Đồng ruộng không đủ sức hút
Chúng tôi có mặt tại khu ngoài của Công ty Hongfu (Hoằng Long, Hoằng Hoá, Thanh Hoá) vào 12 giờ trưa. Giữa cái nắng oi ả, hầm hập của chính vụ hè, hàng trăm công nhân chen chúc đứng, ngồi, bê đĩa cơm lỏng chỏng vài cọng rau và mấy miếng thịt.
Hiện nay không nhiều thanh niên nông thôn hứng thú với nghề nông. |
Chị Nguyễn Thị Lan (18 tuổi) vừa nuốt vội miếng cơm, vừa tất bật uống cốc nước, than thở: “Cực chẳng đã mới phải đi làm công nhân thôi. Công việc cũng không sung sướng hơn làm ruộng, nhưng được cái có tiền tiêu pha”. Gia đình chị Lan ở xã Hoằng Lưu, có 3-4 người đều đi làm xa hoặc làm công nhân nên gần 8 sào ruộng của gia đình phải thuê người làm.
Anh Lê Ngọc Hạnh – Phó Bí thư xã Hoằng Lưu cho biết, xã hiện có gần 300 thanh niên thì hơn một nửa trong số đó đi làm ăn xa. Số còn lại đa phần đi làm công nhân trong khu công nghiệp trên địa bàn. “Mặc dù Đảng uỷ, UBND xã đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ thanh niên nhưng họ không mấy mặn mà với việc ở lại quê hương tham gia sản xuất nông nghiệp, chưa nói tới việc đầu tư tiền bạc để làm nghề”, anh Hạnh cho biết.
Dạy nghề chưa hấp dẫn thanh niên
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Thanh niên nông thôn (T.Ư Đoàn) cho biết, thanh niên được kỳ vọng là lực lượng sẽ góp phần thay đổi cách thức làm nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hoá. Tuy nhiên, thực tế là một bộ phận lớn lực lượng này lại “ngoảnh mặt” với nghề nông, ít tham gia các khoá đào tạo nghề. Lý giải cho việc này, Nguyễn Văn Hậu (20 tuổi) - học viên lớp dạy nghề ươm cây tại Thanh Hóa nói: “Học với các bác lớn tuổi rất oải vì chậm. Với thanh niên cần mở các lớp dạy nghề riêng”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn
Thực trạng này diễn ra trong cả nước. Ông Phạm Hồng Giang - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình cho biết: “Lâu nay, chúng tôi chỉ dạy nghề nói chung, chứ không phân định dạy nghề riêng cho nhóm đối tượng nào”.
Ông Trần Văn Hiển - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh cũng chia sẻ: “Nguyên nhân chính là do các chương trình dạy nghề nông nghiệp của chúng ta chưa bài bản, quy mô theo kiểu sản xuất hàng hoá. Mặt khác, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp còn hạn chế”.
Thống kê của Phòng Dạy nghề (Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh) cũng cho thấy: Từ đầu năm 2012 tới nay, Sở mở được 35 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, 60% số lớp dạy các nghề nông nghiệp, tuy nhiên số học viên là thanh niên theo học chiếm chưa tới 10%.
Nguồn danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã