“Sống khổ” cạnh nhà máy chế biến lâm sản.
Theo phản ánh của người dân thôn Vĩnh Cát, xã Thạch Vĩnh (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh): Thời gian qua, hoạt động của Nhà máy chế biến lâm sản THT (Công ty CP chế biến lâm sản THT) đóng trên địa bàn đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Nhà máy chế biến lâm sản ngày đêm xả khói ra môi trường. Ảnh: Nguyễn Duyên.
Bà Lan, một người dân thôn Vĩnh Cát cho biết: Cứ gió thổi hướng nào thì những người dân ở hướng đó chịu ảnh hưởng, nhất là những hôm thời tiết nồm, khói từ nhà máy bay ra rất hôi, mùi hắc khó chịu lắm. Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị nhưng không thấy họ thay đổi gì cả".
Bà Nguyễn Thị Hồng sống cách nhà máy chế biến chưa đầy 50m bức xúc: "Khói từ nhà máy xả ra có mùi rất khó chịu, thanh niên mà còn thấy ngột ngạt chứ chưa nói đến người già, trẻ con. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền và lãnh đạo nhà máy có hướng xử lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân chúng tôi".
Khói thải không theo hệ thống ống dẫn đi lên trên mà bay tứ tung. Ảnh: Nguyễn Duyên.
Nói về thực tế này, ông Phạm Như Thường, bí thư chi bộ thôn Vĩnh Cát cho hay: Việc khói từ việc chế biến than của nhà máy ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là có. Khói tỏa vào không khí gây mùi rất khó chịu, nhất là mùa mưa.
"Có khoảng hơn 60 hộ dân của cụm dân cư Vĩnh Tây thuộc thôn Vĩnh Cát chịu ảnh hưởng từ việc xả khói của nhà máy này. Nhà máy cũng đã hoạt động mấy năm nay rồi, cứ để tình trạng này diễn ra lâu dài là không được. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp hội đồng, tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa có phúc đáp gì" - ông Thường nhấn mạnh.
Chỉ là do sự cố?
Lý giải cho những vấn đề trên, ông Trần Hữu Thìn - Giám đốc Cty CP chế biến lâm sản THT giải thích: Nhà máy hoạt động chế biến than chuông từ gỗ bạch đàn, được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 6.2016 để góp phần đưa địa phương về đích NTM. Việc xây dựng nhà máy là để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, thu mua nguồn nguyên liệu tại chỗ. Lúc đầu chúng tôi có ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhưng sau đó lại gặp vấn đề nên đầu ra khó khăn.
Công nhân của nhà máy chuẩn bị nguyên liệu để đốt than. ẢNh: Nguyễn Duyên.
Theo đó, để phục vụ công cuộc xây dựng NTM tại địa phương, chính quyền nơi đây đã kêu gọi con em về đầu tư xây dựng nhà máy trên địa bàn. Đơn vị này được tạo điều kiện cho thuê hơn 1ha với thời hạn 50 năm.
Hệ thống lò đốt than của Cty chế biến lâm sản THT. Ảnh: Nguyễn Duyên.
Thực tế trong khuôn viên nhà máy gồm có nhà kho chứa gỗ ép, hệ thống dàn phơi và hai dãy nhà làm hệ thống lò đốt than. Mỗi dãy nhà được bố trí 20 hầm đốt, theo những công nhân làm việc tại đây mỗi hầm như vậy mỗi mẻ đốt sẽ đỏ lửa trong 7 ngày sẽ cho được một mẻ than. Tuy nhiên, trong qua trình hoạt động đơn vị này lại không có bản quan trắc định kỳ đánh giá tác động môi trường. Tại dãy nhà làm hầm đốt than, lửa luôn đỏ và mặc dù có hệ thống ống xả khói tuy nhiên khói không ra theo đường ống mà rò rỉ tại các hầm đốt than.
“Vì loại than này có nhiều công dụng như: lọc nước, làm mặt nạ … nên không thể có chuyện chất thải của nó gây ô nhiễm môi trường được. Theo quy định hệ thống ống khói phải cao từ 9 - 14 mét, ở đây chúng tôi đã xây cao 11 mét rồi. Chúng tôi làm theo công nghệ Nhật Bản, vì người Nhật rất khó tính mà họ vẫn làm thì không thể có chuyện ô nhiễm hay độc hại được. Những ngày vừa qua, do hệ thống ống khói gặp sự cố chúng tôi chưa kịp khắc phục. Hiện nay, nguồn nguyên liệu khan hiếm, đầu ra khó khăn nên nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi lần đốt chỉ hoạt động 10 lò. Chúng tôi cũng chỉ duy trì hoạt động đến hết năm 2018 và đang tìm hướng để chuyển đổi” - ông Thìn phân trần.
Những chiếc lò luôn đỏ lửa. Ảnh: Nguyễn Duyên.
Trao đổi với phóng viên Dân việt, ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch HĐND xã Thạch Vĩnh cho hay: Việc nhà máy chế biến lâm sản này gây ô nhiễm là có, sau khi nhận được phản ánh của người dân chúng tôi đã đến kiểm tra và nhắc nhở đơn vị này rồi.
Theo Nguyễn Duyên (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã