Học tập đạo đức HCM

Muốn xây dựng nông thôn mới phải hiểu nông thôn cổ truyền

Thứ năm - 24/07/2014 20:38
Thái Bình là một trong những tỉnh nông nghiệp điển hình. Xưa và nay, khi nghiên cứu về những vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam ở bất kỳ thời kỳ lịch sử nào, các nhà quản lý và các học giả trong và ngoài nước đều tìm về Thái Bình để khảo sát.
 
Làng quê xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ).
Dường như mọi biểu hiện của hình thái nông thôn cổ truyền của Việt Nam đã “đến sớm” và “đi muộn” trên đồng đất Thái Bình. Mọi sắc thái biểu hiện về văn hóa trong nông thôn Thái Bình từ truyền thống đến hiện tại đều được coi là đặc trưng tiêu biểu của văn hóa đồng bằng sông Hồng, của văn hóa cư dân châu thổ Bắc Bộ, trong đó nhiều yếu tố mang tính đại diện cho văn hóa nông thôn Việt Nam. Ðiều này có thể lý giải được là do lịch sử hình thành đất đai và cư dân của Thái Bình.
 
Trải hàng nghìn năm, cư dân tứ chiếng đổ về khai phá lập làng nên tất yếu Thái Bình là nơi hội tụ sắc thái văn hóa văn minh nông nghiệp từ nhiều vùng miền trong nước. Chí ít thì cũng từ Thanh - Nghệ - Tĩnh đổ ra; từ Cao – Bắc – Lạng, xứ Bắc, xứ Ðông, xứ Ðoài đổ về. Chính từ đặc trưng này nên Thái Bình là một địa phương giàu truyền thống văn hóa, văn hiến. Tiềm năng sáng tạo văn hóa của các thế hệ cư dân Thái Bình là hết sức đa dạng và bất tận.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong hoàn cảnh vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Thái Bình từng là một trong những điểm sáng của cả nước trong các phong trào xây đời sống mới và thanh toán nạn mù chữ. Ðương nhiên, khí thế “xây đời sống mới” hừng hực của những năm tháng ấy và phong trào xây dựng “nếp sống mới” ở những thập niên tiếp theo đã làm mất đi hoặc làm biến dạng nhiều loại hình văn hóa cổ truyền mang giá trị nhân văn sâu sắc trong nông thôn Thái Bình nói riêng và nông thôn các tỉnh, thành miền Bắc nói chung.
 
Từ năm 1945 đến nay, trải qua gần 7 thập niên xây dựng nền văn hóa mới, con người mới. Trên các chặng đường cách mạng, Thái Bình thường xuất hiện những mô hình tiên tiến đóng góp được những kinh nghiệm tốt với cả nước trong sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn. Mặt bằng đời sống văn hóa, dân sinh của các tầng lớp nhân dân ở khu vực nông thôn trong tỉnh khá đồng đều và không phải tỉnh nào cũng có được.
 
Cho đến những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Thái Bình vẫn cơ bản là một tỉnh nông nghiệp thuần túy, có khá nhiều sắc thái văn hóa của nông thôn cổ truyền, cả tích cực lẫn tiêu cực, lạc hậu vẫn tồn tại bền vững trong nông thôn Thái Bình và được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Vào thời điểm ấy, cao trào công nghiệp hóa diễn ra sôi động trong cả nước, nguy cơ tụt hậu về kinh tế đang cận kề với Thái Bình thì có người rất ngại dùng cụm từ “Thái Bình là tỉnh nông nghiệp” hoặc nói theo cách tôn xưng Thái Bình là “quê lúa”. Tương tự thế, không ít người từng tắm mình trong nông thôn, từ nông thôn ra tỉnh làm việc và sinh sống lại muốn dấu kín hoặc ngại phải kê khai mình vốn có xuất xứ từ một gia đình nông dân, từng sống trong nông thôn, nông nghiệp.
 
Ít ai lường trước được rằng, khi chuyển đổi cơ chế, xóa bỏ dần bao cấp vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, trong khi nhiều địa phương trong cả nước đã gặp biết bao khó khăn lúng túng, thậm chí là chao đảo trong việc triển khai các hoạt động văn hóa vì thay đổi cơ chế thì Thái Bình vẫn được đánh giá là tỉnh đã hoàn thành tốt các tiêu chí về phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do vào thời điểm ấy, Thái Bình vẫn cơ bản là một tỉnh nông nghiệp với hơn 80% dân số sống trong khu vực nông thôn nông nghiệp. Tính tự chủ, tự quản trong nông thôn cổ truyền được làm thức dậy để sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.
 
Trải gần 30 năm đổi mới và hội nhập, sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở Thái Bình đã đạt được những thành tựu khả quan, là một trong những tỉnh đi tiên phong thí điểm xây dựng thôn, làng văn hóa. Hương ước của làng vốn là một sản phẩm văn hóa tạo thành nền tảng tinh thần trong nông thôn cổ truyền đã một thời bị đố kỵ, bạc đãi thì nay được  tham khảo để vận dụng vào việc soạn thảo và duy trì thực hiện ở thôn làng. Một số mô hình làng văn hóa của Thái Bình đã đạt độ bền vững cao, từng được cả nước biết đến, tiêu biểu như: làng An Ðịnh, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy; làng Cổ Dũng, xã Ðông La, Ðông Hưng; làng Phú Mỹ, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương…
 
Khi cả nước nô nức hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới thì Thái Bình là một trong những trọng điểm của phong trào. Vào thời điểm này, đối với những địa phương duy trì bền vững phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, tính tự chủ, tự quản, tính cộng đồng, cộng cảm cùng nhiều giá trị tích cực trong nông thôn cổ truyền đã được khơi dậy và nhân lên thì bắt tay vào xây dựng nông thôn mới khá thuận lợi vì đã có môi trường văn hóa để tạo được sự đồng thuận của cộng đồng.
 
Mặt khác, phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo những tiền đề thuận lợi mới cho sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn. Sau mấy năm triển khai xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình điều dễ nhận thấy là hầu hết các xã đã đạt chuẩn và cả những xã có phong trào khá đang cận kề cán đích đạt chuẩn thì đều là những xã có đời sống văn hóa khá, nhiều xã trong diện này từng là những điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa nhiều năm liền như Thanh Tân, Bình Ðịnh (Kiến Xương); Thụy Văn, Thụy Ninh (Thái Thụy); Tây Giang (Tiền Hải); Hồng Minh (Hưng Hà); Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ)…
 
Cần phải thấy rằng phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự là thời cơ để đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới quy định ở khu vực đồng bằng sông Hồng có 19 tiêu chí trong đó có tiêu chí số 6 và tiêu chí số 16 về văn hóa đã được định tính, định lượng cụ thể.
 
Như vậy là muốn có xã đạt chuẩn nông thôn mới thì phải đạt chuẩn về thiết chế văn hóa, thôn làng văn hóa. Sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa có vị thế hơn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời việc phấn đấu để đạt những tiêu chí về văn hóa trong tiến trình xây dựng nông thôn mới đã làm cho sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở như diều gặp gió. Vấn đề còn lại là từng địa phương có biết tận dụng sức gió để đưa diều lên hay không.
 
Mặt khác, văn hóa và các biểu hiện của văn hóa không mang tính thụ động. Bản chất của văn hóa là phát triển, “văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội”. Cho nên quá trình phấn đấu để đạt các tiêu chí về văn hóa đã cho thấy văn hóa thực sự “vừa là mục tiêu”, “vừa là động lực” thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
 
Kinh nghiệm từ thực tế cho hay, địa phương nào đã triển khai cuộc vận động xây dựng thôn làng văn hóa có chiều sâu, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng thì khi triển khai các thao tác xây dựng nông thôn mới như dồn điền, đổi thửa, xây dựng hạ tầng kỹ thuật… sẽ được nhân dân hào hứng tham gia và sẵn sàng hiến đất, góp tiền, góp sức tham gia. Ngược lại, ở những xã chỉ triển khai các nội dung xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có việc triển khai xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa mang tính hình thức, chiếu lệ thì khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới đều khó khăn quy tụ được sự đồng thuận của dân.
 
Có lẽ, phong trào mạnh hay yếu chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức của hệ thống cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở xã, thôn. Thực tế đã cho thấy có những cán bộ xã nhận thức khá sâu sắc về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa, biết tìm thấy động lực của văn hóa để xây dựng nông thôn mới như cán bộ xã Thanh Tân (Kiến Xương), cán bộ xã Thụy Ninh (Thái Thụy), cán bộ xã Tây Giang (Tiền Hải)… là những trường hợp tiêu biểu. Mặt khác cũng không ít địa phương, trước đây cũng vậy và khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới cũng thế chỉ chăm chú, mải mê quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế mà xem nhẹ hoặc ít quan tâm đến phát triển văn hóa thì sẽ gặp biết bao sự lúng túng khó khăn trong việc tìm được tiếng nói chung khi triển khai các thao tác xây dựng nông thôn mới.
 
Cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy phong trào xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới có quan hệ biện chứng và tác động tương hỗ với nhau, hóa thân vào nhau. Tuy hai mà một, tuy một mà hai. Trong các tiêu chí về nông thôn mới có tiêu chí về đời sống văn hóa, trong tiêu chí về đời sống văn hóa có các tiêu chí về nông thôn mới. Chính vì không hiểu được một cách thấu đáo về mối quan hệ biện chứng này nên khá nhiều địa phương triển khai cả hai phong trào này, ở mức độ khác nhau, ở từng khâu khác nhau đã rơi vào tình trạng duy ý chí, thậm chí chỉ là hô khẩu hiệu suông.
 
Thực tế cuộc vận động xây dựng làng văn hóa trong những năm đầu của thời kỳ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thái Bình đã cho thấy, nơi nào hiểu rõ, hiểu đúng về các giá trị tích cực và những yếu tố được coi là lạc hậu là lực cản của giá trị văn hóa trong nông thôn cổ truyền thì sẽ tạo được sức mạnh của cả cộng đồng chung tay phấn đấu xây dựng làng văn hóa để có xã đạt tiêu chí văn hóa theo quy định về nông thôn mới. Xây dựng thiết chế văn hóa ở xã, thôn như nhà văn hóa, khu thể thao theo tiêu chí nông thôn mới rất cần phải kế thừa và phát huy kinh nghiệm “xã hội hóa” trong việc xây dựng thiết chế cầu, cống, đình, chùa, đền, miếu của nông thôn cổ truyền.
 
Hiện tại và những năm tiếp theo, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình đang nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu đến năm 2020 Thái Bình sẽ trở thành tỉnh nông thôn mới. Việc tìm hiểu thật thấu đáo nông thôn cổ truyền chắc chắn sẽ có tác động hữu ích trong việc tổ chức thực hiện các tiêu chí đã quy định về nông thôn mới.
 
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)
Nguồn: baothaibinh.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập427
  • Hôm nay91,047
  • Tháng hiện tại796,160
  • Tổng lượt truy cập90,859,553
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây