Học tập đạo đức HCM

Nông thôn mới là của ai?

Thứ ba - 13/09/2016 08:38

Cần nhận thức rằng, nông thôn mới là của người dân, hướng đến phục vụ nhu cầu thiết thân của người dân, đó là nâng cao thu nhập của người dân. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Cần nhận thức rằng, nông thôn mới là của người dân, hướng đến phục vụ nhu cầu thiết thân của người dân, đó là nâng cao thu nhập của người dân. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Tiếp theo bài viết Xây dựng nông thôn mới - cần thực chất hơn trên TBKTSG số ra ngày 1-9-2016, trong số báo này, TBKTSG xin giới thiệu bài viết Nông thôn mới là của ai? Một khi đã xác định đúng đắn mục tiêu của chương trình thì việc xây dựng nông thôn mới sẽ sát với nhu cầu thực tế hơn và khả thi hơn, không phải tốn quá nhiều tiền cũng có thể làm được.

Nông thôn mới là của ai?

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được triển khai một thời gian dài. Xã thi đua với xã, huyện thi đua với huyện, tỉnh này thành nọ cũng thi đua. Biết bao buổi lễ “mừng công” xã đạt chuẩn, huyện đạt chuẩn được đưa lên báo đài, đưa vào trong các báo cáo thành tích. Bỗng dưng, đùng một cái, báo đài đưa tin, các hội nghị đánh giá, bên cạnh mặt được thì còn biết bao là bất cập, nhất là chuyện nợ nần vì lỡ “vung tay quá trớn”, không biết “liệu cơm gắp mắm” như ông bà mình từng cảnh tỉnh.

Tất cả, có lẽ bắt đầu từ nhận thức về mục tiêu của chương trình. Nông thôn mới là gì, cho ai, vì ai? Có lẽ bắt đầu từ sự suy nghĩ rằng nông thôn mới là phải có hình thức mới - những thứ có thể đong, đo, đếm được: con đường, cây cầu, kênh mương, trụ sở, chợ búa, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa... Và thế là rơi vào cái mà có người gọi là “tư duy cái hộp đựng”,  ám chỉ đến việc khi đầu tư thường chỉ chú ý đến công trình xây dựng - “cái vỏ”, mà không chú ý đến cái “ruột” - hoạt động vận hành của công trình đó, hay cũng có thể nói chỉ lo phần “xác” mà thiếu nghĩ đến phần “hồn”. Nhìn đây đó, không khó để nhận ra nhiều công trình xây dựng rất quy mô, nhưng hoạt động thì nghèo nàn, đơn điệu, sai chức năng. Mà cái “vỏ” lớn thì chi phí vận hành cũng lớn: điện nước, bảo trì, sơn sửa... còn hiệu quả hoạt động và ai sử dụng thì... bỏ ngỏ.

Tất nhiên, xã nông thôn mới cần đầu tư nhiều công trình phục vụ dân sinh. Nhưng suy cho cùng, đó chỉ là phần “xác”- là điều kiện cần. Phần “hồn” - điều kiện đủ - là nội dung hoạt động mới là cái đáng quan tâm ngay từ bước chuẩn bị đầu tư nhưng chưa thật sự được coi trọng.

Vẫn có cách thức tổ chức tốt hơn nếu biết thay đổi cách nghĩ. Nhất là, người lãnh đạo phải nhận thức rằng, nông thôn mới là của người dân, hướng đến phục vụ nhu cầu thiết thân của người dân, đó là nâng cao thu nhập của người dân.

Không phải là trường học mới, mà là chất lượng dạy và học. Không phải là trạm y tế mới, mà là thái độ tận tụy của người thầy thuốc, là sự thuận tiện trong khám chữa bệnh cho người dân. Không phải là thiết chế văn hóa mới, mà là sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Không phải là trụ sở làm việc mới, phương tiện làm việc hiện đại, mà chính là tinh thần mẫn cảm, thân thiện, là nụ cười, là tiếng cám ơn, là lời xin lỗi thật lòng của cán bộ, công chức với người dân. Không phải là cổng làng hoành tráng, mà trong đó người dân có tinh thần tương thân tương ái, biết tự chủ, tự lực, tự cường, biết hợp tác với nhau trong cuộc sống và trong sản xuất, chứ đừng đeo đẳng mãi nếp nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng”.

Có như vậy bà con mình mới có điều kiện giúp nhau để từ nghèo nàn lên khấm khá, rồi từ khấm khá trở nên giàu có hơn. Đó chính là phần “hồn”, là mục tiêu cuối cùng của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đi về cơ sở, người viết thường nghe lãnh đạo địa phương than vãn không có “sân chơi” cho thanh thiếu niên, nên các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao không phát triển được, và thường quy kết đó là nguyên nhân dẫn đến những tệ nạn trong xã hội nông thôn. Có phải như vậy không?

Người viết cũng có dịp tham dự đêm giao lưu của thầy trò một trường đại học ở một xã cù lao. Chỉ với vài băng ghế học sinh ghép vào nhau, trải một tấm nhựa lên, treo một cái phông là đã có một sân khấu ca hát vui vẻ, người xem hòa mình vào buổi sinh hoạt sôi động. “Sân chơi” đâu phải là công trình quy mô gì hoành tráng lắm đâu. Có thể chỉ là một bãi đất trống, có thể là sân trụ sở ủy ban nhân dân xã, có thể là sân một ngôi trường. Chưa có sân bóng đủ tiêu chuẩn thì một khuôn viên nhỏ cũng có thể chơi bóng đá 5-7 người, chơi bóng chuyền, cầu lông... Mỗi khóm, ấp không quá khó để tìm ra những khuôn viên như vậy. Ở bất kỳ đô thị nào đều chắc chắn không thiếu quảng trường, hoa viên để cộng đồng đến sinh hoạt, vui chơi.

Mỗi khi tổ chức các hoạt động thì trong tiềm thức chúng ta hay nghĩ đến sự hoành tráng, phải tập hợp được vài trăm người. Sao không nghĩ đến việc chỉ vài chục người đã là một cuộc sinh hoạt được rồi, quy mô ít thì dễ linh hoạt, chi phí tốn kém ít hơn. Càng làm lớn thì nào là huy động người, sân khấu, phông màn, bàn ghế, mỗi thứ một chút, tốn kém ngân sách, muốn vận động tài trợ cũng khó.

Đã qua rồi cái thời của những cuộc mít - tinh hàng ngàn người, hình thức, lãng phí - lãng phí kinh phí tổ chức, lãng phí thời gian của người dự. Nhìn trên truyền hình thường thấy ở các nước, tại các cuộc gặp gỡ chính khách, đôi khi chỉ vài mươi người, khách mời, đại biểu ngồi ghế một, thậm chí đứng nghe, sao mà đơn giản đến thế, nhẹ nhàng thế, gần gũi thế.

Thời nay là thời của công nghệ thông tin, của các trang mạng xã hội, còn nhiều hình thức truyền thông hiệu quả hơn, nhanh hơn, tương tác hơn cơ mà.

Mình chưa có nhiều nguồn lực để đầu tư các thiết chế đủ chuẩn, hoành tráng, khi nào khá giả hơn thì hãy tính đến sự quy mô, hoành tráng. Nguồn lực thì hữu hạn nhưng nhu cầu thì vô hạn mà. Ông bà mình dạy: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Đây đó còn cần những cây cầu kiên cố, những con đường rộng rãi, bằng phẳng, những khu vệ sinh sạch sẽ trong các ngôi trường, và còn vô vàn cái “cần” khác.

Suy cho cùng, vẫn có cách thức tổ chức tốt hơn nếu biết thay đổi cách nghĩ. Nhất là, người lãnh đạo phải nhận thức rằng, nông thôn mới là của người dân, hướng đến phục vụ nhu cầu thiết thân của người dân, đó là nâng cao thu nhập của người dân. Không nên nghĩ rằng, đạt chuẩn nông thôn mới là để báo cáo hoàn thành chỉ tiêu “trên giao”, để được treo cái bảng công nhận danh hiệu. Còn người dân, người được xác định là chủ thể của chương trình này, thì vẫn thờ ơ, coi đó là chuyện của “mấy ổng”, chứ không phải của mình đâu mà lo.

Theo Hà Anh/thesaigontimes.vn

http://www.thesaigontimes.vn/151076/nong-thon-moi-la-cua-ai.html/

 Tags: nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập568
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm565
  • Hôm nay71,627
  • Tháng hiện tại776,740
  • Tổng lượt truy cập90,840,133
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây