Bộ mặt nông thôn khởi sắc
Những ngày giữa tháng 4, chúng tôi có dịp trở lại xã Tân Tiến (TP Vị Thanh), một trong những xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM của tỉnh Hậu Giang. Cảm nhận đầu tiên là làng quê nghèo ngày nào đã có sự thay da đổi thịt. Ðường sá bây giờ thông thoáng, phẳng phiu, những nhà lá tạm bợ đã được thay thế bằng những căn nhà tường khang trang. Cảnh quan trước nhà được chăm chút sạch đẹp với những hàng rào cây xanh cắt tỉa gọn gàng...
Ông Trần Văn Sáu, ở ấp Mỹ Hiệp 3, xã Tân Tiến, phấn khởi kể: Trước đây đường sá tạm bợ, chỉ đổ đá cấp phối lại thêm cống đập, cầu khỉ đứt đoạn cho nên vào mùa mưa, đi bộ còn khó chứ đừng nói đến chạy xe. Phần lớn người dân phải đi lại bằng xuồng ghe là chính, học sinh bỏ học còn nhiều. Còn bây giờ, đường thông thoáng, không những tạo điều kiện thuận
lợi cho các em đến trường mà mỗi khi bị bệnh, người dân có thể nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời. Chính nhờ xây dựng NTM mà bộ mặt làng quê nơi đây đã thay đổi nhanh chóng. Người dân thật sự được thụ hưởng lợi ích từ những công trình mà Nhà nước đầu tư xây dựng. Trình độ dân trí, nhận thức của người dân cũng đã thay đổi, từ đó đời sống người dân từng bước được nâng lên. Qua thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa cũng đã góp phần làm cho mối quan hệ xóm làng ngày càng gắn bó, mọi người cư xử có văn hóa hơn, các tệ nạn xã hội như trộm cắp, nhậu nhẹt, quậy phá giảm đáng kể... Bí thư Ðảng ủy xã Tân Tiến Huỳnh Văn Hưởng cho biết: Ðến nay, toàn xã có gần 90% số hộ có mức sống từ trung bình trở lên. Các thiết chế văn hóa hộ gia đình được bảo đảm như hàng rào cây xanh, xây dựng cảnh quan sạch đẹp từ trong nhà ra ngoài ngõ, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Hiện xã đã đạt 15 trong số 19 tiêu chí và đang phấn đấu hoàn thành bốn tiêu chí còn lại vào cuối năm nay.
Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch và xây dựng đề án NTM 54/54 xã của tỉnh. Ðồng thời chọn 11 xã làm điểm chỉ đạo của tỉnh về xây dựng NTM. Ðến nay, các xã đã có bước chuyển mạnh, từ nền tảng nông nghiệp đến hạ tầng nông thôn. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, thủy lợi được tăng cường đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một cải thiện. Nét nổi bật nhất trong quá trình xây dựng NTM ở Hậu Giang thời gian qua là sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, dân trí, cũng như tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân. Từ đó mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, vận dụng các hình thức làm kinh tế tập thể. Ngoài phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư (theo Quyết định 800 của Chính phủ), tỉnh bước đầu phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của nhân dân trong việc tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng NTM. Hiện 11 xã điểm của tỉnh đạt bình quân 10 đến 11 tiêu chí, trong đó có ba xã đạt cao nhất là xã Tân Tiến (15 tiêu chí), xã Ðại Thành, thị xã Ngã Bảy (13 tiêu chí), xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy (12 tiêu chí); thấp nhất là xã Vị Thủy (7 tiêu chí). Ðối với 43 xã còn lại, có 15 xã đạt từ 5 đến 10 tiêu chí và 28 xã đạt dưới năm tiêu chí. Tổng nguồn vốn đầu tư hai năm qua cho xây dựng NTM hơn 3.523 tỷ đồng, trong đó vốn huy động chiếm gần 43%.
Chủ động tìm giải pháp
Xây dựng NTM là việc làm mới, chưa có mô hình sẵn, quá trình thực hiện, nhiều địa phương khó tránh khỏi lúng túng, nhất là đối với tỉnh thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo còn cao như Hậu Giang. Ðồng chí Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh cho biết: Suy cho cùng, xây dựng NTM là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Làm được điều này cần có quá trình, với những giải pháp phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học chuyên đề về xây dựng NTM. Hậu Giang nhất trí cao trong việc tổ chức thực hiện xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế tại nông thôn đều dựa trên cộng đồng trách nhiệm "liên kết bốn nhà", với mục tiêu phát triển bền vững, với khẩu hiệu "Thống nhất - Tự giác - Hợp tác - Phát triển". Cái khó nhất hiện nay là hạ tầng nông thôn Hậu Giang cũng như các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn thấp kém, trong khi nguồn vốn đầu tư lại có hạn. Nhiều địa phương chưa huy động tốt sức dân. Một bộ phận không nhỏ người dân chưa thật sự thể hiện vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng NTM. Ðối với bộ tiêu chí quốc gia về NTM, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 342/QÐ-TTg về việc sửa đổi năm tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, gồm: Tiêu chí số 7 (chợ nông thôn), tiêu chí số 10 (thu nhập), tiêu chí số 12 (cơ cấu lao động), tiêu chí số 14 (giáo dục) và tiêu chí số 15 (y tế), đã giúp địa phương dễ thực hiện hơn, phù hợp hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Chẳng hạn như việc xây dựng nghĩa trang ở mỗi xã theo tiêu chí 17 về môi trường, xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao ấp theo tiêu chí số 6 có phần lãng phí. Có thể nên đầu tư xây dựng các công trình này phục vụ liên ấp (một công trình phục vụ hai ấp), liên xã sẽ phù hợp hơn. Vấn đề quan trọng khác là cần có chính sách đào tạo, bố trí, tăng cường cán bộ chuyên trách về NTM, vì hiện nay ban chỉ đạo các cấp đều chưa có, chủ yếu là kiêm nhiệm, cho nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế... Nếu gỡ khó được những vấn đề này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM.
Xác định khâu đột phá cho phong trào xây dựng NTM là giảm nghèo và tăng thu nhập của người dân (tiêu chí số 10), tỉnh Hậu Giang đang khẩn trương thực hiện các chương trình, đề án như: Ðề án cơ giới hóa nông nghiệp, ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, vùng chuyên canh tập trung, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân sản xuất, tăng thu nhập ở vùng khó khăn. Lồng ghép và sử dụng hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, việc làm và dạy nghề, giảm nghèo bền vững, y tế, giáo dục, văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu... gắn với chương trình xây dựng NTM. Mặt khác, tăng cường hơn nữa khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn ngoài ngân sách, nhất là đối với vốn đầu tư tín dụng, doanh nghiệp và tự nguyện đóng góp của người dân trong tham gia xây dựng NTM. Ưu tiên vốn hỗ trợ cho nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất; hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế hộ... Phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 11 xã điểm của tỉnh đạt 19 trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó có ba xã (Tân Tiến, Ðại Thành, Vị Thanh) đạt 19 trong số 19 tiêu chí vào cuối năm 2013.
Nghề đan lục bình ở xã Tân Tiến, TP Vị Thanh giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã