Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu trong hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM các huyện miền Tây của tỉnh, cho rằng, dù đạt nhiều thành tựu, nhiều xã đã về đích, song cần đảm bảo mục tiêu xây dựng chương trình này một cách bền vững.
Tỷ lệ các xã đạt đạt chuẩn tăng nhanh
Theo báo cáo của các huyện, tỷ lệ các xã đạt chuẩn NTM tăng nhanh trong thời gian gần đây là kết quả của việc áp dụng những cách làm hay, hiệu quả trong xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền về chương trình này cũng đã có chuyển biến rõ nét.
TP Uông Bí là địa phương đi đầu trong công tác xây dựng NTM. Trong năm 2013, xã Điền Công và Thượng Yên Công đã cơ bản đạt chuẩn NTM. Để 2 xã phát triển bền vững và theo chiều sâu, TP đã và đang tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là quan tâm đến phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện địa phương này đang tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm đối với các sản phẩm đã đăng ký tham gia chương trình OCOP; quy hoạch vùng trồng mơ lông và vùng trồng dược liệu tại xã Thượng Yên Công…
Là huyện có nhiều xã, lại thực hiện đồng loạt việc xây dựng các xã đạt chuẩn NTM, nhưng Đông Triều có cách làm riêng. Hiện huyện đã có 11/19 xã cơ bản đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM, 2 xã đạt trên 70% các tiêu chí, chỉ tiêu; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống từ 5,31% (năm 2010) xuống còn 1,12% (năm 2013)…
Trong những tháng cuối năm 2014, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị; hướng dẫn 6 xã đăng ký về đích trong năm 2014 chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ công nhận các xã cơ bản đạt tiêu chí NTM; hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư năm 2015 và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Đối với huyện Hoành Bồ, ngay từ đầu năm 2014, huyện đã giao kế hoạch vốn Chương trình xây dựng NTM, phê duyệt danh mục sản phẩm hàng hóa nông nghiệp tập trung và sản phẩm để thực hiện đề án OCOP cho các xã.
Tính đến nay, UBND huyện đã phê duyệt và cấp vốn cho 8 dự án phát triển SX; 4 dự án xây dựng hạ tầng vùng SX tập trung. Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình xây dựng NTM của huyện Hoành Bồ còn gặp những khó khăn như: công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản chưa đạt tiến độ đề ra; công tác lập và triển khai thực hiện các dự án SX còn chậm; một số dựa án còn vướng mắc về cơ chế…
Đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng NTM
Theo ông Trương Công Ngàn, Trưởng ban Xây dựng NTM Quảng Ninh, các địa phương miền Tây của tỉnh là đã tập trung đề ra và thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá để xây dựng NTM, trên cơ sở điều kiện thực tế riêng của từng huyện, TX, TP.
Nhiều mô hình trồng hoa ở TX Quảng Yên cho hiệu quả kinh tế cao
Tuy nhiên, cũng theo ông Ngàn, việc giải ngân vốn xây dựng NTM hiện còn chậm, chủ yếu do các huyện phân khai cho các xã chậm, địa phương chưa lựa chọn được danh mục công trình, cán bộ một số xã còn hạn chế về năng lực chuyên môn… dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư, thanh quyết toán, hoàn thiện hồ sơ còn lúng túng.
Giải quyết vấn đề này, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, vốn là điều kiện tiên quyết trong việc đẩy mạnh tiến độ xây dựng NTM.
“Giải ngân vốn xây dựng NTM chậm là do các địa phương chưa có sự chuẩn bị đầu tư. Để sớm tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm công tác giải ngân đúng quy định, đạt hiệu quả cao, Sở NN-PTNT, Sở KH-ĐT cần tập trung hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển vùng SX hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh, sớm ban hành hướng dẫn thiết kế mẫu đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đặc biệt là các địa phương cần phải có sự chuẩn bị tốt công tác đầu tư các dự án cho những năm tiếp theo”, ông Hậu nói.
Đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, ông Hậu khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ vật tư (xi măng, gạch) cho các địa phương theo hình thức trả chậm. Các địa phương nên giao cho dân chủ động triển khai các công trình dự án. Đối với những công trình phức tạp cần có tham gia đóng góp của chuyên gia, đơn vị tư vấn. Cùng với đó, các địa phương và các ngành phải bám sát vào các dự án, các chương trình kinh tế, xã hội của tỉnh để đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo phương châm đúng đối tượng, có hiệu quả.
Một vấn đề quan trọng khác, theo ông Hậu, là cần phát triển NTM một cách bền vững. Để làm được điều này, khâu phát triển SX, tạo đầu ra cho nông sản là biện pháp cần thiết.
“Nông sản, đặc biệt là các sản phẩm đăng ký trong chương trình OCOP phải được xây dựng thương hiệu, thống nhất mẫu mã. Đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ phải có bao bì nhãn mác đúng quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm các tiêu chí về ATVSTP”, ông Hậu cho hay.
Văn Nguyên
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã