Học tập đạo đức HCM

Sức sống ở làng thanh niên lập nghiệp

Thứ hai - 15/05/2017 23:58
Làng thanh niên lập nghiệp không chỉ phát triển đời sống kinh tế ở vùng cao, vùng biên giới mà còn góp phần củng cố thế trận an ninh quốc phòng, tham gia bảo vệ vùng biên.
Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11, Thanh Niên tổ chức loạt bài Sức sống ở làng thanh niên lập nghiệp. Loạt bài ghi nhận sự cần mẫn, năng động trong lao động sản xuất, cùng với khát khao của tuổi trẻ không cam chịu đói nghèo, xây dựng và phát triển cuộc sống ở vùng biên ngày một sung túc, no ấm và bình yên.
Vận động mở làng lập nghiệp
Năm 2017 là tròn 10 năm sau quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Làng thanh niên lập nghiệp Thụy Hùng (xã Thụy Hùng, H.Văn Lãng, Lạng Sơn) đang có 65 hộ an cư lạc nghiệp. Nhiều gia đình từ chỗ du canh du cư, nhà cửa tạm bợ, nay đã có nơi ở mới khang trang.
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến thăm Thụy Hùng, ấn tượng đầu tiên là con đường bê tông khang trang được đầu tư từ vốn chương trình xây dựng nông thôn mới chạy vắt ngang lưng chừng núi. Hai bên đường, mỗi cụm dân cư gồm vài ba hộ gia đình ở liền kề với nhà cửa xây dựng kiên cố. Giữa mỗi cụm dân cư là cánh đồng trồng rau củ, hoa.
“Làng Thụy Hùng khang trang là thế, nhưng chục năm trước đây vùng đất này chỉ có đồi núi hiểm trở hoang vu, không một bóng người”, anh La Mạnh Hải, Phó trưởng ban Thanh niên nông thôn, Tỉnh đoàn Lạng Sơn, nói khi thấy những vị khách lần đầu đến đây cứ xuýt xoa về ngôi làng biên giới được quy hoạch gọn gàng. Một năm sau quyết định của Thủ tướng, anh La Mạnh Hải là cán bộ được Tỉnh đoàn Lạng Sơn phân công biệt phái vào ở xã biên giới Thụy Hùng vận động thanh niên chuyển ra nơi ở mới, dựng nên làng Thụy Hùng ngày nay.
 
 
Đề án xây dựng làng thanh niên lập nghiệp do T.Ư Đoàn triển khai giúp khai phá những vùng đất miền biên giới hoang vắng trở thành những bản làng mới. Ở đó, nhiều hộ gia đình thanh niên vừa lao động sản xuất vừa góp phần gìn giữ bảo vệ chủ quyền và an ninh trên vùng biên giới.
 
Khu làng bây giờ có một phần đất của thôn Nà Tồng (xã Trùng Khánh) ghép với phần đất thôn Na Hình (xã Thụy Hùng). Vùng đất giáp ranh giữa hai xã biên giới này khi xưa chỉ có đồi núi và rừng cây cỏ dại, kết nối nhau bằng con đường mòn nhỏ hẹp xe máy không thể đi qua. Muốn vào đây chỉ có cách đi bộ, hết trèo đèo lại vượt suối, cả tiếng đồng hồ mới đến nhà dân.
“Công việc đầu tiên của dự án là huy động máy xúc, máy ủi bạt núi, xẻ đồi mở con đường đất dài 4,5 km chạy xuyên qua khu đất quy hoạch mở làng. Dọc hai bên đường, chỗ nào địa thế rộng và bằng phẳng tiếp tục được san gạt lấy mặt bằng giao cho dân làm nhà. Sau gần 2 năm vận động thuyết phục, đến năm 2009 dự án tiếp nhận 10 hộ gia đình thanh niên đầu tiên dọn vào định cư”, anh Hải nhớ lại. 
Những năm sau đó, nhiều công trình điện thắp sáng, trường học, nước sạch được đầu tư vào làng Thụy Hùng thì cán bộ không còn phải đi vận động nữa, nhiều bạn trẻ khi lập gia đình đã tình nguyện viết đơn xin vào làng.
Có thêm nghề mới
 
 
Vừa lập nghiệp vừa gìn giữ biên cương
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tá Trần Văn Khôi, Đội trưởng Đội kiểm soát biên phòng Nà Tồng, thuộc Đồn biên phòng Na Hình, cho rằng thành công lớn nhất của dự án làng thanh niên lập nghiệp là gây dựng khu làng mới trên vùng đất biên giới, với những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Bà con bước đầu có sinh kế ổn định với nhiều nghề khác nhau. Khi người dân sinh sống, làm ăn sản xuất dọc theo đường biên giới thì bộ đội biên phòng có thêm lực lượng tham gia bảo vệ đường biên. Người dân canh tác, sản xuất hằng ngày trên khu vực biên giới thì bất cứ sự việc gì xảy ra bà con cũng tìm cách báo tin cho lực lượng biên phòng. Những năm gần đây không chỉ có tin tức về tình hình an ninh trật tự mà nhiều vụ cháy rừng, dịch bệnh trên cây thông, bạch đàn... cũng được người dân thông báo cho lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương xử lý kịp thời.
 
Không chỉ đổi thay về diện mạo, đời sống cư dân Thụy Hùng cũng ngày một khá lên. Người dân đã thay đổi tư duy tập quán canh tác sản xuất, học thêm những nghề mới, có thêm thu nhập. Vợ chồng anh Lê Văn Quyến, chị Lê Thị Hương mới chuyển vào làng từ năm 2010, giờ đã nằm trong số những hộ gia đình có "của ăn của để" ở làng. Khi mới chuyển vào làng, hai vợ chồng dành dụm chút vốn tích góp mở cửa hàng tạp hóa, cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ bà con nhân dân địa phương. 
Còn gia đình anh Hà Văn Thiêm và chị Nông Thị Giang có mô hình nuôi dê cung cấp giống và thương phẩm với 23 con lớn, nhỏ. 
Ở một khu làng mới thành lập như Thụy Hùng, khi các gia đình còn chăn nuôi nhỏ lẻ thì đàn dê của anh chị có quy mô lớn nhất.
Theo chị Giang, trước đây khi còn ở làng cũ, thu nhập của gia đình trông chờ vào mấy nương ruộng trồng ngô, lúa. Khi chuyển đến nơi ở mới, vợ chồng chị Giang học thêm nghề chăn nuôi dê. Con dê phù hợp với khí hậu ở Thụy Hùng nên lớn nhanh, sinh sản thuận lợi. 
Đặc biệt ở đây có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào nên phần lớn dê được chăn thả tự nhiên, chất lượng thịt ngon hơn và con giống rất khỏe mạnh. Hiện dê thịt có giá trên 100.000 đồng/kg, mỗi lứa xuất chuồng gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Ở làng Thụy Hùng, nhiều hộ gia đình đầu tư chuyển đổi nghề chăn nuôi gia súc, nên số lượng đàn dê, bò tăng dần qua mỗi năm, mở ra hướng phát triển kinh tế.
Chuyển vào làng Thụy Hùng từ thôn Kéo Dảo (xã Thụy Hùng), vợ chồng anh Lê Văn Hít, chị Lương Thị Hường (người dân tộc Dao) đang có tổ ấm hạnh phúc, trong nhà đầy đủ ti vi, tủ lạnh. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hít kể từ khi chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống “tứ bề thuận lợi”. Nhà mới gần ruộng nương hơn, không còn nơm nớp lo sợ khi mưa lũ về, đường đi học của hai con cũng ngắn lại và vợ chồng có thêm nghề bốc dỡ hàng hóa ở khu cửa khẩu Na Hình.
Cũng theo anh La Mạnh Hải, dự án làng Thụy Hùng chỉ đầu tư hỗ trợ một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt làm mẫu cho các hộ làm theo. Nhưng nhìn lại qua 10 năm, các hộ gia đình trong làng đều có sự phát triển ở mức khá. Nền sản xuất nông nghiệp ở làng mới này cũng đa dạng, phong phú với nhiều cây - con hơn. Trong tương lai, khi khu cửa khẩu Na Hình được đầu tư và nâng cấp, giao thương hàng hóa giữa VN - Trung Quốc nhộn nhịp hơn cũng sẽ tạo thêm nguồn việc làm cho người dân ở nhiều xã biên giới ngay gần cửa khẩu, trong đó có những hộ dân làng Thụy Hùng.

Phan Hậu/thanhnien.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập296
  • Hôm nay57,254
  • Tháng hiện tại853,952
  • Tổng lượt truy cập90,917,345
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây