Nhiều tiềm lực
Sau gần 5 năm thực hiện xây dựng NTM, cả nước đã có 1.152 xã hoàn thành 19 tiêu chí đạt chuẩn NTM (chiếm gần 13%); 15,4 % số xã đạt 15 - 18 tiêu chí. Đặc biệt số xã đạt dưới 5 tiêu chí đã giảm mạnh, từ 82% (năm 2010) xuống còn 6,75% (5/2015). Đã 8 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến cuối năm, cả nước sẽ có khoảng 1.500 xã (chiếm 17%) và 16 huyện, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng NTM.
Năm 2014 giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,49%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 30,86 tỷ USD (tăng 11,2% so năm 2013). 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù gặp bất lợi do thiên tai và thị trường nhưng giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng 2,41% so cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất năm 2014 đạt 67,8% (năm 2013: 64,7%). Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân.
Nhiều doanh nghiệp đã có những đóng góp rất tích cực vào xây dựng NTM, với nhiều hình thức như: đầu tư vào nông nghiệp, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nhiều vùng nông thôn. Nhiều doanh nghiệp giúp tạo thêm việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn với thu nhập ổn định; liên kết với nông dân/các tổ chức của nông dân, gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, bao tiêu nông sản…; Hỗ trợ xây dựng NTM bằng vật liệu làm đường giao thông, xây nhà văn hóa, trường học, sân thể thao, tham gia tích cực công tác an sinh xã hội, xóa nhà tạm cho người nghèo và gia đình chính sách, hỗ trợ người nghèo bằng ủng hộ giống cây trồng, vật nuôi…
Cần tạo nhiều thuận lợi để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM - Ảnh: CTV
Theo thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM, gần 5 năm qua, tổng mức vốn huy động cho xây dựng NTM trên cả nước đạt 851.854 tỷ đồng; trong đó, vốn các doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp 4,9% (tương đương 20.408 tỷ đồng). Có những doanh nghiệp nhỏ như Doanh nghiệp Long Bình (tỉnh Long An) hàng năm tiêu thụ nông sản cho nông dân tới 150 tỷ đồng, tài trợ đến 52 tỷ đồng trực tiếp cho địa phương xây dựng NTM.
Tuy nhiên, cũng theo Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Tăng Minh Lộc, trong nhiều năm qua, nhất là giai đoạn 2010 - 2015, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm 0,96% tổng số doanh nghiệp (trong số này doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3%); tổng vốn đầu tư cũng chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 1%) và chỉ chiếm 2,3% về lao động. Dù là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhưng tỷ trọng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản rất nhỏ và đang có xu hướng giảm từ 1,6% năm 2007, xuống còn chưa đến 1% năm 2013. Điều này cho thấy sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản kém hơn sự phát triển của doanh nghiệp tại các lĩnh vực khác.
Thu hút đầu tư
Theo phán ánh của nhiều doanh nghiệp, yếu tố cản trở chủ yếu của họ khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chính là: quy hoạch thiếu ổn định, hạ tầng cơ sở khó đảm bảo sản xuất, chất lượng lao động nông thôn thấp, khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, khó giải phóng mặt bằng… Vậy làm thế nào để tháo gỡ vướng mắc này đang là vấn đề được đặt ra cho nhiều cấp, ngành liên quan.
Đại diện Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Bình Định kiến nghị, Nhà nước cần ban hành cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để doanh nghiệp có điều kiện thể hiện vai trò của mình trong xây dựng NTM. Các địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa. Cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ nông dân tiếp cận vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho phát triển sản xuất và kinh tế nông thôn. Nâng cao nhận thức của người dân thông qua tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó tích cực tham gia liên kết cùng doanh nghiệp đem lại sự thành công.
Theo TS Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cần đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ việc khởi sự doanh nghiệp ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Cơ quan hành chính các cấp: hướng dẫn, tạo điều kiện liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hộ nông dân và tổ chức khác trên địa bàn. Tăng cường vai trò hiệp hội nghề nghiệp ngành hàng để thực sự trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với hộ nông dân.
>> Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương: Tăng nguồn lực cho Chương trình NTM và tái cơ cấu đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; Đẩy mạnh cải tiến và nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn đảm bảo đáp ứng yêu cầu về đổi mới của xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã