Bốn mục tiêu trụ cột của chương trình “Nông thôn mới” là: Tăng thu nhập của nông dân; Cải thiện môi trường sống; Nâng cấp kết cấu hạ tầng; Khuyến khích phát triển đời sống tinh thần và quan hệ xã hội ở nông thôn. Yếu tố văn hóa được nhấn mạnh trong xây dựng xã nông thôn mới ở cả hai phương diện về cơ sở vật chất – kinh tế và đời sống văn hóa, cơ bản chiếm 17/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (trừ tiêu chí Quy hoạch, Hệ thống chính trị). Tiêu chuẩn Làng văn hóa (gọi chung hiện nay là thôn văn hóa) được định hình ở cả hai phương diện trên. Theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, cơ sở vật chất văn hóa ở thôn cần có Nhà văn hóa – Khu thể thao đảm bảo cả tiêu chí về đầu tư, về tổ chức và hoạt động (Thông tư 06 /2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 cảu Bộ VH-TT-DL), Nội dung này, Quảng Ninh thực hiện rất tốt nội dung xây dựng Nhà văn hóa thôn trong ngay 2 năm đầu của Chương trình xây dựng Nông thôn mới (2011 – 2012). Về kinh tế và đời sống văn hóa, Làng văn hóa phải đạt các tiêu chuẩn về đời sống kinh tế hộ gia đình ổn định, có nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tỷ lệ hộ nghèo thấp, không có hộ đói; hạ tầng giao thông, điện, nước sạch, nhà ở, y tế, môi trường sạch sẽ, an ninh trật tự đảm bảo; trong thôn thường xuyên duy trì sinh hoạt văn hóa văn nghệ thể thao, đặc biệt là duy trì các sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống của dân tộc.
Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng và phát triển làng văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện cho các làng phát triển kinh tế - xã hội cao hơn, nhanh hơn thông qua việc phát huy chiều sâu văn hóa, lịch sử, sự thuận lợi về địa lý, cảnh quan (Trong chuyên ngành du lịch được gọi là tài nguyên du lịch) để phát triển kinh tế thông qua dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Trên cơ sở đó xây dựng Làng du lịch văn hoá là một điểm du lịch có tài nguyên du lịch văn hoá và có tổ chức khai thác các tài nguyên du lịch văn hoá phục vụ du khách.
Ở Hàn Quốc trong xây dựng và phát triển nông thôn (xây dựng nông thôn mới) từ thập kỷ 70 thế kỷ trước đã chú ý đến phát triển kinh tế - xã hội nông thôn thông qua việc xây dựng các mô hình làng văn hóa du lịch. Mô hình Làng dân gian ở Hàn Quốc được mở cửa vào năm 1974, là một công viên chủ đề về văn hóa dân tộc. Đây như một bảo tàng ngoài trời về cuộc sống nông thôn thế kỷ 17 – 18 thông qua bảo tồn với hơn 140 nhà rơm, hơn 130 nhà mái ngói, trường học, làng, quán phố... và những sinh hoạt hàng ngày mang lại cảm giác trực quan hết sức sống động cho du khách.
Trung Quốc khởi động từ năm 2006 (chủ đề năm “Du lịch làng quê”), sau hơn 7 năm du lịch nông thôn của Quảng Tây đã tạo ra hướng đi và phát triển du lịch nông thôn thành một ngành có quy mô lớn. Quảng Tây đã mạnh dạn sáng tạo phát huy tiềm năng du lịch, ưu thế về cảnh quan sinh thái, khả năng làm du lịch từ nông nghiệp và các làng quê. Năm 2012, trên địa bàn Quảng Tây có tổng cộng 8 đơn vị đạt danh hiệu thôn xã du lịch cảnh quan đặc sắc cấp nhà nước, 36 đơn vị đạt danh hiệu thôn xã du lịch cảnh quan đặc sắc cấp tỉnh (khu), 202 cơ sở thí điểm du lịch nông thôn, 4 huyện thí điểm du lịch nông thôn cấp nhà nước… điển hình như Bản người Dao, huyện tự trị tộc người Dao Kim Tú phát triển thành điểm du lịch nông thôn kiểu mẫu. Du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Tây đã thu hút gần 1 triệu lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt 15.000 Tệ/năm. Hiệu quả giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo tăng lên rõ rệt, đồng thời du lịch nông thôn đã phát huy những tác dụng tích cực đối với phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Ở các tỉnh phía Bắc nước ta, năm 2011, tỉnh Lào Cai đã triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch ở Sa Pa (Làng Cát Cát, Bản Dền, Na Rin). Các yếu tố của mô hình Làng du lịch văn hóa được tỉnh Lào Cai cụ thể ở các nội dung như: Làng phải có các cảnh quan môi trường sạch đẹp, có sắc thái tộc người; Có các di sản văn hoá phong phú và mang tính độc đáo, hấp dẫn đối với du khách; Khai thác các nguồn lực tài nguyên du lịch văn hoá nhằm phục vụ các hoạt động du lịch; Cơ sở hạ tầng của làng đảm bảo hoạt động cho du khách thuận lợi. Trên cơ sở đó, Tỉnh Lào Cai đã đầu tư cho các Làng xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp (VD: Khu rừng vầu Háng Sung, khu rừng già trồng thảo quả Chô Lú, khu vực ba con suối gặp nhau được làng Cát Cát tôn tạo tạo thành cảnh quan đẹp cho làng. Bờ suối, thác nước, các tảng đá giữa lòng suối… cũng được bảo vệ và trở thành một điểm tham quan, chụp ảnh hấp dẫn du khách; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể), tăng cường tính hấp dẫn đối với các di sản quan trọng; Xây dựng mô hình các đội văn nghệ dân gian phục vụ du khách; Xây dựng mô hình dịch vụ nhà nghỉ ở bản làng; Khôi phục và phát triển nghề thủ công, mở thêm các dịch vụ phục vụ du lịch khác.
Năm 2012, tỉnh Hà Giang xây dựng Làng Văn hoá du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ); Thôn Hạ Thành, xã Phương Độ, Thành phố Hà Giang.
Yêu cầu được đề ra là xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với việc xây dựng nông thôn mới phải đạt 3 tiêu chí: Tiêu chí du lịch; tiêu chí văn hóa; tiêu chí nông thôn mới. Kết quả, mô hình các Làng văn hóa du lịch của Lào Cai và Hà Giang đã phát huy tốt trong phát triển KT-XH địa phương, lượng khách du lịch đến ngày càng tăng, nhất là khách du lịch nước ngoài.
Ở Tỉnh ta, Công ty Du thuyền Đông dương, một đơn vị du lịch đã thành công từ mô hình du lịch Làng chài (qua mô hình HTX Vạn Chài trên vịnh Hạ Long từ 2008). Với chiến lược phát triển không gian du lịch Hạ Long, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch đến Quảng Ninh, Công ty đã khảo sát, lựa chọn làng Yên Khánh, xã Yên Đức, huyện Đông Triều (nằm giữa Hà Nội – Hạ Long). Làng có điều kiện về tài nguyên du lịch, thuận tiện về giao thông để đầu tư thành Làng du lịch làng quê. Năm 2011, Công ty đã thành lập HTX du lịch làng quê Yên Đức, với 33 thành viên là các hộ xã viên ở 2 thôn Yên Khánh và Đồn Sơn. Nhiệm vụ chính là kinh doanh dịch vụ du lịch, đưa đón khách tham quan, nghỉ đêm tại thôn Yên Khánh. Công ty đã phối hợp với HTX: Đào tạo xã viên là nông dân về nghiệp vụ du lịch, đào tạo ngoại ngữ tiếng Anh, chuyển giao về và đào tạo nghề múa rối nước cho xã viên. Thực hiện việc vệ sinh môi trường, phối hợp xây dựng cảnh quan môi trường ở 2 thôn Yên Khánh và Đồn Sơn sạch đẹp. Xây dựng khu múa rối nước, phối hợp với xã kiện toàn Đội hát chèo, văn nghệ dân gian phục vụ du khách. Xây dựng mô hình dịch vụ nhà nghỉ ở làng theo mô hình nhà ở truyền thống Việt Nam, giữ nét văn hóa thờ Gia tiên trong nhà nghỉ. Khôi phục và phát triển nghề thủ công (làm chổi), làm nông (trồng rau, cấy lúa, nuôi cá,..) phục vụ du lịch khác. Đưa các điểm tham quan: Hang 73, chùa Cảnh Huống,.. vào các tour của du khách. Hơn 3 năm hoạt động, trung bình HTX du lịch làng quê Yên Đức đón 30 – 50 khách/ngày, chủ yếu là khách châu Âu. Thu nhập bình quân của xã viên đạt trên 3 triệu đồng/ người/tháng. Mô hình du lịch làng quê Yên Đức đã góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn chuyển sang dịch vụ, bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa làng xã và dần từng bước góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Làng văn hóa du lịch là một mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường bền vững ở địa bàn nông thôn. Cơ sở lý luận đã được hiện thực hóa bằng các văn bản pháp quy của Nhà nước và thực tiễn ngày càng khẳng định hướng đi đúng đắn của mô hình. Thực tế cho thấy, muốn xây dựng thành công Làng văn hóa du lịch thì Nhà nước đóng vai trò quan trọng: Đảng, chính quyền ở huyện và xã phải nhận thức được xây dựng làng du lịch văn hoá là vấn đề quan trọng nhằm phát huy giá trị của làng xã, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo. Nhận thức này phải được thể hiện bằng hành động cụ thể từ khâu quy hoạch, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Xây dựng mô hình Làng văn hóa du lịch phải có sự khảo sát, phân tích, đánh giá cụ thể về tiềm năng, lợi thế của mỗi làng, đảm bảo các yếu tố để phát triển du lịch, đồng thời thực hiện nghiệp vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp thì mới đi đến thành công. Vai trò của cộng đồng dân cư rất quan trọng trong xây dựng và phát triển Làng văn hóa du lịch, chỉ khi nào cộng đồng dân cư được hưởng lợi từ du lịch, được tham gia trực tiếp vào các hoạt động với vai trò chủ thể lúc đó làng du lịch văn hoá mới thành công và phát triển bền vững.