Nhà tránh lũ tại xã Phương Mỹ , huyện Hương Khê
Trong tổng thể Ðề án phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho người dân miền trung, Chính phủ đã chủ trương hỗ trợ các hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó lũ, lụt thông qua việc xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt kết hợp nhà ở. Các địa phương đã lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng tại miền trung. Ðến nay, có 697 hộ đã hoàn thành, đạt 99,6% kế hoạch.
Mô hình nhà chòi phòng, tránh lũ, lụt có nhiều ưu điểm nổi trội so với các mô hình khác và có tính thực tiễn cao. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương đã tích cực huy động thêm sự ủng hộ, giúp đỡ từ cộng đồng, nhất là sự đóng góp, chia sẻ của bản thân các hộ gia đình nên các chòi phòng tránh lũ, lụt đều vượt quy mô diện tích và chất lượng quy định, phù hợp phong tục tập quán từng địa phương. Thời gian tới, Bộ Xây dựng đề xuất đầu tư thêm 40 nghìn nhà cho 14 tỉnh miền trung, với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, mỗi hộ đang cư trú tại vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ, lụt ở nông thôn được hỗ trợ 12 triệu đồng và được vay 15 triệu đồng. Chi phí này có thể sẽ đem lại hiệu quả cao và mang tính lâu dài trong công tác hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, giảm gánh nặng kinh phí hỗ trợ người dân sau mỗi đợt thiên tai. Chỉ tính riêng một đợt lũ, bão năm 2013, Trung ương đã phải hỗ trợ hơn 2.000 tỷ đồng để các tỉnh miền trung khắc phục hậu quả, cao hơn nhiều so với số tiền đầu tư xây dựng nhà chống lũ.
Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua việc xây dựng nhà ở vùng bão lũ miền trung vẫn thiếu sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tính liên kết trong ngôi nhà không cao. Các bộ phận kết cấu cũng như bao che không chặt chẽ. Vì vậy, vấn đề mấu chốt trong xây dựng nhà cho vùng bão lũ miền trung là tăng cường hướng dẫn, giám sát quá trình xây dựng. Ðối với mô hình nhà ở, cần áp dụng triệt để các giải pháp gia cố, xây dựng công trình theo mô thức tạo các lõi cứng phù hợp điều kiện kinh tế của người dân.
Ðể nâng cao khả năng chống lũ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, chính quyền địa phương cần hướng dẫn người dân làm nhà tập trung thành từng khu vực, bố trí các nhà ở nằm so le với nhau. Tránh làm nhà tại nơi trống trải, giữa đồng ruộng, ven làng, ven sông, ven biển, trên đồi cao hoặc giữa hai sườn đồi, sườn núi. Tránh bố trí các nhà thẳng hàng, dễ tạo túi gió hoặc luồng xoáy nguy hiểm. Mặt khác, Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương không nên áp đặt nhà tránh lũ như một mô hình kiến trúc cố định, nhưng phải hướng dẫn cho người dân kỹ thuật xây dựng để bảo đảm chống lũ và chịu được bão.
nguồn: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã