Là một huyện thuần nông, không có những lợi thế để tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, do đó, thu nhập bình quân đầu người ở Đức Thọ cũng chỉ đạt ở mức trung bình. Nhưng không vì thế mà các phong trào tại địa phương này lại thua kém, ngược lại, luôn phát triển vượt bậc so với các địa phương khác trong tỉnh, đặc biệt là phong trào xây dựng NTM. “Xây dựng NTM là trách nhiệm của toàn dân. Chính vì vậy, chỉ khi ở đâu cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy được sức mạnh của toàn dân thì ở đó mới có điều kiện về đích NTM” - Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Võ Công Hàm khẳng định.
Cùng chung tay xây dựng NTM, người dân Đức Thọ tự nguyện hiến đất, tài sản, đẩy mạnh phong trào làm giao thông nông thôn; đồng thời tích cực phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả.
Theo dõi cả quá trình xây dựng NTM ở huyện thuần nông này cho thấy, ngoài điểm chung là việc thành lập các ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, phân công phân nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức, ở Đức Thọ còn có một thế mạnh riêng. Đó là khí chất, tấm lòng, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và cả sự nỗ lực vươn lên chinh phục cái mới của con người nơi đây, không hổ danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Điều này được thể hiện, kể từ những ngày đầu thực hiện xây dựng NTM, khi người dân đã tin tưởng vào chủ trương đúng đắn này, cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân đã tạo thành khối đoàn kết, nhất quán từ trên xuống dưới, từ cán bộ đến nhân dân đồng nhất vào cuộc, đem lại hiệu quả cao.
Những con số thuyết phục sau đây đã phần nào minh chứng cho sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn huyện Đức Thọ. Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tổng số tiêu chí mà huyện đạt được là 365/495, đạt 73%, bình quân mỗi xã đạt 13,5/19 tiêu chí, trong đó có 7 xã đã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt 13-15 tiêu chí, 12 xã đạt 10-12 tiêu chí, không có xã dưới 10 tiêu chí. Đến thời điểm này, Đức Thọ đã thành lập được 1.045 mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, trong đó có 165 tổ hợp tác, 143 hợp tác xã và 202 doanh nghiệp, còn lại là các mô hình vừa và nhỏ; tổ chức 147 lớp đào tạo nghề cho lao động với 5.580 học viên, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong toàn huyện đạt 46,37%; làm mới 265,49 km đường giao thông nông thôn, 100,7 km giao thông nội đồng, 148 km, kênh mương cứng; xây dựng mới 15 nhà văn hóa xã, 105 nhà văn hóa thôn, xóm, 21 trạm y tế xã, 105 phòng học...
Câu chuyện xây dựng NTM ở Đức Thọ có rất nhiều điểm nổi bật, trong đó phải kể đến công tác tuyên truyền, vận động người dân chung sức, chung lòng. Đây chính là “chìa khóa” để Đức Thọ có tổng số tiêu chí NTM đạt được với tỷ lệ cao (73%), trong đó, điển hình là 7 xã, gồm: Tùng Ảnh, Trường Sơn, Thái Yên, Đức Lạng, Yên Hồ, Trung Lễ và Đức Thủy về đích NTM từ năm 2015 trở về trước.
Tiêu biểu nhất phải kể đến Tùng Ảnh. Đây là địa phương về đích NTM từ rất sớm (2013), hiện đang tập trung xây dựng xã NTM kiểu mẫu, dự kiến hoàn thành vào năm 2018. “Công tác tuyên truyền, vận động ở mỗi địa phương đều có cách làm riêng. Nhưng chung quy lại là có tác dụng làm cho mọi người dân hiểu rõ, tin tưởng về tính ưu việt của chủ trương, từ đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng yêu quê hương của không chỉ người dân địa phương mà cả con em xa quê trên mọi miền Tổ quốc”, ông Trần Hoài Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết.
Ở thôn Châu Nội (Tùng Ảnh), nhiều gia đình không xây bờ rào bê tông mà trồng cây giới và cây chè mạn hảo, cắt tỉa công phu. Đây là nét độc đáo rất khó gặp ở các làng, xã ngày nay. Ảnh Quang Đại
Thực tế cho thấy, khi lòng dân đã thuận chính là động lực để cả huyện vào cuộc một cách sôi nổi, hiệu quả với không khí: đảng viên làm trước, quần chúng làm theo; nhà nhà thi đua; xã này thi đua với xã khác; đoàn thể này thi đua với đoàn thể khác... Danh sách đóng tiền của, hiến đất, hiến tài sản được các địa phương công khai như một lời tri ân, góp phần khơi dậy tinh thần, tâm huyết của mỗi một người con quê hương Đức Thọ anh hùng. Từ đó, đã tạo hiệu ứng tích cực, làm nhiều thêm số người góp công, góp tiền của, hiến đất trên địa bàn toàn huyện.
Kết quả, sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM, Đức Thọ đã huy động được gần 2.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách 348 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình dự án 801 tỷ đồng, vốn tín dụng và doanh nghiệp 283 tỷ đồng, con em xa quê đóng góp 181 tỷ đồng, nhân dân địa phương đóng góp 301 tỷ đồng và hàng chục ngàn m2 đất… Điển hình như Tùng Ảnh, số tiền mà con em xa quê đóng góp lên đến 35 tỷ đồng (tiêu biểu như ông Mai Trọng Lương - thôn Đông Thái, cư trú tại Vũng Tàu đã đóng góp hơn 200 triệu đồng); xã Trường Sơn, các hộ dân đã tự nguyện hiến 1.179 m2 đất nông nghiệp, 1.904 m2 đất vườn, 1.000m tường rào trị giá hàng chục tỷ đồng để mở rộng đường giao thông nông thôn...
Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn hiệu quả cũng là vấn đề không kém phần quan trọng. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, trên cơ sở sự chỉ đạo xuyên suốt từ lãnh đạo huyện, các địa phương đều tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, xây dựng chính quyền đều lấy ý kiến người dân; quá trình xây dựng có sự giám sát thường xuyên của đại diện nhân dân, tạo sự công khai, minh bạch một cách tuyệt đối. Đó là lý do mà hầu hết các công trình được xây dựng trên địa bàn thời gian qua đều bảo đảm chất lượng, được nhân dân tin tưởng.
Về Đức Thọ vào dịp này, điều chúng ta cảm nhận đầu tiên đó là những đổi thay, hình hài, diện mạo nhiều vùng quê đạt chuẩn NTM đã và đang hiện hữu.
Theo Văn Lý - Đức Thiện/baohatinh.vn
(Còn nữa)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã