện mục tiêu nghị quyết đề ra với những giải pháp trọng tâm: quan tâm hàng đầu đến công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; đầu tư thỏa đáng cho thực hiện đề án phát triển sản xuất; tích cực huy động các nguồn lực tổng hợp để xây dựng kết cấu hạ tầng; chú trọng các tiêu chí văn hóa, xã hội, QPAN; củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở…
- Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM lần này, tỉnh dành nội dung trọng tâm cho việc biểu dương, khuyến khích để nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu biểu. Điều này cho thấy, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là ưu tiên hàng đầu cho phát triển sản xuất. Xin ông phân tích rõ hơn về điều này?
Các mô hình NTM là do người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và các xã đứng ra thực hiện nên việc tổng kết phải được thực hiện từ các mô hình cụ thể từ nhân dân. Bởi vậy, để tạo thành sức mạnh quần chúng sâu rộng và lan tỏa thì phải tổng kết, đánh giá cái được, cái chưa được để nhân rộng và rút ra bài học cho những bước đi tiếp theo. Qua đó, Nhà nước có điều kiện nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách một cách phù hợp hơn, nhằm tạo nguồn lực cho các mô hình phát triển bền vững và có tính lan tỏa.
Mô hình nuôi tôm lót bạt cho thu nhập cao ở xã Xuân Phổ - Nghi Xuân |
Cũng qua việc sơ kết và tuyên dương điển hình NTM, tiếp tục khẳng định, sản xuất chính là yếu tố xuyên suốt trong chương trình. Sản xuất là việc khó nhất nhưng đây mới chính là yếu tố quyết định bản chất của xây dựng NTM. Có sản xuất mới có nhân, vật lực, có của cải vật chất... từ đó người dân mới có điều kiện, mới tự chủ để xây dựng NTM.
Trong việc phát triển sản xuất có nhiều vấn đề cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, đó là: phải bám sát quy hoạch về các sản phẩm chủ lực mà tỉnh đã xác định; quan tâm đến nguồn giống chất lượng; chú trọng thực hiện quy trình sản xuất tiên tiến; mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo các mô hình tổ hợp tác - HTX, doanh nghiệp; tập trung đầu tư cho khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm để khép kín quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ.
Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng NTM, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung trên toàn tỉnh đã ra đời, đem lại nguồn thu nhập cao |
Tạo nền tảng, môi trường cho phát triển sản xuất bền vững chính là giúp người dân tăng giá trị thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó khơi dậy sức dân để lo cho cuộc sống nhân dân như mục tiêu mà chương trình MTQG xây dựng NTM đã đề ra.
Mai Thủy
Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã