Thiếu doanh nghiệp (DN) đầu kéo đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là một trong những rào cản lớn nhất đối với SRDP trong việc phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Mặt khác, lối tư duy sản xuất manh mún đã và đang ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến việc đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa ngày càng trở nên khó khăn… Những tưởng, các yếu tố trở ngại sẽ khiến SRDP lâm vào thế “bí” hoặc chí ít cũng khiến tiến độ thực hiện bị chậm lại. Tuy nhiên, SRDP đã chuyển hóa từ “không thành có” và làm vấn đề nan giải trở nên đơn giản hơn.
Mô hình nuôi lợn của bà Phan Thị Vân ở xã Phúc Đồng (Hương Khê) cho hiệu quả kinh tế cao. |
Ngay từ đầu năm, SRDP đã khỏa lấp lỗ hổng thiếu DN bằng việc tổ chức nhiều cuộc hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của trên 2.500 người. Sau 6 lần tổ chức (2 hội nghị cấp tỉnh, 4 hội nghị cấp huyện), đã có 5 DN lớn đồng ý ký kết từ 15-20 thỏa thuận hợp tác với các huyện trong việc cung ứng nguyên liệu, con giống; hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm - vốn đang là mối quan tâm hàng đầu của những nhà sản xuất nhỏ lẻ. Mặc dù giữ vai trò kết nối giữa DN với người sản xuất nhưng Giám đốc SRDP Phan Văn Tài luôn nói một cách khiêm tốn: “SRDP chỉ vào cuộc khi DN và người nông dân thực sự “bén duyên” với nhau. Hay nói cách khác là hai bên đã ràng buộc nhau bởi một thỏa thuận hợp tác”.
Khép lại năm cũ, hơn 10 chuỗi sản phẩm chủ lực, trong đó, đa phần đạt hiệu quả cao là kết quả của việc “bắt tay” giữa bà con nông dân và DN mà SRDP đóng vai trò “bà mối”, “bà đỡ”. Tính đến thời điểm hiện tại, SRDP đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng ngàn hộ dân; xây dựng chương trình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) ở 45 dự án với nguồn vốn hỗ trợ trên 8,7 tỷ đồng.
Trong chương trình hợp tác công tư (PPP) giữa DN và dự án, SRDP còn đảm nhận nguồn tài chính lên đến trên 9,1 tỷ đồng. Nhờ đó, các sản phẩm cây dược liệu như: mã đề, kim tiền thảo ở Cẩm Vịnh – Cẩm Xuyên (liên doanh giữa HTX Rau an toàn Cẩm Vịnh với Công ty CP Dược Hà Tĩnh); chanh leo tại xã Tân Hương (Đức Thọ); cây gấc (Phú Lộc - Can Lộc)… có được thị trường và cho giá trị kinh tế cao gấp từ 5-7 lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích.
Các loại con nuôi như: tôm thẻ chân trắng (liên kết giữa người dân Thạch Bàn – Thạch Hà với HTX Nuôi tôm Diêm Hải); mô hình nuôi thỏ ở 7 xã Hương Sơn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra cơ hội làm giàu cho các hộ dân nghèo. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, người dân, tổ hợp tác và HTX đã kịp thời phát hiện những điểm hạn chế ở từng địa phương để cải thiện hệ thống tưới (tưới vào mùa hè cho cây cam ở Vũ Quang), phun sương (phục vụ trồng nấm ở Hương Sơn, Đức Thọ), làm chuồng tránh lũ cho bò, thỏ (ở Hương Sơn)…
Thành công từ những mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại các địa phương trong năm 2015 sẽ là nền tảng vững chắc để SRDP nhân rộng và lan tỏa, đồng thời “phủ sóng” 50 xã trên địa bàn 10 huyện vào năm 2016 và những năm tiếp theo. Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những thành quả đã được tạo dựng từ tâm huyết, quyết tâm của “3 nhà”: DN, nông dân, dự án, chắc chắn, năm 2016, trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm mới góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con.
Theo Hoài Nam/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã