Học tập đạo đức HCM

Về Hà Tĩnh học cách làm nông thôn mới

Chủ nhật - 22/10/2017 09:13

Về Hà Tĩnh học cách làm nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh đã đạt được kết quả khá toàn diện; một số lĩnh vực, nội dung đi vào chiều sâu và có tính bền vững cao.
Hà Tĩnh từ lâu vẫn biết đến là nơi thiên tai khắc nghiệt, đời sống nhân dân còn khó khăn. Song giờ đây, những vùng quê Hà Tĩnh đang khoác trên mình màu áo mới khi xây dựng thành công những khu dân cư kiểu mẫu. Nhiều người tới đây đã phải thốt lên: “Làng quê đẹp quá, văn minh quá, y như ở xứ sở Hàn Quốc hay Nhật Bản vậy”. Những làng quê nông thôn mới ở Tượng Sơn (Thạch Hà), Tiên Điền (Nghi Xuân), Hương Trà (Hương Sơn)… là điển hình thành công của Hà Tĩnh, được nhân dân khắp mọi miền đất nước về tham quan, học tập. Tính đến cuối tháng 9/2017, toàn tỉnh có trên 1.620/1.826 thôn triển khai xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, trong đó 500 thôn đạt và cơ bản đạt, 129 thôn đạt chuẩn.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những mô hình xây dựng nông thôn mới thành công ở Hà Tĩnh, cũng như những gợi ý để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, kinh tế từ thành quả này, Tạp chí Lao động&Xã hội giới thiệu loạt 2 bài với nhan đề “VỀ HÀ TĨNH HỌC CÁCH LÀM NÔNG THÔN MỚI”.
 
Bài 1: Những miền quê đáng sống
Những năm qua, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng nông thôn mới; được nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia xây dựng một cách chủ động, sáng tạo, quyết liệt. Đến cuối năm 2016, bình quân mỗi xã đạt 14,4 tiêu chí (cuối năm 2010 mới đạt 3,5 tiêu chí), không còn xã dưới 9 tiêu chí, có 82 xã đạt chuẩn (chiếm 35,6%). 18 xã đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 5 xã đạt trên 70% yêu cầu (Cẩm Bình, Tượng Sơn, Tùng Ảnh, Tiên Điền, Hương Trà). Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 trên 22,8 triệu đồng/người/năm (gấp 2,7 lần so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2016 giảm xuống còn 10,37%.
Những “ngôi làng Hàn Quốc” ở Hà Tĩnh
Chúng tôi tới Hà Tĩnh một ngày cuối thu, nhưng cái nắng vẫn gay gắt ở ngưỡng 36 độ C. Thế nhưng khi vào thôn Nam Trà (xã Hương Trà, huyện Hương Khê), bầu không khí đã hoàn toàn khác. Nam Trà hiện ra như một khu du lịch sinh thái với những con đường làng thẳng tắp, vuông vắn. Hai bên đường là những hàng rào dâm bụt, chè mạn cao ngang vai người, xanh mơn mởn; những vườn cam trĩu quả sắp đến ngày thu hoạch; những hàng xoan, cau sánh đôi đến vô tận; những đồi chè ngút tầm mắt… Tất cả bao phủ lên vùng quê miền núi Hương Khê như một “máy điều hòa” khổng lồ xua tan cái nắng hầm hập như thiêu cháy da người.
Thôn Nam Trà đẹp như một khu du lịch sinh thái
 
Sau những nỗ lực của toàn thể Đảng bộ và nhân dân, tháng 4/2014, thôn Nam Trà được Hà Tĩnh công nhận là khu dân cư kiểu mẫu. Khẩu hiệu “3 sạch” (đường sạch, vườn sạch, nhà sạch) đã và đang được mỗi người dân Nam Trà khắc tâm và đồng lòng thực hiện. Được biết, trước đây Nam Trà rất khó khăn, đường làng chật hẹp, cảnh quan môi trường lộn xộn, hiệu quả kinh tế vườn không có. Sau khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, Nam Trà được được Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh chọn là một trong 5 thôn đầu tiên để xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (xây dựng tiêu chí 20 cùng với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới). Lãnh đạo thôn đã huy động toàn thể nhân dân và các tổ chức đoàn thể quyết liệt vào cuộc và xác định “xây dựng cho người dân và hiệu quả hưởng lợi cuối cùng là người dân, xây dựng cho chính mình và thế hệ tương lai”.  

Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Hà Tĩnh thăm khu vườn mẫu của ông Phan Thanh Trường ở Nam Trà

 
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, ông Đinh Phúc Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Nam Trà cho biết: “Khi vận động các hộ dân vào cuộc, chúng tôi đề nghị toàn thể nhân dân và các đoàn thể làm từ việc nhỏ nhất. Trong 19 tiêu chí của Trung ương, chúng tôi chọn 2 tiêu chí đầu tiên là môi trường và an ninh trật tự, đồng hành với tiêu chí xây dựng kinh tế vườn hộ. Chúng tôi đề nghị nhân dân phải từ chính hộ gia đình mình xây dựng ra. Muốn xây dựng được nông thôn mới, việc đầu tiên là phải xây dựng con người mới, đàng hoàng, chững chạc, dám chịu, dám làm, dám hy sinh”.

Những khu vườn ở Nam Trà hấp dẫn khách phương xa

 

Nhận thức được điều đó, tại Nam Trà, những bậc ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu đi đầu để mọi người noi theo. Nam Trà thay đối từ những việc nhỏ nhất như đôi guốc, đôi dép khi không đi thì phải đặt mũi quay ra ngoài hoặc vào trong sao cho thống nhất, sạch đẹp; quần áo của từng hộ gia đình khi không dùng nữa thì để theo nhóm đối tượng như ông bà già, trẻ con, thanh niên, phụ nữ… không để lộn xộn, trông mất mỹ quan. Củi đun cũng vậy, cái nào nhỏ, cần dùng trước thì bỏ ra ngoài để dễ lấy; cái nào to, tươi, chưa dùng đến thì buộc chặt xếp gọn vào trong để không ảnh hưởng đến người dân cũng như khách nhìn vào không đẹp.
Nam Trà cũng nói không với rác thải, trong đó rác thải lỏng. Thôn xây dựng được 15.000m bờ rào cùng hệ thống mương thoát nước từ hộ gia đình dẫn đến trung tâm của thôn để xử lý. Đối với chất thải rắn, thôn giao cho 2 chị làm công tác môi trường gom rác từ các hộ gia đình chuyển về vị trí xã quy định, mỗi tuần 1 – 2 lần. Mỗi hộ đóng 10.000 đồng/tháng phục vụ việc này, và như thế thôn không bao giờ có rác thải.
Một điểm đặc biệt nữa là 100% đường làng ngõ xóm ở Nam Trà đã được rải bê tông, rộng từ 3m-3,5m, rất phong quang sạch đẹp và có điện thắp sáng ban đêm. Đường làng là vậy, nhưng Nam Trà cũng nói không với bê tông hóa tường rào, cửa ngõ. Người dân đã tự giác dỡ bỏ những bức tường bê tông để trồng mới 15.000m bờ rào cây xanh ở 100% hộ dân. Bờ rào được chỉnh sửa, cắt tỉa thường xuyên và giao cho các hộ quản lý, chăm sóc.
“Bờ rào cây xanh cũng thể hiện an ninh trật tự ở thôn. Nhiều đoàn đến hỏi tại sao Nam Trà không có bờ tường, cổng ngõ? Tôi nói như thế mới là xây dựng một miền quê an lành, đáng sống” – ông Đinh Phúc Tâm hồ hởi nói. 
Nhà văn hóa thôn Nam Trà được bà con chung tay đầu tư, được trang bị Internet, máy vi tính, sách báo, có lắp camera để người dân có ý thức hơn
 
Bí quyết chính là “lòng dân”
Sau khi được công nhận khu dân cư kiểu mẫu, Nam Trà đã thay đổi toàn bộ diện mạo; cách nghĩ, cách làm và ý thức trách nhiệm của người dân cũng chuyển biến tích cực; tình làng nghĩa xóm xích lại gần hơn. Đến nay, Nam Trà đã đón hơn 410 đoàn nhân dân cả nước về tham quan, học tập kinh nghiệm, trong đó có những tỉnh “giàu” hơn như quảng Ninh, Đồng Nai; 2 lần được Thủ tướng Chính phủ và Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen và rất nhiều Bằng khen của tỉnh Hà Tĩnh.
Còn với thôn Yên Mỹ (xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Xuyên) – cũng đã được Hà Tĩnh công nhận là khu dân cư kiểu mẫu vào năm 2015, đã đón 390 đoàn từ khắp mọi miền đất nước về thăm, học hỏi. Cũng giống như Nam Trà, Yên Mỹ thực sự là một “làng quê cổ tích”: xanh, sạch, đẹp, thân thiện đến ngỡ ngàng. Từ một vùng quê nghèo trước đây, Yên Mỹ giờ thực sự trù phú, văn minh.
Đến nay, 100% hộ xóa bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, trong đó có 5 hộ xây dựng vườn mẫu, 38 hộ xây dựng vườn mẫu nhân rộng và dần lan tỏa trong toàn thôn; tất cả các hộ dân đều có sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, 109 hộ có ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, 70% hộ dân sử dụng chế phẩm sinh học; thu nhập bình quân từ các vườn đạt trên 71 triệu đồng/năm.
Đường làng thôn Yên Mỹ lúc nào cũng xanh – sạch – đẹp
 
Nói về “bí quyết” xây dựng thành công nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Dẫn, Bí thư Chi bộ thôn Yên Mỹ cho rằng, điều đầu tiên là cần phải coi trọng công tác tuyên truyền vận động để mọi người dân nắm vững được trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó tạo được tính tích cực, tự giác và người dân sẽ đồng hành với thôn xóm để triển khai. Việc phân công phân nhiệm cụ thể, rõ ràng cho các thành viên Ban chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể trong việc phối hợp với các tổ xóm để tập trung hướng dẫn, chỉ đạo cũng cần được quán triệt sâu sắc. Đội ngũ cán bộ phải thực sự gương mẫu, đoàn kết, trách nhiệm và phải có sự hy sinh; đặc biệt cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu đi đầu trên tất cả các nội dung công việc.
Nữ Bí thư Chi bộ thôn khẳng định: “Bài học lớn nhất là biết khơi dậy sức dân, trí tuệ và sự chủ động, sáng tạo của người dân; lấy dân làm trung tâm, tuyên truyền cho dân hiểu mục đích xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong quá trình thực hiện phải luôn coi dân là chủ thể, xã là quyết định – huyện vai trò lớn – tỉnh định hướng và hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách”./.
Theo Dương Thìn/laodongxahoi.net
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập198
  • Hôm nay18,596
  • Tháng hiện tại886,107
  • Tổng lượt truy cập90,949,500
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây