785 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí
Dự kiến, hết năm 2014 sẽ có 785 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM, chiếm 8,8% tổng số xã trên cả nước, trong khi tới giữa năm nay mới chỉ có gần 180 xã đạt chuẩn. Hiện nay, bình quân mỗi xã đã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí so với năm 2010.
Có thể kể ra các tiêu chí hoàn thành cao như 97,2% số xã hoàn thành quy hoạch NTM, 75,6% đạt tiêu chí điện, 50,2% đạt tiêu chí nhà ở dân cư, 44,5% đạt chuẩn về thu nhập, 72,2% đạt tiêu chí hộ nghèo, 65% số xã đạt tiêu chí hình thức sản xuất, 54,2% đạt tiêu chí y tế, 68,2% đạt tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị xã hội, 91% số xã đạt tiêu chí an ninh trật tự xã hội...
Đặc biệt, đã có địa phương không chỉ hoàn thành ở cấp xã mà xuất hiện huyện NTM như ở Đồng Nai đang đề nghị xét duyệt NTM với huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Nếu so với trước năm 2014, kết quả của Chương trình còn gặp nhiều khó khăn, thì nay đã khởi sắc và có chuyển biến mạnh mẽ. Mục tiêu đặt ra cho năm 2015 (20% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM) có khả năng đạt được.
Dự kiến hết năm 2014 sẽ có 785 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí, chiếm 8,8% tổng số xã trên cả nước. Hiện, bình quân mỗi xã đã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí so năm 2010.
Nhiều mô hình thủy sản cho hiệu quả cao được nhân rộng - Ảnh: Trần Út
Tiên phong những mô hình
Tại Quảng Ninh, xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, kể cả đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở đã có bước trưởng thành lớn trong nhận thức, khả năng vận động quần chúng và trình độ tổ chức quản lý xây dựng NTM. Hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển rõ rệt, nhất là về giao thông, thủy lợi và hệ thống điện… Đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện hơn, thu nhập bình quân đã tăng 1,5 lần, góp phần giảm hộ nghèo chung toàn tỉnh.
Năm 2014, công tác xây dựng NTM tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre được các ngành, các cấp tập trung thực hiện nhiều kết quả. Huyện đã thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất, gồm tổ nuôi bò sinh sản tại xã Tân Thủy và tổ hợp tác sản xuất khô tại xã An Thủy; thành lập mới 12 tổ đội khai thác đánh bắt xa bờ, nâng tổng số toàn huyện có 83 tổ, đội khai thác; tổ chức 12 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và 15 lớp đào tạo nghề cho nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người trong năm đạt 29 triệu đồng. Về công tác xây dựng hạ tầng nông thôn, huyện đã đầu tư và vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng 12 tuyến đường liên xã dài 9,9 km, kinh phí 16,3 tỷ đồng. Trải nhựa 24 tuyến đường liên ấp dài 20,5 km, kinh phí 19,6 tỷ đồng; trãi bê tông 58 tuyến đường liên xóm dài 16,4 km, kinh phí 5,48 tỷ đồng; xây dựng 8 tuyến đường ra nội đồng dài 4,1 km và 25 cầu bê tông, với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng.
Tại xã NTM Tân Thanh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), điều thấy rõ nhất là sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, phù hợp trong việc chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa bấp bênh sang cây ăn trái; tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Theo thống kê, hiện xã có 30 hộ thu nhập mỗi năm từ một tỷ đồng trở lên; 150 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; 400 hộ thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn phát triển 54 vựa thu mua trái cây, giải quyết hàng nghìn lao động phi nông nghiệp mỗi năm, với mức thu nhập bình quân 200 - 400 nghìn đồng/người/ngày.
Gỡ khó cho chương trình
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình xây dựng NTM năm qua vẫn gặp những khó khăn nhất định; một số tiêu chí đạt thấp như cơ sở hạ tầng văn hóa (17,9%), giao thông (23,3%), môi trường (26,8%), hộ nghèo (36,4%). Nguồn lực đầu tư cho NTM vẫn còn hạn chế, các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện các tiêu chí chưa rõ; trong chỉ đạo thực hiện thì một số địa phương tập trung chính sách và nguồn lực cho các xã điểm mà không làm đồng đều ở tất cả các xã. Môi trường vẫn là vấn đề nhiều thách thức, sản xuất chưa bền vững vì chưa có tổng kết, đánh giá tính hiệu quả, hợp lý của các mô hình kinh tế để nhân rộng.
Hay tại vùng ĐBSCL, chương trình xây dựng NTM vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt so với kế hoạch, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực thiếu bền vững trong sản xuất; sự liên kết giữa các địa phương chưa chặt chẽ và đi vào chiều sâu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại cuộc họp đánh giá kết quả năm 2014, thảo luận phương hướng thực hiện trong năm 2015, cho biết, các bộ, ngành và địa phương tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, xử lý rác thải môi trường... Đồng thời, nghiên cứu để điều chỉnh nhưng không có nghĩa là hạ thấp chất lượng các tiêu chí, không để nông thôn ngày càng lùi xa so với thành thị và đảm bảo giữ vững bản sắc, cảnh quan của nông thôn mỗi vùng miền.
Bộ Tài chính nghiên cứu kênh huy động tín dụng ưu đãi cho các đơn vị đầu tư, phát triển nông thôn. Ngoài ra, có phương án huy động rộng rãi các nhà máy xi măng đầu tư xây dựng các công trình ở nông thôn, đồng thời trả nợ vốn kịp thời cho các doanh nghiệp này…
>> Mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020: Khoảng 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn; Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn; Thu nhập tăng 2,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm, 80% dân số nông thôn tham gia bảo hiểm y tế; Bình quân đạt 15 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã