Dù là lần đầu hay lần thứ “n” tiếp xúc với ông, mà không nói chuyện sâu sắc, sẽ không ai ngờ ông tinh thông văn thơ, ông đọc văn học trong nước, văn học Đông Tây, văn học Mỹ Latinh, đặc biệt là “Tứ đại kỳ thư” của Trung Quốc, nhưng khi trò chuyện, ông giản dị, chân thành đúng cốt cách nhà nông. Đúng như ông nói “ở đời đạt được sự bình dị trong lối sống, trong sinh hoạt là khó”, ông không có thói quen dẫn dắt những câu văn nhiều triết lý, cái gì cũng khúc triết, rõ ràng và ngắn gọn. Ví như nói về phong trào xây dựng nông thôn mới, ông chỉ kết luận: “Nông thôn mới là cuộc sống văn minh, hiện đại hơn cho nông dân”.
Là người đi nhiều, được chứng kiến sự đổi thay của nhiều vùng quê, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của chương trình XDNTM?
Có lẽ không phải nói nhiều, chúng ta đều đã biết rõ về hiệu quả của chương trình XDNTM, rất nhiều vùng quê đã rũ bỏ lớp áo xám xịt để khoác tấm áo mới khang trang, tiện nghi và hiện đại. Cuộc sống của người dân theo đó cũng dần được nâng cao, nếu như trước đây, tivi, tủ lạnh, máy giặt là những vật dụng xa xỉ với người dân nông thôn, thì ngày nay những thứ đó đã hiện diện ở không ít những ngôi nhà “ba gian ngói đỏ”.
Trong nhà đã vậy, “ngoài ngõ” cũng rộng rãi, sạch đẹp hơn. Đường bê-tông trải thảm đến tận cửa, nếu như nhiều vùng quê trước đây cứ “đến là gặp rác” thì nay đã có đội thu gom chuyên nghiệp. Những cánh đồng cũng xanh hơn, cho năng suất cao hơn nhờ các chương trình “cánh đồng mẫu lớn”, dồn điền đổi thửa... Tất cả những điều ấy đủ để nói lên ý nghĩa thiết thực của chương trình.
Theo ông, đâu là bí quyết tạo nên thành công của chương trình này?
Có nhiều yếu tố tạo nên thành công: chủ trương đúng, cách làm hay, tuyên truyền giỏi... Tuy nhiên, điều chúng ta nên bàn tới cũng như đẩy mạnh tuyên truyền đó là cách làm, cách gìn giữ các tiêu chí sao cho bền vững. Tôi thấy ở nhiều nơi, NTM vẫn tồn tại cách làm hình thức, cũng là làm đường mà làm qua loa. Phải xác định rõ, con đường ấy, người dân đi lại hàng ngày, sử dụng lâu dài chứ không phải hoàn thành để được công nhận rồi để đó. Thế mới nói, cách thực hiện và ý thức của người dân là quan trọng nhất. Nếu chúng ta tuyên truyền không đúng, không cặn kẽ, vô hình chung sẽ tạo thành “cuộc đua” tiêu chí trong XDNTM. Địa phương nào cũng cố gắng hoàn thành càng nhiều tiêu chí càng tốt mà quên đi tính bền vững và hiệu quả của các tiêu chí này.
Tôi xin kể câu chuyện xây dựng đường giao thông nông thôn ở Thái Bình để nhà báo có cái nhìn khách quan hơn nhé. Đợt giữa năm khi về thăm Thái Bình, tôi có nghe các đồng chí lãnh đạo nói chuyện về việc hỗ trợ xi măng trả chậm để người dân XDNTM. Việc này được thực hiện ở tất cả các xã, thôn (trừ các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM). Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 200 xã đăng ký nhận hỗ trợ với khối lượng gần 128.000 tấn. Phương án hỗ trợ là, đường giao thông nội đồng trục chính được 194 tấn/km; kênh mương cấp 1 loại III hỗ trợ 131-153 tấn/km; đường giao thông trục thôn hỗ trợ 168-196 tấn/km. Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày này, xi măng đang được cấp tập chở về các xã với số lượng bình quân mỗi ngày 700 tấn/xã.
Hôm tôi về huyện Tiền Hải, đồng chí Vũ Ngọc Tính, Bí thư Đảng ủy xã Nam Thắng, vui mừng nói: “Đến nay, xã đã cơ bản đạt 17/19 tiêu chí NTM. Chính sách hỗ trợ xi măng thực sự là “cú hích” để Nam Thắng có thể sớm về đích. Với lượng xi măng được hỗ trợ trong đợt 1 (776,5 tấn), xã bố trí làm 14 tuyến đường trục thôn và 7 hạng mục mương máng cấp 1 loại 3".
Sau Nam Thắng, Tiền Hải cũng đã có 32 xã đăng ký tiếp nhận xi măng với gần 40.000 tấn. Điều khiến tôi tâm đắc nhất ở chủ trương này là xã nào sử dụng không đúng mục đích, định mức, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật… thì UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật; đồng thời dừng hỗ trợ cho xã đó. Đó cũng là cách làm quyết liệt để người dân ý thức rõ, sự hỗ trợ của Nhà nước là vì mục đích bền vững chứ không phải để làm cho xong tiêu chí.
Đúng là chúng ta phải làm đến đâu chắc đến đấy, nhưng nếu nói XDNTM là chương trình “của dân, do dân, vì dân”, dựa hoàn toàn vào sức dân, liệu có quá phiến diện không, thưa ông?
Thực ra đó chỉ là cách tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn vị trí trung tâm của mình. Còn tất nhiên đây là chương trình mục tiêu quốc gia, là chương trình lớn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ đâu riêng của Nhà nước hay người dân. Tuy nhiên, nhân việc này, tôi cũng muốn phân tích và nói thêm về các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp - một bộ phận lớn có thể góp nhiều công sức trong việc XDNTM.
Điển hình là tổ chức Hội Làm vườn (HLV), liên quan trực tiếp đến vấn đề sản xuất, tạo lợi nhuận cho người dân. Ở nhiều địa phương, tổ chức HLV đã phát huy tối đa ảnh hưởng của mình để trợ giúp hội viên, nông dân tích cực tham gia XDNTM. Ví dụ như HLV và Trang trại (HLV-TT) Hà Tĩnh đã nhận đỡ đầu xã Gia Phố (Hương Khê) trong việc hướng dẫn quy hoạch, chọn điểm xây dựng vườn mẫu. Đã chọn được 19 hộ tiêu biểu về xây dựng mô hình vườn mẫu và sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, có 3 mô hình đạt 100% tiêu chí vườn mẫu, được UBND xã hỗ trợ 10 triệu đồng/mô hình; 7 mô hình đạt 50% tiêu chí được hỗ trợ 5 triệu đồng/mô hình; 9 mô hình đạt 30% được hỗ trợ 3 triệu đồng/mô hình. Hội đã tổ chức tập huấn, hỗ trợ men vi sinh cho 19 hộ xây dựng mô hình mẫu sản xuất 30 tấn phân hữu cơ vi sinh để áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch. Đến nay, 9 huyện có 100 mô hình vườn mẫu cho thu nhập bình quân 298 triệu đồng/ha/năm (216 triệu đồng/hộ). Tỷ trọng đóng góp của kinh tế vườn trong tổng thu nhập kinh tế hộ chiếm 75%.
Hay như HLV TP.Quy Nhơn (Bình Định) luôn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hội viên ứng dụng vào sản xuất VAC, từ đó tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng, vật nuôi; tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm an toàn... Phong trào thi đua làm VAC giỏi ở TP.Quy Nhơn khá phát triển với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tạo việc làm cho hội viên, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo; từ đó góp phần vào phát triển nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Toàn thành phố hiện có 3.149 hội viên, qua phong trào thi đua làm VAC giỏi đã có 1.677 hội viên làm VAC giỏi, tăng 625 hội viên so với đầu năm 2008 và chiếm 53,25% tổng số hội viên.
Bên cạnh HLV, các tổ chức, đoàn thể khác như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cũng là những cánh tay đắc lực, góp công sức vào phong trào. Ở Tây Giang (Tiền Hải - Thái Bình), cán bộ, hội viên phụ nữ luôn đi đầu trong dồn điền đổi thửa, tự phá dỡ công trình phụ để hiến đất, đóng tiền theo quy định của thôn, xã cùng nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên làm các tuyến đường giao thông liên thôn và trục đường chính. Có sự hưởng ứng tích cực bằng những việc làm cụ thể của chị em phụ nữ, đến nay Tây Giang đã đạt 15 tiêu chí NTM, 4 tiêu chí còn lại sắp hoàn thành. Ở Nam Thắng, năm 2013 đã làm được trên 7km đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, trị giá trên 5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng, còn lại huy động sự ủng hộ của con em xa quê và nhân dân đóng góp, lực lượng lao động nòng cốt là chị em phụ nữ…
Thế thì có thể khẳng định: nông dân luôn nhận được sự trợ giúp đắc lực nhất, đó cũng chính là sự phối kết hợp để tạo nên sức mạnh tập thể - điều đã trở thành truyền thống của dân tộc ta.
Xin cảm ơn ông, kính chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe!
Tố Loan (thực hiện)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã