Năm 2013, ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song, với sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ với các địa phương trong chỉ đạo điều hành, sự nỗ lực của các doanh nghiệp và nông dân trong cả nước, ngành nông nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,67%, tương đương mức tăng của năm 2012 (2,68%), trong đó: trồng trọt tăng 2,6%, chăn nuôi tăng 1,4%, lâm nghiệp tăng 5,18%, thủy sản tăng 3,05%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 801,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,95% so với 2012... Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm ước đạt 27,5 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt hơn 8,5 tỷ USD... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn bộc lộ những hạn chế. Ðó là tăng trưởng chưa bền vững và có xu hướng chậm dần; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội; chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều nơi thực hiện chậm...
Năm 2014, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đề ra mục tiêu chung là thực hiện tái cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Toàn ngành phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 2,6 đến 3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,1 đến 3,5% so với năm 2013; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt 28,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,5%...
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, tình hình kinh tế trong nước cũng diễn biến hết sức khó khăn, thiên tai bão lũ gây thiệt hại nặng nề... những đóng góp của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân là rất lớn, rất quan trọng. Năm 2014, để ngành nông nghiệp thật sự bứt phá, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðây là đòi hỏi bức xúc cần được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần có nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản; nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ vào sản xuất; khuyến khích hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn.
Thủ tướng chỉ đạo ngành nông nghiệp cần thu hút các nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng nông thôn, tăng cường đào tạo nghề, thực hiện tốt các chương trình xã hội như giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam; nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn hồ chứa; ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi đa mục tiêu gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi. Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là trong quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nguồn nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã