Mới giải ngân được 26% nguồn vốn
Từ đầu năm 2011 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ cho 50 xã điểm hơn 142 tỷ đồng để đầu tư thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ cơ sở, xây dựng quy hoạch... Tuy nhiên, tiến độ giải ngân diễn ra rất chậm. Riêng vốn phân bổ trong năm 2012 gần 86 tỷ đồng, nhưng tính đến cuối tháng 10, mới chỉ giải ngân được hơn 26%, gây khó khăn cho nhiều địa phương, trong đó có huyện Thăng Bình.
Hầu hết đường tỉnh, đường giao thông liên xã ở Thăng Bình đã xuống cấp, cần được đầu tư, xây dựng. |
Thăng Bình là một huyện nghèo còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Nam, điểm xuất phát về kinh tế thấp, lao động nông nghiệp chiếm 75,47%, tỷ lệ hộ nghèo cao (18,99%)... Phần lớn hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng của huyện chưa được đầu tư xây dựng. Mặc dù những năm qua, thông qua các tổ chức, các chương trình khác, địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn để kết hợp huy động nguồn lực trong nhân dân đầu tư xây dựng, nhưng tổng nguồn vốn đầu tư còn khá thấp so với yêu cầu thực tế của địa phương.
Ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, cho biết: “Gần hết năm nay, nguồn vốn tỉnh cấp cho huyện Thăng Bình chỉ có 5 tỷ đồng. Huyện đã phân bổ hết cho 5 xã điểm của tỉnh là: Bình Giang, Bình Quý, Bình Tú, Bình Bắc, Bình Chánh. Huyện cũng đã trích ngân sách 500 triệu đồng đầu tư cho xã điểm của huyện (xã Bình Nguyên). Như vậy, tính trung bình mỗi xã chỉ được có 900 triệu đồng”. Theo ông Vỹ, nguồn vốn đầu tư cho các xã xây dựng NTM như hiện nay là quá ít, trong khi đó, việc huy động nguồn lực trong dân, nhất là việc đóng góp về sức người và của cải cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Tắc ở vốn
Ông Nguyễn Văn Anh
Ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Giang (huyện Thăng Bình), cho rằng: “Là một trong 6 xã được chọn làm điểm về xây dựng NTM ở Thăng Bình, dù đã đạt 5/19 tiêu chí NTM, nhưng thách thức lớn nhất của Bình Giang hiện tại là nguồn vốn đầu tư”.
Theo đề án đã được phê duyệt, tổng kinh phí thực hiện xây dựng NTM của Bình Giang đến năm 2015 là 120 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 60 tỷ đồng, số còn lại do nhân dân đóng góp và huy động từ các nguồn xã hội hóa khác.
Theo ông Nguyễn Văn Anh, nguồn vốn phê duyệt như vậy, nhưng từ năm 2011 đến nay, xã mới được cấp hơn 2 tỷ đồng để thực hiện quy hoạch, bê tông hóa nông thôn, kiên cố hóa kênh mương và mua giống hỗ trợ sản xuất cho nhân dân. Địa phương phải cố gắng rất nhiều để huy động thêm 2 tỷ đồng từ nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp… để đối ứng đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn. “Với nguồn vốn đầu tư ít ỏi như hiện nay, tôi nghĩ rằng 10 năm sau địa phương cũng khó thành xã NTM”- ông Anh khẳng định.
Lê Tới - Đoàn Hồng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã