Song, đây mới là kết quả bước đầu, nhiều khó khăn vẫn đang ở phía trước, đòi hỏi các cấp chính quyền và người dân chung tay tháo gỡ để đạt được mục tiêu cao nhất là hoàn thành xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi diện mạo khu vực ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Thu Giang |
Chuyển biến về nhận thức
Kết quả lớn nhất trong triển khai xây dựng NTM ở Hà Nội, đó là nhận thức của đại bộ phận người dân và đội ngũ cán bộ cơ sở đã "thông". Ban đầu, khi bước vào xây dựng NTM, hầu hết các địa phương gặp lúng túng trước nhiều vấn đề như: quy hoạch, xây dựng đề án, nguồn vốn, trình độ cán bộ, nhận thức của người dân… Trong quá trình triển khai, với đa dạng hình thức tuyên truyền, chính quyền các cấp đã từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa mọi việc đi vào nền nếp, các tiêu chí NTM dần được hoàn thành một cách vững chắc. Đầu tiên phải kể đến công tác lập đề án, quy hoạch NTM; 100% số xã (401 xã) và 19/19 huyện, thị xã đều lấy ý kiến đóng góp của người dân làm cơ sở quan trọng nhất, bên cạnh việc kết hợp hài hòa ý kiến của chuyên gia và thực tiễn ở địa phương để xây dựng. Với những bước đi nghiêm túc, nên chất lượng của 19/19 đề án NTM cấp huyện, 393/401 đề án cấp xã và 388/401 quy hoạch NTM cấp xã đã được cấp có thẩm quyền thông qua, bảo đảm chất lượng, được người dân đồng tình cao. Vì vậy, khi bước vào triển khai đề án NTM, người dân ở các địa phương đã hưởng ứng nhiệt tình, với các phong trào sôi nổi, rộng khắp như: hiến đất làm đường; góp tiền, ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng; phong trào dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm… Trong 8.514,1 tỷ đồng đã đầu tư cho xây dựng NTM, ngân sách thành phố mới phải đầu tư 1.491,4 tỷ đồng, còn lại là huy động từ ngân sách cấp huyện, cấp xã và quan trọng là nguồn đóng góp của người dân được 426,2 tỷ đồng, doanh nghiệp 304,5 tỷ đồng. Người dân cũng đã tự nguyện hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng trăm nghìn ngày công lao động để xây dựng đường giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường… Điển hình là các xã: Song Phượng (Đan Phượng) người dân đã đóng góp 71 tỷ đồng; Mai Đình (Sóc Sơn) nhân dân hiến 6.000m2 đất; xã Đại Áng (Thanh Trì) được 6 tỷ đồng và hơn 700m2 đất; xã Tây Tựu (Từ Liêm) 21 tỷ đồng; xã Phùng Xá (Mỹ Đức) được 5 tỷ đồng, 3.660m2 đất… Đặc biệt, tại huyện Đan Phượng, trong năm 2012 phát động phong trào xây dựng đường làng, ngõ, xóm và đã hoàn thành bê tông hóa 1.219 tuyến đường, với tổng kinh phí lên tới 233 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 177 tỷ đồng. Huyện Từ Liêm đã huy động người dân đóng góp 59 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống đèn đường…
Một việc làm khó khác là dồn điền, đổi thửa cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả dựa trên sự ủng hộ và vào cuộc của người dân. Nhiều huyện đã vượt chỉ tiêu và hoàn thành sớm kế hoạch: Sóc Sơn 5.322ha/3.000ha; Chương Mỹ 5.868ha/4.000ha; Mê Linh 2.186ha/1.500ha; Thường Tín 1.308ha/1.000ha; Mỹ Đức 1.621ha/1.467ha; Ứng Hòa 1.500ha/ 1.500ha… Để đạt kết quả này, các địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhiều nơi đã tổ chức hàng chục cuộc họp để vận động, thuyết phục người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của dồn điền, đổi thửa. Nhiều xã còn làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trong đám cưới, đám tang, lễ hội như: xã Yên Sở (Hoài Đức) hầu hết các đám cưới đã được tổ chức đơn giản, văn minh tại nhà văn hóa thôn, 75% người chết được đưa đi hỏa táng; xã Tây Tựu (Từ Liêm) các đám tang không tổ chức ăn uống linh đình…
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại HTX nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đỗ Chí |
Phát huy nội lực, đẩy lùi khó khăn
Hà Nội đã xây dựng thành công nông thôn mới ở 12 xã: Tây Tựu, Minh Khai, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc (Từ Liêm), Mai Đình (Sóc Sơn), Yên Sở (Hoài Đức), Đông Mỹ (Thanh Trì), Đa Tốn (Gia Lâm), Thụy Hương (Chương Mỹ), Xuân Nộn (Đông Anh), Liên Mạc (Mê Linh) và Đại Đồng (Thạch Thất). Năm 2013, Hà Nội phấn đấu có 70 xã hoàn thành xây dựng NTM.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, để đạt được mục tiêu đòi hỏi các địa phương cần huy động nguồn lực; tăng thu nhập cho người dân; quản lý quy hoạch, quản lý đất đai; giải quyết việc làm; giảm tỷ lệ hộ nghèo… Ông Hoàng Thanh Vân cũng thừa nhận, hệ thống hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất nhiều nơi còn rất khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai ở khu vực nông thôn còn bất cập, hạn chế, nhiều nơi còn buông lỏng. Nếu tình trạng này không được khắc phục, Nhà nước và nhân dân sẽ mất một nguồn lực lớn, nông thôn phát triển thiếu bền vững, cảnh quan môi trường bị phá vỡ…
Một vấn đề nữa cũng nhận được sự quan tâm của hầu hết các địa phương, đó là cơ chế, chính sách phát huy nguồn lực tại chỗ để xây dựng NTM, trong đó có vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho rằng, UBND thành phố cần sớm rà soát lại các chính sách về đấu giá quyền sử dụng đất được quy định tại Quyết định số 29, 40 ban hành năm 2011. Ông Hoàng kiến nghị, đối với các huyện khó khăn, thành phố cần điều tiết lại 100% kinh phí đấu giá đất cho địa phương làm nguồn xây dựng NTM.
Bí thư Huyện ủy Từ Liêm Lê Xuân Trường cho rằng, Từ Liêm có nhiều dự án thu hồi đất, nhiều diện tích nằm xen kẹt, hệ thống thủy lợi đã bị phá vỡ, không sản xuất được, thành phố cần có hướng dẫn, phân cấp cho huyện sử dụng để làm các công trình công cộng.
Trong nhiều lần đi kiểm tra thực tế ở cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái thường xuyên nhắc nhở các địa phương, vấn đề cốt yếu của NTM là phải làm cho nông dân thay đổi về cách nghĩ, cách làm, hành động, để họ thấy mình là nhân vật chính, điều hành mọi quá trình phát triển trong xã hội, đời sống của nông thôn. Chính vì vậy, trong những năm tới đây, mọi thay đổi, mọi việc làm, mọi công trình đầu tư ở nông thôn phải tôn trọng tâm tư, nguyện vọng của người dân, do dân bàn bạc, thống nhất và quyết định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã