* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết, mục tiêu quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong năm 2013 có khả thi khi phần công việc còn lại đều nằm ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn nhất của các địa phương?
* Thứ trưởng PHAN THỊ MỸ LINH: Tính đến thời điểm này, cả nước đã có trên 5.000 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đạt 68% và 995 xã đang hoàn thành các thủ tục trình duyệt là một kết quả đáng khích lệ, bởi chương trình được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm còn khác nhau giữa các vùng. Hiện những khó khăn, thách thức đối với chương trình vẫn còn rất bề bộn. Nhiều huyện chưa có quy hoạch vùng huyện nên công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã không đủ cơ sở để kết nối với hạ tầng khung. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở các xã như đường giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước… đã tồn tại khá lâu năm nên quy hoạch lại rất khó, nếu không được chỉ đạo chặt chẽ sẽ gây tốn kém, lãng phí, hiệu quả thấp.
Mặt khác, chính quyền huyện, xã còn chưa chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức và thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào các bước trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch. Nguồn vốn dành cho quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn hạn chế hoặc chưa được quan tâm thích đáng… Tuy nhiên, chương trình lại có thuận lợi lớn là được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Bằng những kết quả đã đạt được và bài học rút ra trong quá trình thực hiện, tôi tin là mục tiêu này có thể thực hiện được.
Nông dân trồng lan tại ấp Trung, xã nông thôn mới Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG |
* Mặc dù giữa các bộ, ngành đã có sự phối hợp nhất định song các hướng dẫn vẫn có sự chồng chéo khiến địa phương lúng túng trong quá trình triển khai. Liệu điều này có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nông thôn?
* Mục tiêu của quy hoạch xây dựng nông thôn mới là tạo lập được môi trường sống tốt cho người dân, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên và đáp ứng các yêu cầu phát triển sản xuất. Trong quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được các Bộ Xây dựng, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT thống nhất tại Thông tư liên tịch số 13/2011, hợp nhất 3 nội dung quan trọng nhất của công tác quy hoạch nông thôn là quy hoạch về dân cư và hạ tầng với quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất. 3 loại hình quy hoạch này trước đây vốn được triển khai độc lập theo hướng dẫn của từng bộ ngành, giờ cơ bản tích hợp vào trong cùng một thông tư, tránh các mâu thuẫn và chồng chéo.
Tuy nhiên, do yêu cầu quản lý ngành của từng bộ có khác nhau, vì vậy một số hướng dẫn trong việc thể hiện hồ sơ có những yêu cầu riêng, dẫn đến một số nội dung thiếu thống nhất. Trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ khẩn trương rà soát, điều chỉnh các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính thống nhất, tạo thuận lợi cho các cơ quan triển khai thực hiện có hiệu quả và tiết kiệm hơn cho ngân sách Nhà nước.
* Bà có ý kiến gì về vấn đề chất lượng cán bộ thực hiện công tác lập quy hoạch ở nhiều địa phương còn yếu kém, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chương trình?
* Cũng phải thừa nhận là có một bộ phận trong đội ngũ cán bộ thực hiện công tác lập quy hoạch chưa am hiểu sâu về nông thôn. Nhiều cán bộ vẫn lập quy hoạch nông thôn theo tư duy của lập quy hoạch đô thị. Hơn nữa, Chương trình nông thôn mới lại yêu cầu nhiều nội dung với nhiều lĩnh vực trong khi thời gian hoàn thành đồ án gấp gáp. Đó là những vấn đề cần tiếp tục được điều chỉnh, khắc phục. Tôi cho rằng, về chất lượng, nhìn chung đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới bước đầu đã đi vào cuộc sống, tạo ra cảnh quan, môi trường sạch đẹp hơn ở các vùng nông thôn và từng bước nâng chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn theo các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
* Nhiều người lo ngại, quy hoạch nông thôn mới có thể tác động làm mai một cấu trúc quần thể làng xã, thôn bản truyền thống, làm mất đi bản sắc kiến trúc đặc trưng vùng miền?
* Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới khác với đồ án quy hoạch đô thị bởi nó được nghiên cứu trên hiện trạng của làng quê đã được hình thành, phát triển từ lâu đời. Mỗi vùng miền có những đặc điểm khác nhau về văn hóa, cảnh quan và quy hoạch nông thôn mới chủ yếu là đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang. Trong quá trình nghiên cứu, cơ quan tư vấn đã cố gắng tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan phù hợp với bản sắc của vùng miền và đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn những nét kiến trúc của nông thôn Việt Nam.
Có một thực tế, ở nông thôn hiện nay, việc xây dựng nhà theo xu hướng, sở thích là khó tránh khỏi, nhiều nơi còn đưa nguyên mẫu nhà chia lô vào trong khuôn viên sân vườn khá rộng của mình. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho nông thôn còn hạn chế. Những quy định riêng để quản lý kiến trúc cảnh quan cho nông thôn cũng chưa có. Vì vậy bản sắc kiến trúc, đặc trưng vùng miền nông thôn đang chịu tác động và bị ảnh hưởng tác động của rất nhiều yếu tố. Vai trò trách nhiệm trong việc này không của riêng một cơ quan, tổ chức hay Chương trình quy hoạch nông thôn mới mà cần có sự tham gia, chung tay của các nhà quản lý và cả cộng đồng.
BÍCH QUYÊN - THU TÂM (thực hiện)
Theo sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã